CHUYỆN NGẮN 100 CHỮ CHỌN LOC.
Bữa cơm trưa
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo, khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba…
Nguyễn Thị Nga.
Nhà ở nông thôn nhưng con cái đứa nào cũng công danh thành đạt. Đứa là bác sĩ, đứa là kỹ sư, thấp nhất cũng là cán bộ một ngành trên tỉnh. Chỉ có chàng Út an phận ruộng vườn, lo phụng dưỡng cha mẹ.
Ngày giỗ ông bà, xe cộ đậu kín sân. Chúng rôm rả ăn nhậu ở nhà trên. ba hãnh diện tới lui giới thiệu với bà con họ mạc. Tiệc giữa chừng chẳng thấy má đâu. Chúng nháo nhác đi tìm gặp má ở sau chái bếp. Nghe chúng cự nự, má cười móm mém: “Má ăn dưới này cho có bạn để vợ thằng Út nó buồn”.
Nguyễn San.
CUA RANG MUỐI.
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên dòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
– Cua rang muối thật đó mẹ!
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
– Còn răng đâu mà ăn?!
Đ0ẠN VĂN HAY. LƯU TRỮ
Tiếng chim líu lo lay tôi dậy một cách dịu dàng. Vườn nhà bác hưu trí bên cạnh có hai cô chích chòe, một chú họa mi và một chàng khứu… nhưng cũng đủ để tạo nên một dàn hợp xướng tuyệt vời… Tiếng chim như những nốt nhạc, nổi lên trên nền ban mai tĩnh lặng mượt mà…
Chờ
Ngày nhận học bổng du học nước ngoài, anh nắm tay cô “Em chờ anh về nhé… “ thay cho lời tỏ tình. Cô ngoan ngoãn gật đầu.
Năm năm trôi qua, bạn bè cùng khóa lập gia đình gần hết, những lá thư của anh ngày càng thưa dần…
Anh về nước, dắt theo một cô gái xuân sắc, trẻ trung. Gặp cô, anh vồn vã “Em vẫn chưa lấy chồng à? Sao kén thế… “.
Lê Nguyễn Thục Quyên
Chia tay – Nguyên Khang
Một năm trước hai đứa nói chia tay. Miệng thì nói thế mà nhất cử nhất động gì của nhau cũng biết. Có khi điện thoại reo lên: “Alô, em ơi! Anh xỉn quá!” Hay như chuyện bất ngờ: “Ạnh ơi! Xe em mất tiêu rồi!”
Rồi một ngày điện thoại cũng reo lên: “Em ơi! Anh có người khác rồi. Cô ấy tội nhgieepj lắm!”. Em như người bước hụt chân. Như mất đi một phần cơ thể. Sáu năm trời bên nhau, vui buồn lẫn lộn. Sáu năm có anh. Những tháng ngày tới em biết gọi ai?
Nguyên Khang
Đành thôi
Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ đinh viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…
Ngô Thị Thu Vân.
Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở: – Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.
Ứa nước mắt, người chồng nói: – Không thương bà, sao có được 4 mặt con. Đứa lớn gần 40, đứa út đã 30. Không lo cho con, mà chúng sống được. Không đứa nào hư cả.
Người vợ còn sụt sùi: – Kiếp sau tôi không lấy ông đâu!
Người chồng (giọng kiên quyết): – Được đầu thai lên, tôi cũng cứ tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà.
Tối, họ đưa nhau đi xem phim: “Anh vẫn yêu em”.
Thanh Lam.
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo giòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ đứng thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh òa khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi… cả năm qua con ngoan… không hư một lần nào…”
Hải Âu
Ba
Truyện ba được in trong một tuyển tập. Nhưng ba không được lãnh nhuận bút cũng chẳng có sách biếu. Lãnh học bỗng, nó dành hơn một nửa để mua sách tặng ba.
Vừa thấy bộ sách, mặt ba thoáng vui nhưng lại buồn ngay: “Nhà mình năm nay kẹt lắm, con mua làm gì. Cất đi, mẹ con thấy là có chuyện đó”.
Buồn quá, nó lẳng lặng cất sách vào tủ. Nửa đêm tỉnh giấc thấy đèn sáng ở nhà ngoài., nó đi ra. Ba đang ngồi lật giở từng trang sách để đọc.
Quý Nhi.
Nghề của mẹ
Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm.
Có lần mẹ đội thau cá đứng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắt tôi đến cốt đưa cho gói xôi, cái bánh…
Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.
Võ Thành An
Những vạch vôi trắng
Thuở nhỏ, mỗi lần có lỗi, tôi thường bị mẹ bắt nằm dài trên bộ ván, đặt cây roi trên đít, nghe bà thuyết giảng. Xong, mẹ cho nợ lại, tái phạm sẽ đánh một thể. Lần sau, cảnh ấy lại tái diễn. Lại cho mắc nợ. Mỗi lần vậy bà lấy vôi ăn trầu vạch lên cây cột nhà bếp một vạch.
Lớn lên, thành đạt thì mẹ không còn nữa. Mới đây về quê thăm nhà cũ, thấy cây cột nhà bếp vẫn còn, mang không biết bao nhiêu lằn vôi chi chít. Mới hay: mình nợ mẹ quá nhiều!
Y Châu.
Quay lưng, gật đầu
Ngày ấy, ông bà nội phản đối ba mẹ tôi với lý do của người lớn không ai hiểu được… Ba đã từ bỏ mọi thứ để nhận lấy cái gật đầu của mẹ… Rồi anh chị tôi ra đời.
Chỉ còn một tháng nữa, tôi cất tiếng chào đời. Và cũng cũng với lý do của người lớn, ba quay lưng với mẹ, từ bỏ gia đinh. Mẹ cũng gật đầu. Vành nôi tôi chông chênh từ đó…
Hai mươi năm, cuộc sống cứ tiếp diễn… Ba mẹ anh đã phản đối với những lý do của người lớn không ai hiểu được. Hôm qua anh quay lưng và tôi cũng gật đầu. Hạnh phúc?… khổ đau?…
Hoài Ân
QUÀ TẶNG CỦA THƯƠNG ĐẾ
Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ “Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con”, lần nào nghe xong mẹ cũng mỉm cười.
Cô đã yêu – yêu bằng tất cả những gì mà cô có được. Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống. Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.
Rồi một ngày kia, Thượng đế đến mang món quà của cô đem tặng cho kẻ khác.
Đêm nào cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao…
Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài.
Sau trận chiến
Trong buổi cứu trợ nạn lụt, họ chợt nhận ra nhau. Ký ức xưa ùa về.
Ngày đó, sau trận giao tranh khôc liệt, anh bị thương khá nặng. Bên một con lạch nhỏ, anh đã gặp người sĩ quan khác chiến tuyến ấy nằm thoi thóp. Căm hờn sôi sục, anh nghiến chặt răng, đặt tay lên cò súng. Thế nhưng…
Tỉnh lại, thấy anh ngất lịm cạnh tôi với hai khẩu súng đều tháo đạn, tôi chợt hiểu. Tôi đã nợ anh, nợ mảnh đất này một tấm lòng!
Hai người lính già ôm chầm lấy nhau, cười vang cả bến sông.
Trần Thanh Hải.
Biết bà thích ăn sầu riêng. Nghe chỗ nào có giống ngon, ông đều đến đó mua cây chiết về trồng. Mảnh vườn sau nhà của ông đủ các giống sầu riêng. Bà vui miệng bảo với ông: “Tới lúc mấy cây sầu riêng có trái thì tôi chết mất đất rồi”.
Nhưng giờ đây, bà nghẹn ngào đặt lên bàn thờ của ông quả sầu riêng chín đầu tiên trong vườn.
Sợ bà buồn, ba dọn về ở chung. Nhưng bà vẫn cứ buồn dịu vợi. Bởi đâu ai chia sớt được nỗi “sầu riêng”.
Nguyễn Thị Bảo Anh.
Sinh nhật
Chồng mất. Vốn kiến thức đã mai một không đủ để kiếm việc làm. Chị xin làm công cho một cửa hàng bánh ngọt trong thành phố. Khách ra vào tấp nập, người chọn kiểu này, kẻ chỉ kiểu kia. Mệt, đói, nhưng vẫn phải tươi cười.
Khuya, chị trở về nhà. Bếp núc lạnh tanh. Đứa nhỏ hâm hấp nóng… Thằng anh nghèn nghẹn: “Buổi chiều con đưa em đi công viên, hôm nay sinh nhật em”.
Chị ôm con vào lòng, rơi nước mắt. Từ ngày anh mất, gia đình chưa có một bữa cơm chung.
Lê Nguyễn Thục Quyên.
Tình xa
Gia đình em xem tôi như người trong nhà bởi hai đứa có mấy năm yêu nhau thời trung học.
Em lên thành phố học tiếp, còn tôi ở lại bươn chải vì cuộc sống. Hai đứa ít thư từ qua lại, có điều công việc nhà em cũng là công việc của tôi trong mấy năm em ngồi ghế giảng đường.
Hôm nay, trên thành phố người ta xuống nhà em để làm lễ hỏi, tôi được mời dự bữa cơm gia đình. Bình thường hai bác vẫn gọi tôi bằng con, sao từ ấy hôm nay nghe xót xa buồn!
Nguyễn Hữu Bé
tiếc nuối
Mẹ bị bệnh nan y.
Tối hôm ấy, mẹ nắm tay tôi
– Con gái mẹ xinh quá! Mười tám rồi còn gì?!
Rồi mẹ nhìn tôi, thở dài:
– Con gầy quá. Học thi vất vả lắm phải không? Nói chuyện cho mẹ nghe đi! Nhưng thôi. Con phải giữ gìn sức khỏe, đi ngủ đi!
Mẹ ra đi lúc đêm tàn. Trên trời chỉ còn một ngôi sao lặn muộn, chờ rước linh hồn mẹ về trời.
Suốt hai chục năm nay, lòng tôi luôn tiếc nuối, sao tôi không thức chuyện trò với mẹ suốt đêm.
Nguyễn Thụy Minh Hiền.
TUỔI THƠ.
Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.
– Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.
Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:
– Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để “tụ” trường mặc đi học chỉ cũng hổng cho. Nhà chỉ treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp…
Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà… Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em.
Ngọc Chi.
THÊM BỚT.
Hồi xưa, nhà nghèo, con đông, tới bữa, mẹ tôi phải chia số cơm ít ỏi cho các con khỏi giành nhau, mà cũng chỉ được lưng bụng. Đứa nào ngoan, được thêm nửa bát cơm, hoặc miếng cháy.
Những lần như vậy, tôi vui sướng như được ông tiên cho quà.
Giờ, khá giả, con ít, bữa nào tôi cũng phải dỗ dành, ép buộc, con tôi mới chịu ăn hết bát cơm.
Hôm nào ngoan, nó được “quyền” rút bớt nửa bát.
Những hôm ấy, nó vui sướng giống như tôi được thêm miếng cháy cơm hồi trước.
Thanh Hải.
Bà và cháu
Rảnh việc, bà tranh thủ đến thăm cháu ngoại. Cả ngày bé quấn quít bên bà. Mới 4 tuổi nhưng bé đã có mọi thứ. Bà mừng cho cháu ngoại được đầy đủ, nhưng lại thương cháu nội thiếu thốn đủ bề…
Đang nhớ quê, bà bỗng giật mình:
– Bà ơi! Cháu muốn uống sữa.
Cầm vỏ hộp sữa thấy vẫn còn, bỏ thì phí nên bà cố uống cho hết.
Con bé tròn mắt nhìn ba ngây thơ:
– Cháu uống hết rồi, còn đâu mà bà uống?
Bà ngượng ngùng: “Vẫn còn một chút, cháu ạ!”.
Hoàng Thị Khuyên.
hoàng yến.
Nhừ Minh chuyển đến nơi ở mới. Mừng tân gia, chú Út tặng cho Minh con chim khướu. Ngoài giờ học, Minh líu ríu với chim nơi hàng hiên. Chừng tuần sau, Minh phát hiện cô bé nhà bên thường chăm chú nhìn Minh chăm sóc chim với đôi mắt một mí thật dễ thương nhưng buồn lạ
Vốn tính xởi lởi, nó xách ù lồng chim lại tường rào giơ lên làm quen: “Bạn thích nuôi chim không? Bạn tên gì?”
Cô bạn mới chầm chậm lăn chiếc xe lăn lại gần song sắt tường: “Em là Hoàng Yến!”
Loài chim không bay
Tuyển Minh.
ÁO MỚI.
Hôm nay đám giỗ ông cố. Từ sáng sớm, mẹ đã sửa soạn về nội.
Ra tới ngõ, con chợt để ý thấy mẹ mặc chiếc áo đã cũ.
Con hỏi mẹ:
– Mẹ ơi! Cái áo trắng mới, dì Ba mới may cho mẹ đâu?
Mẹ lúng túng:
– Ờ mẹ để đâu mẹ quên, vội quá, mẹ mặc đỡ này vậy.
Con ngước nhìn mẹ. Chợt hiểu. Hèn chi hôm nọ học thêu, nhỏ Hương nó hỏi, sao vải của con có những lỗ nhỏ như đường may tháo ra.
Hai mẹ con ôm nhau thổn thức.
Truyện cực ngắn nhưng giàu sức khái quát, ẩn dụ, đủ cho một rung động, suy ngẫm trong mỗi câu chuyện rất dân dã, đời thường. Mỗi truyện là một thông điệp, thường chốt lại ở những câu văn hay hình ảnh cuối ấn tượng dẫn người ta tới những vùng sáng, tối của đời sống. Phan Tấn Linh vẫn thường dùng thủ pháp quen thuộc này.
NDHT chọn tám truyện, tám góc chiếu soi tỏ một khuôn mặt văn chương, một sự chơi chữ nghĩa, có khát khao, có soi rọi và có mơ ước, và tự mỗi bạn đọc tìm ra ý nghĩa cho riêng mình.
Nhà có ao cá, mỗi lần muốn bắt, má lại nói đợi thằng út về rồi tát luôn. Nghĩ thương má nên thôi.
THẰNG ÚT.
Những ngày cuối năm, anh em gặp nhau muốn lai rai một chút. Nhà có bầy vịt nhưng má nói, đợi ít bữa thằng út về. Má nói thấy thương, lại thôi.
Chiều 30 tết, má đứng ngồi không yên, rồi lại lân la ra đầu ngõ, mãi đến tối mịt mới về. Má đưa tấm giấy cho anh hai bảo là thư thằng út. Anh hai thắp đèn đọc, chỉ vài hàng xin lỗi vội vã không về được.
Mạnh Hùng.
Thua…!
Chúng tôi lớn lên ở xóm nhỏ ven sông Tiền.
Lớn tồng ngồng mới được đến trường. Ngoài giờ học, chúng tôi đánh trâu ra đồng. Hái ổi trộm. Tắm sông. Thi bơi lội. Ai thua phải cõng người về nhất.
Có lần tôi phải cõng em.
Sang bên kia sông, tôi nhìn xem em giấu gì trong ngực áo.
Chiếc áo trắng mỏng manh. Em đỏ mặt. Nhảy ùm xuống nước.
Sáng nay, đám rước dâu em ngang đầu ngõ. Tôi lại thua, nhưng không được cõng em sang sông lần cuối.
Ngọc Lệ
Trúng số
Hai năm trước bị tai nạn giao thông anh phải nghỉ việc, đành để chị đi làm. Nhan sắc hoa khôi ngày nào được trang điểm càng thêm lộng lẫy. Có điều từ lúc đi làm chị thường vắng nhà, bù lại thu nhập tăng nhiều hơn.
Mỗi lần anh hỏi, chị cười cười: “Công việc xoàng thôi, nhờ em trúng số”.
Tối nay chị về dáng mệt mỏi, vào toilet nôn mửa. Bé Thảo giật mình thức giấc hỏi mẹ, anh nói mẹ đi tắm. Giọng nó buồn buồn: “Mẹ trúng số” hoài mà sao nhà mình không vui hả bố?”.
Nguyễn Hữu Bé
Về quê ăn tết
Cầm chứng chỉ cử nhân luật trong tay, và sau bao lần xin việc, tôi đã đi làm được ở công ty bao bì Thành phố.
Nhận 800.000đ lương, năm nay tôi quyết định về quê ăn tết. Tính toán cả mấy ngày để mua quà cho bố, cho mẹ, cho em, cho cháu.
Khi xe lăn bánh bỗng giật mình, không biết khi hết tết vào lại Thành phố đi làm, tiền đâu để trả tiền nhà, tiền ăn và tiền xe đi vào, chẳng lẽ lại xin tiền mẹ. Tôi bỗng thở dài.
Phạm Hoa Phượng.
Viết cho Cha
Con xin đóng tiền học phí học bằng B Anh văn. Cha nói: “Để cha tính”.
Một lần sau giờ học, lũ bạn rủ đi uống nước.
Ngồi trong quán, con giật mình khi thấy dáng một người rất quen – cha của con. Cha chạy hon đa ôm sau giờ làm việc. Con trách mình sao quá vô tâm.
Minh Tú
Xứ lạ quê người
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gửi tiền về giục các con lo học tiếng Anh và vi tính để mai mốt qua đó dễ dàng kiếm việc làm. Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?”.
Trần Ninh Bình.
Chiều muộn. Tôi đón xe ôm đi từ chợ Tân Định đến chợ Phú Nhuận bên kia cầu Kiệu. Bác xe ôm trông hiền lành: “Cho chú bốn ngàn được không?”
Đến nơi, giở kiếm trong xấp tiền lẻ, bác lái xe rút tờ hai ngàn đưa cho tôi: “Thôi, gần quá, chú lấy ba ngàn thôi”. Dù bất ngờ nhưng tôi vẫn kịp dúi tờ tiền vào tay bác: “Cháu gởi bác luôn”. Bác ta đẩy vội tay tôi: “Thôi cháu cầm đi” rồi rồ xe chạy mất…
Tôi ngẩn người hồi lâu. Một cảm giác ân hận tràn ngập trong lòng.
Ngọc Chi
Má ơi!
Má ơi! Cho con xin tiền nộp…
-Ráng ít bữa nữa đi con!
Hôm sau:
-Má ơi! Cho con xin tiền…
-Đợi thêm vài ngày nữa đi con!
Bữa sau nó tiếp:
-Má ơi! Có tiền…
-Ráng đi con,mấy hôm nay chợ ế ầm,má chẳng bán được gì…
Mấy hôm sau,nó thôi không xin tiền má nữa.Mặt nó buồn thiu.
Đi chợ về,nhìn nó,má cười:
-Hôm nay,gánh rau của má có tiền rồi nè!
-Không cần nữa đâu má ơi…Lớp con đi cắm trạii hết rồi!
TRẦN THÙY HUYỀN TRANG.
Nhà
Nhà nghèo,đông anh em,từ nhỏ nó đã quyết tâm phải làm giàu.Sau bao tháng năm vật lộn ở xứ người,dành dủm được bao nhiêu,nó gữi về nhà tất.
Ngày nó về thăm quê hương,ngôi nhà cũ vách lá ngày xưa đã được thay bằng một ngôi biệt thự sang trọng.Những hôm trời mưa dầm lạnh giá,mọi người đều ở trong phòng riêng của mình.Nhà im ắng,cô đơn quá.
Nó chợt thèm như ngày xưa,mấy anh em xúm xít nhường nhau chỗ ngủ vì nhà dột,vậy mà không ngớt tiếng cười,nhà ấm áp làm sao!
NGUYỄN DUY THÔNG
Hồi học lớp hai trường làng, tháng mưa dầm nước ngập, đi đường ướt lạnh, khi đến lớp, thầy khoát áo cho tôi.
Lớn lên thành cô giáo dạy vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, nếm đủ ấm lạnh tình người nhưng không hơi ấm nào bằng hơi ấm tình thầy.
Về thăm, thầy vẫn đơn độc bên mái lá nghèo đối ầm bên mấy ông bạn già hưu.
Mấy năm sau, vườn thầy mọc lên ngôi mộ cô quạnh, lẻ loi.
Tháng mưa dầm nước ngập, đêm lạnh: ai khoát áo cho thầy ?
TRẦN THU THẢO.
Như một phép màu
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy người đàn ông góa vợ. Cô tôi coi Lộc, con riêng của chồng như cái gai trong mắt.
Sáu tuổi, Lộc làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.
Lộc mười lăm tuổi, bố chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô tôi đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói, dường như tính khắc nghiệt của bà mẹ ghẻ cũng được chôn vào nấm mộ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm, rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con yêu thương như một phép màu.
BÙI PHƯƠNG MAI.
Lý Do
Nó thấy trong ví anh có tấm ảnh mờ nhạt của một phụ nữ, tuổi khoảng chừng 25. Nó cầm lấy và nhận xét:
- Bạn anh đấy à! Xấu quá...
Anh không nói gì, nhét vội tấm ảnh vào ví và ra về với dáng điệu buồn bã.
Mười ngày, hai mươi ngày và cả tháng, anh vẫn không đến nhà nó, nó chẳng hiểu lý do gì? Giận anh nhưng nhớ anh. Nó quyết định tìm đến nhà anh.
Vừa vào đến cửa nhà, nó chợt giật mình vì tấm ảnh thân thuộc kia nằm ngay trên bàn thờ với khói hương nghi ngút. Nó như hiểu ra vì sao anh không bao giờ nhắc đến Mẹ trước mặt nó. Nó ôm lấy mặt mà khóc vì ân hận.
GIỌT ĐẮNG
Hai lần chờ
Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?"
Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.
Ngày em ra trường niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội"
Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn
… Mẹ đâu biết đã 2 lần tôi tin một người con gái
VÕ THÀNH AN
Mái tóc
Tôi mê mẫn nhìn hai mẹ con có mái tóc mượt mà, buông xuống lưng như dòng suối. Suối tóc ấy khuất dần vào Trung tâm ung bướu.
Mười ngày sau, tôi sững sờ khi gặp lại họ. Suối tóc biến mất. Hai cái đầu nhẵn thín lấp ló dưới vành mũ.
Tôi thở dài thương xót: "Tội nghiệp, hai mẹ con mang bệnh nặng!".
Cô bé tuổi trăng tròn, hồn nhiên:
-Mẹ cháu bắt chước cạo trọc đầu!
-Thi tóc ai mọc nhanh hơn con nhé!
Đêm đêm, người mẹ lén cạo tóc để chờ tóc con mọc trước...
CÙNG NGHỀ
ỦNG SON CA
Thằng bé mới bảy tuổi ngây thơ hỏi bố:
- Sao hôm nay nhà cô Lan đông học sinh vậy bố?
- Ngày 20/11 con ạ, các anh chị đến thăm và chúc mừng cô giáo của mình đấy.
- Vậy thầy giáo thì có được học trò thăm không hả bố?
- Có chứ con vì đây là ngày của thầy, cô luôn mà.
- Sao mấy anh, chị không thăm bố?
- À, thì tại vì mấy anh, chị gặp bố ở trường rồi.
Thằng bé không biết bố nó đã nói dối. Chỉ vì cô Lan là giáo viên dạy toán còn bố nó là giáo viên thể dục.
LẼ THƯỜNG
TRẦN CHI
Họ nói chuyện với nhau hàng giờ liền không chán như bao cặp tình nhân đang yêu khác. Gọi điện thoại hẹn chiều gặp cũng mất gần nửa tiếng đồng hồ. Có cảm giác như thời gian không bao giờ đủ cho họ.
Những tưởng hôn nhân sẽ 1à cơ hội họ có thể nói với nhau nhiều hơn... Nào hay, tiếng nói đối với họ giờ đây giống như một thứ của cải có giới hạn mà ngày xưa họ xài quá nhiều rồi...
DẠY
NGUYỄN CHÍNH
Cô chủ nhiệm báo: “Thằng bé lại trốn học”.
Tôi choáng váng: “Mình cho con mọi thứ. Vậy mà...”. Tôi muốn chạy về “dần” cho nó một trận nhưng sợ vợ xót nên bỏ đến nhà một người quen.
Ông ta làm thợ nề, có con trai là học sinh giỏi cấp quốc gia. Ông bố đang tắm cho con, ông cẩn thận kỳ cọ, vui vẻ cười đùa.
Tôi kể hết về con mình rồi xin một lời góp ý.
Ông lơ đãng hỏi: “Này, đã bao giờ cậu tắm cho nó chưa?”
Tôi im lặng, lủi thủi ra về...
MỘT THỜI
HỒ THỤY LIÊN
Bước vào năm thứ nhất, lũ con trai thi nhau xếp hàng làm đuôi của chị. Chị cười bảo ''một lũ điên''.
Bước sang năm thứ hai, một nửa trong số đó ước ao được xách cặp cho chị. Ngó lơ, chị ''mím chi cọp''.
Bước sang năm thứ ba, chỉ còn duy nhất một người, chị chê hắn cù lần.
Năm cuối cùng, kẻ cù lần ngày ấy trở thành cái đuôi của một nữ sinh viên năm thứ nhất.
Không có ai theo đuổi, chị lại ước mình là sinh viên năm thứ nhất.
TÌNH ĐẦU
HỨA VĨNH LỘC
Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh...
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À! Ba tìm người... ba thương.
- Ủa! Không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ! Thì cũng... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
MẸ
BÙI PHƯƠNG MAI
Chồng tôi từ sơ sinh đã ở trại mồ côi. Nghe kể, khi mới vào khóc nhiều nhất phòng trẻ.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc tự tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con.
Anh đã khóc rất nhiều.
Hôm nay, anh 50 tuổi. Được tin mẹ từ Pháp về đăng báo tìm con. Anh lại khóc. Hỏi: Tại sao khóc? Anh nói: - Tội nghiệp mẹ, 50 năm qua, chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh...
NGOÀI GIỜ
ĐỨC NAM
Chị bước vào quán, kín đáo nhìn quanh như tìm người quen... Rồi chị lấy xấp vé số giấu trong giỏ ra, nhẫn nại rao khắp bàn...
Chị nhỏ nhẹ mời, lặng lẽ rút khi khách lảng đi.
Tôi gục mặt trên bàn bia... muốn mua nhiều vé số mà không ngẩng bên được!...
Chị là bạn vợ tôi, trước dạy cùng trường...
CHIẾC ĐỒNG HỒ
VŨ ĐỨC NGHĨA
Anh con trai đi làm được vài tháng, có dịp ghé thăm nhà. Bữa cơm chiều, anh cứ nhìn chòng chọc vào chiếc đồng hồ của cha. Người cha thầm nghĩ: “Chắc là con nó cần…”
Ăn cơm xong, người cha gọi con trai ra bàn uống nước, ông bảo: ''Con mới đi làm, cũng cần biết giờ biết giấc''. Rồi ông tháo đồng hồ đưa cho con.
Người con trai cầm đồng hồ, bấm lại hai nấc rồi đeo vào tay cha, rươm rướm nước mắt:
- Dạo này ba gầy quá, dây đồng hồ tuột cả xuống bàn tay!
NƯỚC MẮT
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN.
THẤT NGHIỆP
BẢO NGỌC
Công ty làm ăn thua lỗ, sa thải nhân viên. Sau mấy tháng viết đơn xin việc khắp nơi, tôi chán nản quay về. Thất nghiệp! Vợ tôi cũng quay về với hàng cà phê cóc, tảo tần nuôi chồng con.
Sáng nay tôi dậy trễ. Nhà vắng tanh, mọi người đi cả rồi. Cầm tờ 5.000đ được để sẵn trên bàn - tiền sáng - vụt nhớ lại ánh mắt tủi tủi của vợ lúc cúi nhặt mấy tờ giấy bạc gọi là tiền chợ tôi vứt đại xuống giường mỗi lần vội đi làm.
TÔ MÌ
LÊ NGUYỄN
Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được. Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm. Ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó: Con ăn đi, ba no rồi!
Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì.
Mười lăm năm trôi qua, em tôi đã là một cô giáo. Hôm lĩnh tháng lương đầu tiên về, nó cầm xấp tiền tần ngần mãi. Tôi hỏi:
- Mi định mua sắm gì đây?
- Em mua tô mì thật ngon cúng ba!
Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe.
BA
LÊ HOÀNG ĐÔNG PHƯƠNG
Lớp 12. Tôi không có thời gian để về nhà xin tiền ba như hai năm trước. Vì thế ba phải đích thân hàng tuần đem tiền xuống cho tôi: Từ nhà tới nơi tôi trọ học cách l5km. Nhà nghèo không có xe máy ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba.
Tôi chuẩn bị mua hồ sơ đăng ký thi đại học, không có thời gian về tôi lại nhắn ba. Lần này sau khi đưa 100 ngàn cho tôi, ba hỏi: ''Còn dư được đồng nào không con tôi đáp '' Dạ dư 4 ngàn ba ạ''. ''Cho ba 2 ngàn để lỡ xe hư như lần trước thì có mà sửa''. Ba đi rồi, tôi nhìn theo, nước mắt rưng rưng.
VỀ QUÊ ĂN TẾT
PHẠM HOA PHƯỢNG
Cầm chứng chỉ cử nhân luật trong tay, và sau bao lần xin việc, tôi đã đi làm được ở Công ty bao bì Thành phố.
Nhận 800.000đ lương, năm nay tôi quyết định về quê ăn tết. Tính toán cả mấy ngày để mua quà cho bố, cho mẹ, cho em, cho cháu.
Khi xe lăn bánh bỗng giật mình, không biết khi hết tết vào lại Thành phố đi làm, tiền đâu để trả tiền nhà, tiền ăn và tiền xe đi vào, chẳng lẽ lại xin tiền mẹ. Tôi bỗng thở dài.
ƯỚC MƠ ĐẠT ĐƯỢC
PHẠM HOA PHƯỢNG
Ngày Xưa, khi còn bé, tôi thích đọc báo, truyện, nhất là cứ đến mùa xuân, sách báo tràn ngập, đủ màu sắc ở các quầy. Tôi mơ ước, sau này tôi sẽ có thật nhiều báo,
nhất là báo xuân, tôi sẽ đọc cho thật đã thèm. Nay tuổi về chiều, cuộc sống khó khăn, tôi đi bán báo, cầm xấp báo xuân trên tay, bìa báo rực rỡ những cành mai, cành đào mà tôi nào có xem được. Nghĩ lại, mơ ước tuổi thơ, nay đã đạt được rồi
nhưng có một nửa.
ĐỒ CỔ
LÊ NGUYỄN THỤC QUYÊN
Biết tôi chuyên nghiên cứu đồ cổ, anh mời đến, cho xem bộ sưu tập thời Lý. Quý chúng lắm nên hàng ngày anh lau chùi kỹ lưỡng, đặt chúng nằm trang trọng trong phòng khách thật đẹp. Để có được nó, nghe đâu anh tốn công ròng rã mười năm trời... Có tiếng ho yếu ớt bên chái nhà tối tăm nơi góc sân. Tò mò, tôi liếc nhìn... Mắt cụ già nhỏ bé đang run rẩy trên chiếc giường con trải manh chiếu rách, cáu bẩn, tồi tàn. Bên cạnh là tô cơm khô cứng tự bao giờ... Món đồ cổ trở nên vô nghĩa.
ĐƯỢC VÀ MẤT
L.K.THUÝ
Kính tặng Má
Ba thế hệ tiếp nối nhau dưới một mái nhà. Nắng hun hút nóng, mưa dội tứ giăng... Bữa cơm không đủ chỗ ngồi, giấc ngủ nằm co chen chúc. Nhà tuy ổ chuột, nhưng hạnh phúc là ổ voi! Rồi xây lại nhà. Dành riêng cho má một phòng, nhưng má vẫn thường ''di trú'' theo lũ con. Hỏi, má cười ''Ngủ với bây quen rồi!...''. Bao lần về thăm, thường thấy má một mình, khi với mấy tờ báo cũ, lúc lặng lẽ trước mâm cơm. Hỏi, má buồn: ''Tụi nó trong phòng. Con ăn với má cho vui!''.
THỊT GÀ
NGUYỄN TUẤN
Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đang ăn trước cửa. Tý khoe: ''Nhà Tý ăn thịt gà''.
Đêm đó, bà Tám chửi: ''Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc''.
Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, đột ngột qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui.
Trời đổ mưa.
Thằng Tý la lớn: ''Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi!''. Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo.
ÔNG TÔI
LƯƠNG TRỌNG TUẤT
Trong chiến tranh, một qua trái phá đã giết chết cha mẹ tôi, khi tôi còn ẵm ngửa. Ông nội phải nuôi tôi. Ngày ngày, ông cần mẫn bón từng thìa nước cơm, nước cháo nuôi tôi. Mỗi khi tôi khóc đòi mẹ, ông ẵm lên cho tôi bú vào đôi vú khô đét của ông. Mỗi tiếng khóc nấc lên là mỗi cái nhay kéo vú ông để tìm sữa...
Ngày tôi bỏ bú, đôi vú ông đã thành hai túm da bùng nhùng, chảy dài.
NƯỚC THOÁI
NGUYÊN VŨ
Nàng là kỳ thủ, chuộng lối đánh thần tốc. Cuộc cờ cũng như cuộc đời chẳng biết nhượng bộ một ai. Phong cách thi đấu lấy công làm thủ, cộng với tài nghệ phi thường khiến nàng vang danh đấu trường quốc tế. Nhưng rồi nàng cũng thất bại trước ván-cờ-cuộc-đời: chàng đã ra đi vì không chịu nổi một người luôn áp đảo. Trống trải. Đau buồn. Tuyệt vọng. Giờ, nàng chỉ biết ân hận, trách mình sao chẳng biết thoái lui. Nhưng, than ôi! Với quân ''ngã'' thì dù cao cờ đến đâu người ta cũng khó mà đi được một nước thoái!!!
ƯỚC MƠ
PHƯƠNG ANH
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
- Nếu cô trúng số, con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
- Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
- Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón...
EM GÁI TÔI
NGUYỄN TRƯỜNG HẢI
Tôi vào đaị học. Em gái tôi bỏ học, tảo tần nương rẫy nuôi tôi, bỏ quên mộng mơ thời con gái.
Em đi làm hãng chuối. Lương tháng 120.000 đồng. Tôi về thăm, em cho 60.000 đồng. Một nửa. Thầm nhủ sẽ đền đáp thiệt thòi cho em.
Em lấy chồng, sinh con, nghèo. Tôi lận đận, chải bươn. Chưa kịp đỡ đần cho em, em đổ bệnh: u não. Bác sĩ lắc đầu, em tôi nằm chờ chết.
Muốn đổi lại “một nửa” đời mình cho em. Nhưng không được. Thương quá!
CHẬU MAI MỚI
BẢO HÂN
Trên mười năm chăm sóc, cây mai mới đã nên dáng rồng bay, sai nụ. “Quà cuối năm này nên dành cho ai nhỉ… Giám đốc? Trưởng phòng?...” Trọn một ngày phân vân, Phong quyết định: “Thôi thì trưởng phòng. Sếp gần vẫn hơn sếp xa”...
Một tuần sau, giám đốc gọi Phong đến nhà riêng:
- Nghe cậu sành chơi bonsai, hãy giúp tôi sắp xếp lại sân kiểng này. Số kiểng dạt ra kia tôi biếu cậu.
Bắt gặp chậu mai mới thân quen nằm trong đám kiểng bị loại, Phong vừa mừng vừa tủi.
CHA TÔI
NGUYỄN MINH HIẾU
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ...”