CHUYỆN VẶT - GÓP NHẶT - P2.
(Tập hợp những truyện ngắn dưới 100 chữ của nhiều tác giả. Đăng mỗi ngày 1 phần liên tiếp nhau từ P1 > P4)
MẸ .
Sau mấy tháng trời rong ruổi kiếm việc, cuối cùng anh cũng đã kiếm được một công việc ưng ý. Ngày hôm ấy anh cùng bạn bè ăn mừng, về đến phòng trọ trời cũng đã vào khuya.
Phát hiện đồng hồ báo thức đã hết pin, trời lại lạnh, anh bèn gọi điện về cho mẹ :
“Mẹ ơi, ngày mai là ngày đầu tiên con đi làm, trước 6 giờ mẹ gọi điện kêu con dậy nhé !”
“Được …” Đầu dây bên kia giọng nói khàn khàn.
Ngày thứ hai, 5 giờ 45 phút mẹ gọi điện đến :
“Con à, dậy đi làm…”
Anh có chút bực khi nhìn thời gian vẫn còn sớm chán, nhưng anh nghe tiếng của cha như đang đứng kế bên nói :
“Bà cũng nên ngủ đi !”
HỘP SỮA TƯƠI.
Đều đã sáu, bảy mươi tuổi, giờ 5 anh em ruột của mẹ tôi mới có điều kiện đi du lịch cùng nhau một chuyến. Ngồi trên xe khách đường dài cùng cả doàn du lịch, mẹ tôi phát cho mỗi người một hộp sữa tươi. Một lát sau, mẹ thấy bác cả từ hàng ghế trên chuyển hộp sữa xuống phía dưới trả lại mẹ. Mẹ tôi không tiện hỏi lí do, chỉ thầm lo bác đi đường bị đói.
Mãi về sau, mẹ tôi mới biết bác trả lại hộp sữa vì bác không biết phải uống hộp sữa đó băng cách nào. Cả đời làm lụng vất vả, nhường nhịn tất thảy cho các em ,con cháu, bác chưa từng được uống sữa trong hộp.
NHÀ GIÀU.
Nhà bác Hai giàu, nhưng chưa cho ai thứ gì bao giờ. Ba má nó mượn bác một triệu lâu rồi đến giờ vẫn chưa trả được.
Dành dụm mãi cũng đủ, má sai nó mang tiền trả bác, nhận tiện biếu bác trái đu đủ vườn mới hái. Bác Hai gái đếm đi đếm lại mấy tờ giấy bạc:
- Tụi bây ăn học , Ba má mày làm gì có tiền mà trả tao?
- Dạ, ba má con dành dụm, chị Hai và con cũng đi làm thêm phụ vào.
- Vất vả không con?
Nó gãi đầu:
- Dạ, sơ sơ.
Bác Hai đặt trái đu đủ lên bàn thờ, bác mở tủ lạnh lấy mấy trái xoài bỏ vào bịch, đưa cho nó cùng xấp tiền:
- Mang về nói má mày lo cho chị em bây!
- Tiền má con mượn bác Hai mà?
- Tiền má bây mượn thì tao đòi. Còn tiền này tao cho, đâu giống nhau.
Nó gãi đầu, cũng mấy tờ tiền đó, mà không giống nhau. Nó chợt hiểu - vì sao bác Hai giàu.
PHÉP MÀU.
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tánh, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy người đàn ông góa vợ. Cô tôi coi Lộc, con riêng của chồng như cái gai trong mắt.
Tám tuổi, Lộc làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.
Lộc mười lăm tuổi, bố chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày thất tuần, cô tôi đuổi khéo:
- Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
- Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Cô tôi ngồi thừ ra . Rồi cô tôi đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm, rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con yêu thương như một phép màu.
LÒNG MẸ
Bố mất sớm .Mẹ tảo tần nuôi con.Nhà có ba chị em nhưng anh ba ngay từ lúc mới sinh đã bị bại não.Thắm thoát chị Hai và thằng Út cũng đã lập gia đình còn anh Ba thì vẫn cư xử như một đứa trẻ lên ba.
Mẹ vẫn ở vậy lo lắng cho anh Ba từng cái ăn,giấc ngủ.Ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh,Mẹ vẫn muốn hai chị em hứa rằng sẽ tiếp tục chăm sóc cho anh...
Không lâu sau anh Ba cũng ra đi. Ngày tang anh, chị Hai tìm thấy trong tủ quần áo của anh một bộ quần áo tươm tất được gói gém bằng giấy báo ,bên trên có dòng chữ nắn nót , thiếu nét:
" đồ mặc cho thằng Ba khi về với Mẹ"
NGOÀI GIỜ.
Chị bước vào quán, kín đáo nhìn quanh như tìm người quen... Rồi chị lấy xấp vé số giấu trong giỏ ra, nhẫn nại rao khắp các bàn... Chị nhỏ nhẹ mời, lặng lẽ rút khi khách lảng đi.
Tôi gục mặt trên bàn bia... muốn mua nhiều vé số mà không ngẩng lên được…! Chị là bạn vợ tôi, trước dạy cùng trường...
THẦY TRÒ
Về hưu, tôi mở lớp dạy kèm tại nhà. Cô bé học lớp 9, chăm ngoan nhưng hơi chậm hiểu. Thôi thì lấy cần cù bù thông minh. Tôi kiên trì giảng đi giảng lại. Mỗi khi gương mặt cô bé bừng sáng vì đã hiểu, tôi thấy mọi mệt nhọc tan biến. Mấy hôm nay, cô bé có vẻ lo lo, không tập trung. Nhìn lên tờ lịch, tôi lờ mờ đọc được lý do. Cuối giờ, tôi chủ động bảo: - Con đừng nhắc mẹ tiền học, khi nào đóng cũng được. Có điều con đừng vì chưa đóng tiền mà nghỉ học ". Cô bé thở ra như trút được gánh nặng. Đôi môi như có nụ cười. Ôi! Học trò.
KIẾP SAU
Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở :
_ Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.
Người chồng gầm mặt cãi :
_ Không thương bà, sao có được bốn mặt con. Đứa nào cũng học hành , có việc làm ổn rồi. Không đứa nào hư cả.
Người vợ còn sụt sùi :
_ Kiếp sau tôi không lấy ông đâu , có chất thêm vàng tôi cũng không!
Người chồng giọng kiên quyết :
_ Được đầu thai lên, kiếp sau tôi cũng cứ đi tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà?
Tối họ đưa nhau đi xem phim . Ông cầm tay bà thở dài:- Dạo này tay bà gầy quá.
CON TRAI
Bà Nội Sinh mỗi mình Bố.
Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.
Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy.
Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài: Phải chi...
Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt, xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hắn. Suốt tuần.
Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo: Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!
********************
********************
CHUYỆN VẶT - GÓP NHẶT (P.1)
Tuyển chọn những truyện ngắn dưới 100 chữ của nhiều tác giả gồm 4 phần lần lượt đăng trên trang Nghệ Nhân - mỗi ngày 1 phần.
PHẤN SON
Tốt nghiệp đại học, nó ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
MỘT MÌNH
Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con đi sơ tán khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ òa...
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình.
LĂNG DŨNG.
GIỖ ÔNG
Sớm mồ côi. Từ nhỏ anh em nó sống cùng một rảo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú nó lấy lại căn chòi, khuyên : 14, lớn rồi - nên tự lập. Anh em nó dắt díu nhau tha hương.
Trưa. Phụ hồ về "nhà" - (ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm: nhão như cháo. Thằng anh mắng: đồ điên. Con em mếu máo: em nấu để... giỗ ông.
Ngẩn người. Chợt nhớ: hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà... !
Ôm em vào lòng nó buột miệng gọi : Ông ơi .
LÊ NGUYÊN VŨ
NỒI CƠM TRÁNG
Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu mới có món cá con kho mặn. Soong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người.
Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!
THẤT HỨA.
Dường như lúc nào tôi cũng bảo học trò của mình: “Các em không được nói dối. Lúc nào cũng phải trung thực. Cô không thích ai thất hứa . . .”.
Một hôm cậu học trò nhỏ nhất đứng dậy hỏi:
-Thưa cô . Cô đã bao giờ thất hứa chưa ạ?
Tự nhiên nước mắt tôi chảy đầy hai má. Ngày xưa tôi từng hứa với mẹ “Học xong con sẽ về quê . . .”. Vậy mà cuộc sống phố thị đã cuốn hút tôi ở lại. Lời hứa năm xưa tôi đã quên mất. Quê nhà mẹ vẫn mỏi mắt ngóng trông hết năm này qua năm khác.
THÁNG LƯƠNG ĐẦU TIÊN
Nó hí hưởng rủ nhỏ Trâm đi chợ. Loanh quanh một hồi, nó sắm đủ cả: quần áo, kẹp, nơ, . . . Trâm đắn đo mãi, chẳng chịu mua gì. Ngang hàng vải, nhỏ kéo nó vào, chọn mua một xấp vải lụa sẫm màu. Nó nhăn mặt:
- Màu này già lắm !
Trâm rụt rè:
- Tao mua cho mẹ tao đó. Lần đầu tiên làm ra tiền mới hiểu cái vất vả của mẹ bao nhiêu năm qua.
Nó giật mình, lặng thinh. Giỏ đồ đầy trên tay trĩu nặng.
VĂN THỊ HỒNG HÀ
CÂU HÁT CA DAO
Ba bị tai nạn mất khi mẹ vừa 40 tuổi.
Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan học giỏi… Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó,con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên nghe câu hát: " ... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai…" con lại khóc vì thương mẹ.
NGƯỜI DƯNG
Nhà chỉ có một mẹ một con.
Con gái lấy chồng, bà bắt rể. Khi cháu ngoại lên bốn, con gái bà lâm bạo bệnh mà chết, bà coi rể như con trai.
Nó lấy vợ mới . Những đứa cháu lần lượt ra đời. Thêm người thêm việc, cũng một tay bà lo toan. Nó tính mướn người giúp việc, đỡ đần cho bà.
. . . Trong giấc trưa chập chờn bên nôi cháu, bà nghe tiếng “con dâu”.- Bây giờ mướn người đâu có dễ, công xá đâu có rẻ. Bà là gì của anh mà anh xót?
Bà lắng nghe xem nó trả lời gì . . . Không! Chỉ có tiếng mưa . .
.
DÌ GHẺ
Chi đi lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất
Ba năm sau chị đi bước nữa. Người chồng mới hoá vợ,có hai con nhỏ. Yêu chồng yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái:
- Còn xấp vải hoa?
- Cho mẹ.
- Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình đâu.
Chị càng buốt tim hơn khi người con trai im lặng.
LÒNG MẸ
Nhà nghèo. Chạy vạy mãi mới được suất đi lao động Đài Loan. Thanh coi đó như cơ hội giúp gia đình.
Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có ở trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm chỉ còn mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi mẹ lạy sụt sùi khóc.Thanh ngẹn ngào khi nghe mẹ nói: "Dối mẹ làm gì! Giơ xương thế này thì sao mà sung sướng được hở con!".
HẢI ÂU
BÁC RUỘT
Nó ra Hà Nội trước một tháng để ôn thi Đại học.
Nó ở nhà bác ruột. Mấy ngày đầu bình yên, mấy ngày sau bữa cơm nào bác cũng nói đến chuyện điện , nước và cáu gắt, ra chửi con , vào chửi vu vơ . Nó dè dặt mọi điều, tính thời gian bằng giây. Viết thư cho bố mẹ nó bảo: "Bác hết lòng vì con". Thi xong, nó về. Bác bảo: "Chỉ ăn không béo trắng ra đấy nhé". Về nhà nhìn thấy mẹ, nó khóc nức nở, mẹ hoảng hốt: " Ốm à sao xanh xao thế này hả con?.". Nó gật đầu.
LAM CHÂU
EM TÔI
Ngày còn nhỏ, nghe người trong làng nói quạ kêu thì có một người trong làng chết. Mỗi khi nghe tiếng kêu rùng rợn ấy, tôi ôm em tôi vào lòng rất sợ...
Ngày tôi vào Nam chiến đấu nó đã ra mã con gái. Tôi hứa khi nào hoà bình sẽ về , lễ cưới em tổ chức thật lớn.Trở về tôi liệt nửa người. Nó chăm tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Nhiều người ngỏ lời rồi lặng đi. Nó cười nhưng làm sao dấu được nỗi buồn. Bố mẹ thì đã già.
Mấy hôm trở trời. Tôi mê man, chỉ mong con quạ bay về kêu cho tôi nghe, rồi gọi chim phượng hoàng bay vào nhà cho lỗng lẫy.
NGUYỄN CHIẾN.
Những câu chuyện đáng cho mọi người suy ngẫm!
Trả lờiXóaCám ơn chủ trang!
Đây là những góp nhặt thể loại truyện ngắn 100 chữ một thời trên tạp chí Kiến Thức Ngày nay Bác ạ. Hồi ấy em rất thích nên lưu giữ lại một số. ( Phần 1 em đã có trong blog tập hợp vài chục bài)
XóaTrong hạn định 100 chữ ,nhiều chuyện viết rất hay . Đọc lần nào cũng xúc động. Em sẽ gửi đường link cho bác đọc phần 1.
Được chia sẻ với bác thật vui.
phần 1 đây bác Vũ.
Xóahttps://tan262.blogspot.com/2013/01/chuyen-vat-gop-nhat-1648-18-thg-8-2010.html#more
Cám ơn chủ trang! Tôi cũng rất thú vị đọc những truyện cực ngắn và những mẩu truyện cười vui của nước ngoài!
XóaEm thích những mẩu vụn cuộc sống như này, thấy thấm sâu vào từng mạch cảm xúc. Cuộc sống này, đôi khi có thể sống chậm lại và cảm nhận, đó đã là hạnh phúc lắm rồi, lão nhỉ?
Trả lờiXóaVi quay về blog à . Nếu fb lướt nhanh mang tính thông tin thì blog là chốn đọc chậm mang tính thông điệp.
XóaNhững mẩu chuyện không hư cấu , viết đầy cảm xúc luôn mang lại tình cảm với sự suy ngẫm của người đọc. Lão sẽ tiếp tục chọn lọc thêm một số truyện riêng tăng em ( hehe) phần 3. kkk
Những mẩu truyện lão sưu tầm thật hay và ý nghĩa. Đọc rất thú vị. Cám ơn lão
Trả lờiXóaVâng - Đọc xong những mảnh vụn cuộc sống , người đọc luôn thẫn thờ . Lão sẽ tiếp tục post phần tiếp theo để chia sẻ với mọi người.
XóaHay và cảm động .Riêng thích Giỗ ông !
Trả lờiXóaLão cũng nhòe nước mắt khi đọc câu chuyện này đấy HHP ạ
Xóa