Tết này Mẹ tôi ăn tết " To nhất nước Việt nam mình" - theo như lời Bà hồ hởi qua điện thoại . Tiếng cười rộn rã lan tỏa cả niềm vui. Ấy là thằng con vừa cưới vợ hồi cuối năm , dẫn vợ về xứ Nghệ ăn tết với bà nội. Ngay sáng mùng 2 tết , chúng đã có mặt ở nhà. Không có niềm vui nào, quà cáp nào to hơn thế dành cho người già . Mẹ tôi sống một mình, thèm tiếng người hơn cả châu báu . Những ngày tết càng thèm tiếng con cháu hơn bất cứ thứ gì. Thằng con hỏi qua điện thoại :" Này Ba , bà bảo bà năm nay 97 , sao ba bảo bà 94 ?" - Hừ, dân Nghệ ưa nói thách . 97 trả giá xuống 94 tuổi là...vừa, đúng tuổi bà.!
Nó sinh ra ở miền Nam , vợ nó sinh ra và lớn lên ở đất Bắc lại về quê xứ Nghệ mà chẳng có chút Nghệ ngữ nào lận lưng thì ắt hẳn là vui như tết rồi.Thằng con trai thì còn bập bõm , đứa con dâu thì mù tịt hoàn toàn. Ngay cái gặp đầu tiên cả hai đều nhìn nhau lắc đầu cười , khi bà bảo:
- Rét con hầy. Bựt lả lên nhen mau cho gấy mi hắn sưởi con.
Thực ra tiếng Nghệ na ná tiếng phổ thông không mấy khó. Nhưng cách phát âm của người già đậm chất Nghệ thì quả là thử thách lớn cho người vùng khác. Hầu hết các từ phát âm đều chung dấu nặng.
Chỉ chốc lát sau thì mấy O , mấy cháu ùa đến chật nhà. Nói chuyện vừa bằng miệng vừa bằng tay vui đáo để. Niềm vui ấy lâu lâu mấy đứa em lại chia sẻ qua điện thoại bảo bà hôm nay cười như địa chủ được mùa , da hồng hào hẳn lên. Mười giờ đêm thằng con điện thoại vào hỏi.
- Bánh Lưa là bánh gì Ba?
Phải định hình một chút rồi hỏi lại nó.
- Làm gì có bánh nào là bánh Lưa.
- Bà bảo lấy bánh Lưa ra ăn kẻo ngủ đói.
- Bà bảo à.
Đứa con dâu giành điện thoại:
- Ba ơi , Bà bảo chúng con xem bánh Lưa lấy ra ăn. Thấy bánh lạ muốn xem ngon không ạ .
Đến đây thì phải một lúc suy nghĩ mới ra ngọn ngành.
- Bà bảo coi bánh -lưa -không, nghĩa là bánh còn không. lấy ra ăn kẻo ngủ đói. Tiếng Nghệ, lưa có nghĩa là còn.
Hai đứa đấm nhau la ó qua điện thoại. Tôi hỏi :
- Bà đâu?
- Bà bảo cả ngày ồn ào tiếng người giờ đau trốc nên nằm sớm.Thời giờ có điện thoại cầu cứu, ngày xưa coi như chịu trói.
Sáng ra điện thoại lại đổ chuông. Thằng con đưa điện thoại cho me.
Mẹ bảo:
- Nói chi hấn cũng cười trừ, lắc trốc nỏ biết chi . Còn tệ hơn con tê cự tê .
" Con tê cự tê" nghĩa là con kia hồi xưa, ý là bà muốn nhắc đến vợ tôi ngày xưa . Ngày xưa tôi cũng cắp nách một nàng ngoài Bắc về làm dâu xứ Nghệ. Cha con tôi tợn, đẹp trai nên các cô người bắc bỏ bùa dụ dỗ.
Lớp cha trước lớp con sau
Đồng hành chung bước rước dâu...bắc lên ngàn !
Còn may là mới chỉ dâu bắc chứ chưa phải dâu tây!
************
Ba mươi năm trước tôi cũng từng rước nàng lên ngàn . Ngày ấy đi lại khó khăn . Từ miền Tây Nam bộ , sau 5 ngày lọc cọc tàu xe mới về đến nhà. Đường ngày xưa xấu lắm, chuyến xe từ Vinh về nhà ậm ạch rùng mình bò chậm chạp nhảy suốt chặng , làm nàng cứ bám chặt vào thành ghế mà lo xe trúc . Cả nhà ra tận bến xe đón về với niềm vui khôn tả. Người thì quạt cho mát, người thì lấy nước cho uống...Thấy nhiều người quan tâm quá , nàng cũng hơi hoảng và bối rối. Tôi bảo:
- Người dân quê anh luôn mặn mà tình thân rất khó quên vậy đó. Không sao cả.Tà tà rồi em sẽ quen.
Nghe em giọng bắc êm êm
Bà con lối xóm đến xem chật nhà.
Tâm trạng và hoàn cảnh này đích thị là của tôi rồi nhà thơ ơi. Các O các Dì các bà rôm rả chuyện vui như muốn bung cả nóc nhà. Hồi ấy kinh tế khó khăn , khi về chúng tôi chỉ có cau mang ra làm quà . Làng tôi hầu hết các bà đều ăn trầu nên miếng trầu khởi đầu cho mọi chuyện . Bắt đầu là Dì Hoe Lan:
- Nì mi. Mi ăn nói tiếng ta lộc ngộc rứa hấn có hiểu không ? Nói năng rứa mà mi cưa được con gấy bắc. Tài hầy.
Tôi giơ tay vẫy vẫy:
- Cưa gấy bi giờ thường bằng tay chứ đâu cần nói chi nhiều mô các Dì.
- Nà, ăn nói lộc ngộc rứa mà con gấy hắn cũng theo theo mi về.
Nàng cũng cười hùa theo mọi người chứ chắc chi đã hiểu hết.
Thực ra khi về đến quê mình thì tôi cũng đã cởi bỏ luôn hầu hết ngôn ngữ phổ thông giao tiếp chỉ dùng rặt tiếng Nghệ . Bao năm tôi rồi vẫn gìn vàng giữ ngọc được cách phát âm nên nhiều người vẫn nhầm là tôi vẫn nói tiếng Nghệ mọi lúc mọi nơi.
Trước khi đưa nàng về xứ Nghệ , tôi cũng từng giảng giải về một số từ thông dụng cho nàng biết. Mô . tê . răng . rứa, nác là nước , đọi là bát.. . Thậm chí từng yêu cầu dịch hai câu thơ ra tiếng phổ thông.
Mô rú mô ri mô nỏ chộ
Mô sông mô bể chộ mô mồ .
( Đâu rừng đâu núi đâu chẳng thấy
Đâu sông đâu biển thấy đâu nào )
Cái băn khoăn đầu tiên mà mẹ chia sẻ với các Dì là - Nhìn hấn mảnh khảnh yếu ớt rứa rồi có ...đẻ được không các bà hầy ? Hehe... Làm mẹ luôn lo những điều đến Thánh cũng không ngờ tới. Du bà chạm nhẹ là nổ sòn sòn năm một đấy. .
Ban ngày nhà thường vắng vì mọi người đi làm. Chỉ loay hoay có 3 mẹ con với khách rảnh là các bà già đến coi du . Vì là con du đầu nên bà chiều chuộng hết mức. Dân miền núi , củi có sẵn nên bếp đỏ lửa cả ngày. Dù không phải mùa lạnh nhưng mẹ vẫn đun nước lá Quế , Hương nhu để vợ của ...cục vàng tắm. Nhà tắm che đơn sơ mấy cái tranh và lá chuối khô, chẳng có cửa nẻo gì trống hoác , nàng bắt tôi lấy áo mưa làm cửa và ngồi canh chừng mỗi lần tắm sợ gió tốc mất . Đêm ngủ ngon, thấy nàng lay đưa đi tiểu vì xung quang là cây cối um sùm , khái nhảy ra chụp.
Nàng dâu và mẹ chồng nhiều khi nói với nhau mỏi cả tay , nghe phiên dịch lại thì mới hiểu , ôm nhau cười rũ rượi. Một hôm nghe mẹ bảo - Lấy đúa rửa rau con . Nàng ngơ ngác thắc mắc với đứa em : -Rửa rau làm gì mà những mấy đứa vậy em? Cái này thì nằm ngoài giáo trình cho nên phải giải thích . Đúa là cái rổ dùng để rửa rau. Nàng cười và... Mô phật. Lại một bữa khác, tôi đang đào sắn ngoài vườn, bếp lên khói mẹ bảo :
- Lấy ống thoe thổi lên .
Nàng gương mắt ếch ngơ ngác rồi vội lấy đại một khúc cây trong đống củi cạnh bếp giơ lên dứ dứ về phía mẹ như ý nói - Phải cái này không?. Mẹ cười giải thích:
- Ống thoe là cái ống thông phổng dựng tê tề để thổi lả .
May thay có người bạn học ghé chơi mới giải nghĩa được cho hai mẹ con. Nàng ôm đầu cười trừ. Tiếng Nghệ ống thoe là ống thổi lửa . Người bạn học mang đến mấy bắp ngô trái mùa bày cách nướng mun , nói là chị ăn cho biết . Bắp ngô non để cả bao , lùi vào bếp mun chừng nào cháy sém bên ngoài thì đem ra ăn , vừa ngọt vừa thơm hơn cách nướng than thông thường. Lại có ông Dượng nghe tin có cháu dâu người Bắc về làng , đạp xe cọc cạch gần hai chục cây số mang đến một miếng thịt mang để " Dì kho với dưa cho chúng nó ăn cho biết." Thịt mang đem kho dưa chua , khi ăn miếng dưa béo ngọt , nhức mãi chân răng , ngon hơn ăn thịt.. ( Mang tên khác là hoẵng , mễn...).
Sau bữa đi chợ quê cùng mẹ về , nàng mạnh dạn hơn khoe chợ quê vui hơn chợ thành thị. Gặp ai cũng hoan hỉ mời đến nhà chơi , ăn cơm. Người thì nắm giá đỗ , người thì quả trứng gà cứ ép em lấy đem về ăn cho khỏe. Từ chối kiểu gì cũng dúi bằng được vào tay. Hầu như ai cũng biết con du bà và ngắm nghía hỏi : " Du hộng" ( con dâu hả). Có bà còn nói em lưng củ khoai , mắn đẻ....
Chợ quê không có sạp , ngồi chồm hỗm những thứ tươi ngon. Gía rẻ. Mua bán xong còn khuyến mãi trận cười...
Vì là công chức , chúng tôi ở quê chỉ có thời hạn. Sau mấy ngày chật đầy tiếng cười , chúng tôi phải hành quân ra Bắc ra mắt đằng ngoại. Vì điều kiện và hoàn cảnh , 4 tháng trước chúng tôi đã tổ chức lễ cưới ở cơ quan mà không có đại diện hai gia đình vào dự. Nay ra Bắc mẹ phải bán hết 2 con lợn trong chuồng để tôi lận lưng ra làm lễ . Những đồng tiền ướt mặn mồ hôi cứ bịn rịn tôi suốt dọc đường tàu. Ở quê phải cử một ông Cậu họ khéo ăn nói tháp tùng 2 vợ chồng ra bắc thưa gửi. Xong rồi ông Cậu này về lại quê thì chính thức cha tôi cùng dăm người nữa mới lên đường ra tổ chức liên hoan báo cáo hai họ . Người Nghệ sống đơn giản , chân thật và tôn trọng mọi tập tục vùng miền khác.
Hôm ra đi , khi mọi người sắp khởi hành mẹ bảo:
- Chờ mẹ một chút.
Rồi bà chạy đi đâu chừng dăm bảy phút thì quay về. Tôi cứ nghĩ chắc lại quà cáp chi nữa đây. Vừa ra ngõ , gặp ngay anh Hoe nhà kế bên, nở nụ cười thật tươi trong cái nhá nhem của sương sớm. Mẹ hồ hởi:
- Ù , bữa ni ra cồng gặp ngay đàn ông ri là may mắn lắm đó con. Anh Hoe dậy sớm hầy.
Mấy anh em chúng tôi không nhịn được cười . Cười không phải lời phán của mẹ mà là sự dàn dựng của mẹ. Nó là kết quả "chờ mẹ tý " chừng 5,7 phút vừa rồi. Hai cha con anh Hoe được kêu dậy sớm ,nhờ đứng gần ngõ để ra cổng thì gặp ngay và canh chừng không cho....con gái , đàn bà lỡ đi tới khu vực này.
- Cha tổ bây cười vừa thôi kẻo ả bây nhọc. Đi đàng cho an toàn , may mắn. Gặp đàn ông cho mẹ an lòng.
Nàng cười , mọi người cười , cuộc chia tay đầy tiếng cười khi vừa sáng sớm.
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê.
*****************
BÀI ĐỌC THÊM.
Mấy năm trước , một bạn vào đọc bài TIẾNG NGHỆ trong blog tôi viết từ hồi Yahoo. Sau khi đọc xong thì đã gửi qua Email bài viết sau đây để chia sẻ. Bài viết do chính người làm dâu xứ Nghệ viết. Xin trân trọng giới thiệu để các bạn đọc thêm.
LẤY CHỒNG XỨ NGHỆ.
Dù đã được anh dặn dò chu đáo và kỹ lưỡng trước khi về thăm quê, em vẫn nhiều phen dở khóc dở cười trước những tình huống không có trong "bài giảng" của anh.
Chuyện khó nói đầu tiên là cái toilet. Gọi là toilet cho oai chứ nó chỉ được quây bằng bốn tấm cót cao ngang ngực, gió lộng bốn bề. Ngồi trong đó mà cứ đưa nguyên bản mặt ra ngoài, mắc cỡ gần chết. Đã vậy, bà con đi qua đi lại thấy cô dâu mới còn dừng lại... chào hỏi rất chi rôm rả và nhiệt tình.
Khó nói thứ hai là chuyện tắm. Nhà không có phòng tắm, em cứ phải đợi tối mịt mới lò dò ra giếng, mặc nguyên quần áo mà xối ào ào. Giếng nằm giữa vòm tre trúc um tùm, em vừa xối vừa run. Run vì gió lạnh đã đành. Em còn run vì... sợ ma nữa. Vợ chồng có lúc cãi nhau vì những chuyện bên nhà chồng.
Chuẩn bị cho chuyến ra mắt lần này, em đã cố tập nghe và hiểu chất giọng trọ trẹ quê anh. Vậy mà ngay bữa tối đầu tiên ở nhà chồng, khi mẹ bảo em "lấy cho mệ cái nắp bờn", em đã ngớ người ra. Hóa ra, ngoài những thứ ngôn ngữ trong sách vở, còn có một thứ ngôn ngữ chỉ dùng riêng trong nhà do kỵ húy. Những tên gọi trùng với tên của những người lớn tuổi đã khuất phải được nói trại đi để tỏ lòng tôn kính. Và thế là em học được từ mẹ và anh những từ thật ngộ: nắp bờn là nắp bàn (nắp nồi), "con càng" chính là "con kiến", "hũ tao "đích thị là "hũ tiêu"... Dù vậy, quê chồng trong mắt đứa con gái thành phố như em là một thế giới mới, đầy những khám phá thú vị và hấp dẫn.
Em đã vui như đứa con nít khi theo mẹ ra chợ. Chợ quê, nghèo mà đầm ấm nghĩa tình. Tôm cá nhảy lách tách trong những rổ tre lấm bùn. Rau trái tươi xanh, mỡ màng. Những người bán hàng thuần hậu, chất phác. Em chọn mua một miếng mít tươm mật và bật cười khi thấy người bán ra giá tám trăm đồng. Nhận hai trăm đồng thối lại được gói kỹ trong mấy lần áo sờn bạc của o bán hàng, em nghe cay nơi khóe mắt. Về thành phố, em biết làm gì với hai trăm đồng? Mẹ còn dẫn em đi thăm ruộng và dạy em cả cách làm phép đuổi chuột trên đồng. Cầm cây roi tre vung vẩy đi quanh thửa ruộng, em vừa đi vừa lẩm bẩm câu thần chú dọa nạt: "Chuột nhỏ chuột to, có mang con so, thèm ăn thịt chuột" (mẹ bảo làm vậy ông Tý sẽ sợ mà không cắn lúa). Bàn chân trắng mịn của đứa con gái thành phố e dè bấm xuống mặt bùn mịn mượt, nghe lòng dậy lên một thứ tình cảm gắn bó ruột rà.
Còn nhiều thứ lắm mà "giáo trình" của anh quên không nói tới. Em đã kinh ngạc biết mấy khi thấy người nông dân đang tất tả với gánh lúa oằn vai vẫn cố dừng lại giữa đường, chỉ để nhặt một bông lúa rụng. Em đã nao lòng khi thấy Ba anh loay hoay ngồi tháo cuốn lịch bốn tờ để phát cho hàng xóm mỗi người một tờ "dán cho đẹp nhà”, trong khi những cuốn lịch biếu ở cơ quan em nằm lăn lóc cả năm chẳng ai thèm rờ tới. Em sẽ nhớ mãi khuôn mặt ngời sáng và nụ cười hàm ơn của bác hàng xóm khi nhận từ em tờ lịch có in hình nhành mai rực rỡ, dù đó chỉ là tờ lịch lẻ bầy. Có vẻ như em đang bắt đầu học những bài học vỡ lòng từ cuộc sống - những bài học giản dị, chân tình mà sâu sắc, khó quên.
Kỳ nghỉ qua thật nhanh. Ngày về lại thành phố, em đã có cả một kho chuyện để kể cho bạn bè. Trong ví em vẫn còn ép phẳng phiu hai trăm đồng - tờ giấy bạc thấm mồ hôi của một vùng quê nghèo khó. Và trong máy ảnh của em có nguyên một file ảnh rất ngộ nghĩnh, được chộp bằng con mắt háo hức của đứa con gái thành phố lần đầu về quê: những nụ cười nông dân hồn hậu; bàn tay chai sần nâng niu bông lúa nhặt được giữa đường; cái góc bếp ám khói và cọng khói chiều lơ lửng, thanh bình...
2009.
Người đàn ông có hai lần hạnh phúc nhất trong đời - đó là một lần cưới vợ và một lần bị vợ bỏ !
Đầu năm mở hàng blog, Lão mang đến tiếng cười rổn rảng của người xứ Nghệ, tiếng cười chân chất nghĩa tình làm cho ta vừa vui vừa thương và sau đó là đọng lại những giọt hạnh phúc long lanh trong mắt người con dâu xứ Nghệ. Mong rằng tiếng cười nay nối lại tiếng cười xưa để hạnh phúc ngọt ngào đến với lão trong năm nay!
Trả lờiXóaBài chia sẻ của người con dâu xứ Nghệ này hình như em cũng đã đọc một lần đâu đó (có lẽ trên blog của cô ấy) và đọc xong thì khóc. Thương lắm xứ Nghệ quê mình!
Hôm nay thằng con trở lại Saigon chắc chắn mang thêm vào những trận cười đầu xuân. Thằng này bảo: - Về quê nội lần nào cũng cười muốn chết. Các O chăm sóc như con trẻ.
Xóa* Bài LẤY CHỒNG XỨ NGHỆ được chia sẻ qua mail với chú thích là bài của bạn , đọc thấy hay. Mà hay thật , có những cái nhìn tinh tế vốn có của con gái thị thành. Hình ảnh ngồi tách lịch tờ, phát cho hàng xóm treo lên cho đẹp nhà vừa thật , vừa thật ấn tượng. Cô dâu này có thể làm dâu xứ Nam Đàn ,Hưng Nguyên , Đô lương ...chứ chưa phải là làm dâu miền núi xứ Nghệ. Miền núi xứ Nghệ ít chịu ảnh hưởng của tiếng phổ thông nên tiếng Nghệ rặt không pha trộn...
Năm mới Lão có niềm vui mới, mẹ lão có niềm hạnh phúc mới, con lão có tổ ấm mới!
Trả lờiXóaXS chúc Lão và đại gia đình thật nhiều niềm vui thật nhiều hạnh phúc..
Bài viết XS sẽ trở lại đọc sau nhưng có một thắc mắc..Sao gọi Ả Hoe giờ lại có Anh Hoe là sao hả Lão...
Đầu năm chúc em nhiều may mắn và Hạnh phúc XS nhé. Cái vui thêm là em quay lại blog với xóm lều tranh này .
Xóa* May mắn là vòng quay tình duyên của em hồi đó không dừng ở....Xứ Nghệ.( Kể mà gặp em sớm , chưa biết chừng giờ này em nói tiếng Nghệ như...gió - Hehe). Sau khi viết Ả HOE RA PHỐ lão nhận được góp ý chia sẻ là - Lão bỏ hết các từ trong ngoặc ( Từ giải thích , chuyển ngữ) cho tiếng Nghệ nó ngạo nghễ, hoành tráng luôn. Bài này lão cố gắng giữ nguyên để mọi người vừa đọc vừa...mò cho vui.
* Xứ Nghệ có cách gọi riêng biệt. Vợ chồng sinh con đầu lòng là gái thì nghiễm nhiên tên vợ chồng được gắn thêm từ Hoe ( Anh Hoe , Ả Hoe - ví như Ả hoe Sơn chẳng hạn). Nếu vợ chồng sinh con trai đầu lòng thì gắn thêm chữ Cu. ( Anh Cu , Ả Cu - ví như Ả Cu sơn chẳng hạn.). Trong làng xã cả 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đều thống nhất cách gọi này. Tuy nhiên thành thị ít dùng hơn và phổ biến ở miền quê.
Có thể lúc nào rảnh , em dành chút thời gian đọc thêm bài Ả HOE RA PHỐ với những lời còm để hiểu thêm con người và ngôn ngữ Nghệ.
XS xin lỗi Lão vì thời gian qua XS ngồi copy những lẩn thẩn của mình viết ở khắp nơi mang về nhà cất..trong đó có bài CỐ LÝ HÀNH.. Rõ là XS đã lưu nháp mà lúc sau thấy nó trên trang run quá bấm xoá đi mà không biết có com của Lão.Sáng nay mở Email ra thấy có Lời com ...Xs mới biết. XS vô tình chứ không cố ý Lão không giận nhé!
XóaĐọc hết bài mà nhũn não với phương ngữ xứ Nghệ của Lão. May là không phải đóng cái ván" nào để làm "thuyền" ngoài nớ! Không thì phải qua một lớp dài hạn học tiếng... Heheeee
Trả lờiXóaKhông có việc gì khó
XóaChỉ sợ tiền không nhiều
Đào núi và lấp biển
Không làm được thì ...thuê !
hehe.
Ma khỏi lo , cứ an tâm đóng thuyền về xứ Nghệ , không thuê ai được thì thuê...lão , trên mọi dặm đường bất kể phương ngữ nào ! khà khà.
Làm dâu xứ nghệ luôn có thêm nguồn khuyến mãi là tiếng cười vô tận đi vào đời sống hàng ngày đó Ma.
Năm mới chúc Ma ...mò được ván nhé.
Lão có thể chúc: Năm mới Ma bụ bẵm hơn xưa! Năm mới Ma mau ăn chóng nhớn! Năm mới Ma cứ ôm gối ngủ một mình thả ga, sách đọc đầy nhà!... Đại loại là thế... Lão đừng chúc Ma mò được "ván". Không thích "ván", mặc dù Ma chính tông phụ nữ chứ hổng phải "giới tánh thứ ba". Ha ha
XóaCô chúc Ma tháo kính ra mà nhìn đời cho nó thực tế một chút đi nha.
XóaDạ, tháo kính ra thì "thực tế" nhòe nhoẹt, lem bem lắm. Nhìn hông rõ như nhìn qua hai cái "đít chai" cô ơi. Càng không thể đọc sách. Huhu...
XóaChúc mừng Lão có con dâu, bà có cháu dâu, uậy, cụ đã 95 mà còn minh mẫn quá. Hôm đầu tiên tôi nghe điện thoại của Nhật Thành mà cũng không hiểu gì mấy, Lão Tân giang hồ miền Nam đã lâu nên nói dễ nghe.
Trả lờiXóaNhân có Nhật Thành và bạn Ma xó ở đây, xin chúc Lão năm nay có cháu nội, hai Bạn kia dồi dào sức khỏe, muốn chi cũng được, hihi!
Ma xó cảm ơn chú Hiệp. Cháu chúc chú có thêm một năm sức khỏe bình an ạ.
XóaNghe qua điện thoại mà bác " Không hiểu gì mấy " từ Nhật Thành, hiển nhiên là tiếng ...Nhật bác hơi yếu rồi. hihi.
XóaTiếng Nghệ phát âm đúng chất giọng Nghệ mà nghe hiểu được thì chắc...bác về Qùy hợp nương nhờ cô giáo này vài ba năm bác Hiệp ạ.
Hôm đó NT gọi điện cho bác Hiệp, hỏi: "Răng rứa bác? Bác bị bổ à? Có bị răng không?" Bác Hiệp ú ớ một lát, hình như cố suy luận nội dung lời hỏi thăm và đáp bừa: "Tôi bị ngã cô giáo ạ, răng thì không bị gì cả nhưng bị gãy khớp háng" NT mách luôn: "Ở Hà Tịnh có một ông lấy thuốc gãy xương thì rành tài. Thuốc rẻ, về vừa trắc uống vừa rịt mau lành lắm." Chắc đầu dây bên kia bác Hiệp toát mồ hôi hột do không có sự hỗ trợ của "gu gồ dịch" nên đành trả lời: "Sao cũng tiếng Nghệ mà lão Tân nói dễ nghe, dễ hiểu lắm. Nhật Thành nói tôi không nghe ra." NT bèn cười khà khà và bảo: "Tiếng Nghệ của lão Tân là Nghệ lai, còn tiếng Nghệ của NT là Nghệ cỏ, bác ạ." Bác cũng cười trừ chứ chắc chắn nỏ hiểu mô tê răng rứa chi!
Trả lờiXóaNhật Thành có muốn gọi trò chuyện chúc năm mới với Bác Hiệp , nên báo trước 30 phút để bác có thời gian trải hết tất tần tật các cuốn từ điển ra trước mắt chuẩn bị sẵn . Gọi bất chợt là vô tình làm khó nhau rồi đó.
XóaVào cái ngày mà thiên hạ rùm beng chúc nhau trong "lễ tình nhân", lão thả lên trời cả mớ phương ngữ xứ Nghệ, cho nó "ngạo nghễ tung hoành" thật mặn mà quá lão ợ! Mà là để nói về tình duyên nữa chứ!
Trả lờiXóaPhải công nhận bố con lão khéo chọn vợ để giữ gìn bản sắc văn hoá vùng miền dân tộc. Chứ "ta về ta tắm ao ta" chắc gì cái độc đáo của xứ Nghệ lan truyền rộng rãi được. Vốn từ ngư địa phương và cả cách nói tránh rất đặc trưng ,đọc thấy vui lại thêm cử chỉ nét mặt, từng nhân vật lão miêu tả, tất cả như một vở kịch sống động. Có cái yêu thương, ngọt bùi, có cái tự trào đằng sau những giây phút lặng đi, len lén lau nước mắt,..
Không một lời thốt lên rằng nhớ quê hương,thương mẹ già cùng nhưng người dân quê,...nhưng tất cả là tấm lòng tri ân cội nguồn, tự hào về tiếng mẹ đẻ, về những người thân chỉ biết thương để trong lòng
Chúc cho những cảm hứng của lão thường xuyên được ghi lại như này để ai cũng thấy bóng dáng quê mình trong mỗi cách phát âm và vốn từ dù riêng biệt như thế!
Ở bài Ả HOE RA PHỐ chính HL góp ý cho lão là để cho tiếng Nghệ nó ngạo nghễ , tung hoành, cho nó bụi bậm , nên không cần thiết mở ngoặc , chuyển ngữ. Bài này lão để nguyên là muốn các nàng xứ Bắc ...mò mỏi tay luôn nhé. Trong đó có nhiều câu khó , nếu không am hiểu và chẳng có vốn từ tiếng Nghệ thì như đánh đố vậy. Như đã nói , tiếng Nghệ vốn không khó , na ná tiếng phổ thông nhưng cách phát âm thì khó " nhập " vô cùng. Ống thoe là từ tiếng Nghệ , lớp trẻ vùng thành thị xứ Nghệ còn không biết thì nói chi người vùng khác. Còn những cái khác na ná thì đã rõ. "Bựt lả " = Bật lửa chẳng hạn.Ngoài ra nó còn chịu ảnh hưởng kỵ húy trong nhà như bài đọc thêm viết. Vì thế mò cái này không đơn giản như ...mò cái khác đâu nhé người đẹp.
XóaTuy nhiên , đầu năm xem như cái khó ló cái ...cười cho mọi người vui vẻ. Chúc em cùng một năm mới nhiều an lành may mắn. Cảm ơn sự đồng hành chia sẻ luôn luôn trong mỗi bài của HL.
Ôi, yêu mất cái giọng văn đậm chất hóm hỉnh của Bác...nghe buồn cười mà thâm thúy thật...
Trả lờiXóa---------------------------------------
Kingtek - Đầu thu kỹ thuật số xem miễn phí các kênh HTV7, HTV9, VTV3 HD, VTV1 HD, Let's Viet, nhóm kênh VTC và hơn 68 kênh miễn phí thuê bao khác.
Liên hệ: 0909 480 368 – 08 7303 1368 để biết thêm chi tiết.
Kingtek - Đơn vị uy tín chuyên phân phối: Đầu thu DVB T2 chính hãng.
Xem thêm: Danh sách các kênh thu được từ đầu thu kỹ thuật số
Cảm ơn bạn ghé thăm và biết thêm...bánh Lưa xứ Nghệ.
XóaPhần quảng cáo đầu thu gì đó thì...đến áo lão vẫn còn ở trần quanh năm thì lấy đâu ra tivi mà coi kênh này kênh kia . Chúc vui nhá.
Đúng là cái lão ở trần quanh năm này lại thật giàu có về ngôn ngữ và độc đáo trong cách viết quá trời luôn. Lão làm cho người Bắc đặc sệt như tui cũng mê tình người xứ Nghệ mất rồi. Nếu có kiếp sau chắc tui xin làm du xứ Nghệ luôn đó nha.
Trả lờiXóaCả hai bài này đều hay lão ạ. Đọc thích lắm!
Chúc cha con lão một năm mới thiệt an khang, thịnh vượng nha
Vừa là viết vừa là khoe lão có du nhé chị Thu. Tết nay loay hoay xoay quanh mấy chuyện cha và con - cháu và bà vui ...như tết chị ạ.
XóaBài viết như cảm nhận của chị, N.Thành và Hồng Loan , đầy tình người xứ Nghệ , chân chất quê mùa nhưng đằm sâu. Mượn 2 câu thơ của nhà thơ xứ Nghệ , người viết cũng muốn gửi gắm chất Nghệ trong đó đến người đọc. Vùng miền khác có thể đặt " thương em " ngang bằng hoặc hơn "thương quê ". Nhưng người Nghệ khẳng khái không dấu lòng mình , thương em chỉ một mà thương quê trăm lần! Rất xứ Nghệ. Thương những bông lúa rơi trên đường vì quê hương ta không có " Bờ xôi ruộng mật " như nơi khác mà chỉ có đất cằn sỏi đá. Thương mẹ già dàn dựng gặp trai đầu ngõ, vì luôn lo lắng dõi theo con , mong cho con an lành may mắn ... Cái chất quê đằm thắm của xứ Nghệ khó quên là vậy.
Cảm ơn chị vẫn nhớ tới thằng em trắc nết qua bài chửi nhau vừa rồi .
Hehe, đầu năm vào nhà Lão tốn mất mấy lít chất xám, mò vẹo cả tay mà mới xong lớp áo khoác. Đọc cho biết thôi, chứ bảo nhớ thì chịu! Mai mốt nếu có dịp ghé qua xứ Nghệ, chắc cũng lại mỏi rã tay mất thôi!
Trả lờiXóaChúc mừng gia đình Lão có thêm niềm hạnh phúc. Hạnh phúc của con trai sẽ là niềm hạnh phúc cộng (+) của cha mẹ và là niềm hạnh phúc nhân (x) của ông bà.
Ừa , có dịp về xứ Nghệ lại lục sục tìm xem Bánh Lưa là bánh gì ăn cho biết. Tiếng phổ thông học mười mấy năm liền còn chệch choạc , tiếng Nghệ chỉ mới qua vài bài mà nhớ thì có mà Thánh OM ạ.
XóaTuy nhiên lão muốn nói ở cái bài đọc thêm. Nhân vật lấy chồng xứ Nghệ này có nét hao hao...OM - Cũng lăm lăm máy ảnh chụp choẹt , cũng sợ ma khi trống vắng dưới lùm cây . cũng cảm nhận tinh tế những việc nhỏ như nhặt bông lú rơi , và ánh mắt rang ngời hàm ơn của người hàng xóm...Đặc biệt , ở cơ quan nhà xuất bản lịch tờ nằm ngổn ngang cả năm không ai rờ tới nhưng lại cảm được hình ảnh người ngồi gỡ ra từng tờ lịch phát cho hàng xóm " treo cho đẹp nhà"...
Hihi...không OM thì cũng bà con gần chi đó với OM.
Chúc mừng nhà ênh có con du kế thế...và..thêm câu: con ni phải khác con tê anh hầy....
Trả lờiXóaAnh vui vui thật vui đi nhé - Em cười rách mép với bánh lưa rồi...
Bánh Lưa chỉ lừa dân Bắc
XóaQuê choa rặt Nghệ vác....cây đập liền !
hehe ...Đầu năm thử mần thơ tặng Nắng xem hì.
Có vui vầy với anh Phây , lâu lâu em nhớ ghé về xóm nhà tranh này góp tiếng cười với lão blog già nua lọm khọm cũng vui rồi.
Dân Vinh chắc gì đã biết Ống thoe ? Ống thoe là từ gốc rặt Nghệ . Đừng nói là dân bắc , rước dâu Vinh về miền Tây xứ Nghệ chắc cũng gương mắt ếch , lấy chày giã tiêu thôi em hầy .
Trời nạ! Khoe du mô nỏ chộ, toàn nghe khoe nàng ngày xưa. Chộ con trai lấy vợ Bắc mà tiếc cô vợ mi nhon lắm ah?
Trả lờiXóaHình như cửa nhà lâu ngày ko mở, rỉ rét hay răng mà tối qua mở hoài nỏ được. Trưa ni quyết tâm ko ngủ để sang nhà coi du! Vừa nghe kể vừa cười ko chộ trời đất trăng sao chi hết!
Một lần nữa, chúc mừng nhà Lão có du! Chúc mừng niềm vui lớn đầu Xuân của mẹ!
Biết là lâu lâu chị vẫn đáo về làng blog , đi âm thầm và rút cũng im lặng. Nhưng lần này chị vô không được nhà lão ,không phải vì cánh cổng rỉ sét mà chắc guc gồ lâu lâu lên cơn cắc cớ nhìn chị nhận hổng ra vì có vẽ càng ngày chị miềng càng phổng phao mũm mĩm .
XóaLão phải qua phây mời chị về thưởng thức món bánh Lưa là có ý cuốc đường cho chị miềng đừng bỏ chốn này lâu quá , lão nhớ. Một người luôn thở ra khói - ý quên - thở ra thơ như chị , vắng lâu nhớ .
Cái này hơi không ăn nhập gì với bài viết , nhưng lão muốn khoe thêm là vừa qua ( 15/11/2015) Trường c3 khi xưa chị sơ tán học , kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hoành tráng và vui lắm. Lão vì chuyện cưới hỏi thằng con , cộng thêm 1 chuyện không may nữa nên rất tiếc không về tham dự , gặp lại bạn bè được. Chị có thể xem một số hình ảnh này qua google với từ khóa tên trường. chúc chi vui và anh mau lành bệnh.
Hôm qua nghe Lão khoe bánh Lưa xứ Nghê, phân vân... Có cí bánh chi lạ rứa hè? Té ra là bánh CÒN!
Trả lờiXóaLâu rồi đọc lại giọng kể của Lão nghe hay đáo để!
Lâu lâu nhớ về chị Ngựa nhé . Lão ít ghé phây vì ở đó ồn ào và căn nhà lão để phế hoang lâu rùi.
XóaSang nhà lão muộn nhưng được cái thú đọc còm của người đến trước, mỗi người mỗi vẻ nhưng tất cả đều chân tình vui vẻ. Bu tui chỉ đi qua đất nghệ nhưng nhờ trời hiểu được người Nghệ nói gì, những bánh lưa nắp bờn ống thoe với bu khỏi cần thông ngôn. Nhưng người Nghệ như bà già ngoài 90 có gọi là bánh không hay béng ??
Trả lờiXóaNhững bài viết nào đụng đến tiếng Nghệ, tình người Nghệ bao giờ cũng có nhiều người hưởng ứng. Mong Lão có nhiều bài hấp dẫn nhé.
Bác Bu đã từng sống ở xứ Nghệ , trong nhà lại có cuốn từ điển sống kè kè bên mình nữa thì khó có từ nào xứ Nghệ qua được bác thật. Vốn từ của lão chắc chắn không hơn bác là mấy.
Xóa* Phát âm bánh = béng chỉ một số vùng rất ít trên bản đồ tiếng Nghệ.Đây là tiếng cổ , lớp người già thường dùng như bác phản ánh là đúng . Cũng như Ênh = anh vậy . 2 từ này có vẻ như phổ biến ở Hà Tĩnh nhiều hơn Nghệ an. Ngoài ra nói thêm còn có từ " Mạn" trong câu thành ngữ " Ăn có mời - Mần có mạn" . Mạn ở đây là mượn - Từ này phổ biến vùng Lộc Hà - Can lộc , ngoài ra ít thấy ở vùng khác xứ Nghệ dùng.
Bỏ đi những phương ngữ thì tiếng Vinh được xem là phát âm chuẩn nhất xứ Nghệ , khắc phục được những điểm sai của vùng khác , thậm chí rõ ràng , dễ hiểu hơn cả tiếng Bắc và tiếng Nam.
* Bài Ả hoe ra phố - bác có góp ý cho lão về tiếng Nghệ là không cần mở ngoặc giải nghĩa , để thế hay hơn. Bài này coi như lão vâng lời góp ý ấy của bác , hạn chế mở ngoặc để mọi người mò cho vui.
* Lạ thế , viết chuyện quê hương bao giờ lão cũng thấy niềm vui lan tỏa bác ạ.
Cách phát âm: ênh = anh, bénh (không phải béng)= bánh, bòe = bò, chóe = chó, nhà choa = nhà choe...thuộc vùng Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn của tính Nghệ An.
Trả lờiXóaCách phát âm và nhấn trọng âm của từ cho ta biết người nói ở vùng nào xứ Nghệ. Có thể nói khó có tỉnh nào như Nghệ an - Khi qua vài ba lời nói có thể xác đinh được vùng, sau đó thì huyện mà những nơi khác khó nhận biết hơn.
XóaNói ngôn ngữ Nghệ chắc còn dài dài không hết chuyện NT ơi.
Chúc mừng nhà lão có con du. Mong rằng lão nhanh được ẵm cháu đích tôn nha
Trả lờiXóaCảm ơn chị. Lão vừa trả lời chị vì lời còm bài truoc của chi không hiện ra trên trang. Nó lại thông báo qua email nên lão đến giờ mới biết.
XóaChúc mừng lão thêm niềm vui mới.Tôi thì thương và thắm câu ni "Những đồng tiền ướt mặn mồ hôi cứ bịn rịn tôi suốt dọc đường tàu."
Trả lờiXóaTrong tháng giêng này , vào tầm cuối tháng , ngày nào thích hợp , ta gặp nhau cafe đầu xuân với tư cách là " Cán bộ tỉnh ĐT" nhé anh P.
XóaBài viết của lão mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc: tò mò, vui vui, háo hức vì cái duyên kể chuyện, nhưng lại thấy xót xa thế nào ấy!
Trả lờiXóaChuyện xưa - chuyện nay đan xen chỉ để mọi người...ngao ngán hơn khi gật đầu về làm dâu xứ Nghệ thôi Nganđo ạ. Nói với nhau mỏi cả tay vừa vui vừa ngao ngán thật chứ chả đùa
XóaBài viết muốn gửi gắm tình người xứ Nghệ đến mọi người chưa hề biết về mảnh đất này.
Răng lão lại ngừng viết lâu rứa? Thèm đọc bài mới của lão lắm zùi. Hôm ni có tặng bông hồng đỏ cho nường nào không lão ơi...ời...
Trả lờiXóaLâu lâu lão lại lười như vốn có nên khó viết chị ạ. Năm nay lão cũng có ý chờ coi có Ả Hoe mô yêu cầu thì mang hoa đi tặng . Nhưng chờ mãi mà chả thấy ả mô có nhời nên thui.
XóaKhông cô nào có nhời nhưng nhà chị Song Thu có lão quan mới từ chức, vui đáo để. Sao chưa thấy lão sang chia vui nhỉ?
XóaCó thể lão sẽ tạm nghỉ dài hạn một thời gian Nganđo ạ. Lâu nay lão ít vào blog.
Xóa...Ta về với Mẹ ta thôi
Phù hoa xin gửi cho người phù hoa
Ta về bên Mẹ của ta
Không làm chi nữa cũng là làm con.
Ng. Sĩ Đại
Về blog, là nhất định phải qua thăm lão. Hic.
Trả lờiXóaBài viết thật thú vị và chứa chan tình người, đậm chất quê hương. Ngày trước em còn nhớ, có một người bạn Nghệ An, cô ấy nói chuyện với em rất dịu dàng, dễ nghe. Nhưng đến khi nghe cô ấy nói chuyện với đồng hương thì đúng là em k thể nào luận ra nổi. hihi. Những từ ngữ vùng miền nếu chưa nghe qua thì cứ như tiếng...nước ngoài ấy.
Em thích cái bài viết về làm dâu xứ Nghệ, chân chất, mộc mạc như những cơn gió dịu dàng. Đôi khi bình yên cũng chỉ là ở cái cách mình cảm nhận và sống ra sao, phải không lão?
Lâu rồi, hôm nay mình mới về Blog sang thăm đọc bài LÀM DÂU XỨ NGHỆ để chúc mừng gia đình Lão có nàng dâu được. Xứ Nghệ quê mình ngày xưa nghèo đói, vất vả nhọc nhằn, thời tiết khắc nghiệt ...
Trả lờiXóa"Đất cằn bông lúa trổ non
Loi thoi mùa thối, gầy còm chiêm khê
Đói nghèo, người giã từ quê
Xứ này xưa dám ai về làm dâu"...
Đất Lạt, huyện Tân Kỳ của Lão là huyện miền núi sỏi đá , còn cực khổ nhiều hơn. Vì thế đã có thơ ngụ ý chê rằng:
"Đã gọi sông Con thì làm sao lớn được
Xứ Lạt em ơi lấy chi để mặn mà
Cây gỗ lên vân nhờ nước sơn trên mặt
Cây cổ thụ giữa rừng không chịu nổi phong ba"...
Nói vậy để những bạn đọc ở vùng khác hiểu thêm về mảnh đất và con người xứ Nghệ, tuy khó khăn gian khổ nhưng thấm đậm tình người đã níu giữ và gắn kết bao cuộc đời khắp đất nước về đây. Cũng như con trai Lão đã kết duyên cùng cô gái Bắc Kỳ về làm dâu xứ Nghệ. Chúc mừng muộn nhưng niềm vui luôn mới mẻ nhé Lão!
Cảm ơn Lão Trương đã chia sẻ mấy vần thơ mà tới giờ lão mới biết ai đó viết về Quê mình thật đúng.
XóaLâu nay lão về quê chăm mẹ già bệnh nên vắng bóng blog.
Qua thăm trang bác TAN. Đọc bài, đọc còm. Chúc bác và mọi người vui!
Trả lờiXóaXin thành thật cảm ơn bác Vũ Nho - Nhà phê bình văn học lần đầu ghé thăm lão. Lão rất thích và thành thật xin lỗi vì lâu không vào blog để trả lời bác. Chúc bác luôn vui và có nhiều bài hay để mọi người đến đọc.
Trả lờiXóa- Nói thêm. Bài làm dâu xứ Nghệ - người con dâu trong bài quê ở ...Ninh Bình đấy , gần chợ Rồng , trường lắp máy khi xưa bác ạ.
Xin lỗi Reply của 2 người lại chạy xuống cuối trang do lỗi Blog ạ.
Trả lờiXóaXin lỗi Reply của 2 người lại chạy xuống cuối trang do lỗi Blog ạ.
Trả lờiXóaHình như có họ cũng phiền
Trả lờiXóaHình như vắng họ, trống thêm khoảng đời.