Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

TON SUR TON

Nghe tin anh lên Sài gòn ở với con tôi lật đật mua chai rượu xuống thăm anh ngay. Gặp anh vẫn nụ cười dễ mến như ngày nào nhưng khác là hàm răng đã mất đi một cái bên khóe miệng , anh cười chống chế - Mở cửa sổ cho mát mày ơi . Bộ râu quai nón nay đã bạc đi nhiều nhưng vẫn còn phảng phất Romantic lắm . Mà lạ . Tóc anh suôn , bổ luống giữa nhưng râu hai bên má thì lại hơi quăn rất điệu đàng , lãng tử.
Biết tính anh , tôi mang theo một bịch xúc xích, mấy trái ổi. Tính cách người Nam bộ không màu mè khách sáo và thích sự bình dân , chân chất đồng quê . Càng xuề xòa, khan mồi uống rượu nhâm nhi càng sướng . Chai rượu được khui ra.
- Mừng chào anh Ba ngày gặp lại - Tôi nâng ly -Ly đầu em vẫn uống trọn vẹn , từ ly sau thì tông xuyệt tông như ngày nào nhé! Huyết áp em đang có vấn đề. Mời anh uống trước.
Anh cười và vỗ tay xuống bàn:
- Chú mày hay. Nhớ nhau vậy là quý lắm, nhớ đến cả uống rượu tông xuyệt tông .
Hai mươi mấy năm trước, mỗi lần xong việc , anh Ba thường rủ tôi ngồi nhậu lai rai nói chuyện . Khổ nỗi tôi không uống được rượu nhiều nên thật khập khiễng cho cả đôi bên.Không lẽ anh uống rượu tôi uống trà thì ra cái ma binh gì. Anh Ba ra điều kiện :
- Như vầy. Nhậu có 2 người nên ta Tông xuyệt tông ( Ton sur ton) . Cùng là rượu trong ly , chú ít anh nhiều tránh ly trà cụng ly rượu là được.
Đúng là ngôn ngữ của dân nhậu mỹ thuật.
Trong hội họa, thuật ngữ "Ton sur ton" là chỉ sự hài hòa của màu sắc. Có thể hiểu nôm na sự hài hòa ấy là màu sắc tương đồng ,gần giống nhau hoặc giống nhau . ( Màu ly trà khác màu ly rượu nên không thể ton sur ton được). Màu sắc chỉ có 3 màu nguyên thủy nhưng người ta có thể pha ra muôn vàn màu khác nhau. Trắng và đen là 2 màu trợ giúp 3 màu cơ bản kia trở nên đậm lợt, tạo ra sắc độ hài hòa "Ton sur ton". Trong lĩnh vực thời trang người ta dùng từ này để chỉ sự hài hòa theo nhóm màu, cùng tông .Trong uống rượu hôm nay lần đầu nghe anh dùng tông xuyệt tông vào " Từ điển "nhậu .
...Cũng vì mê hội họa , lần đầu tiên một thằng miền núi như tôi đến Hà Nội cứ đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn mấy tấm poster hình diễn viên Trịnh Thịnh và Mai Châu, căng trước rạp chiếu phim mà ngẩn tò te , trầm trồ nhớ mãi tới giờ . Sau này ra trường vào Sài gòn và xuống Cần Thơ - Long Xuyên ... chỗ nào có rạp chiếu phim là tôi tò mò đến xem Poster ( Hình ảnh quảng cáo cho phim). Một đam mê không giống ai . Có những bộ phim nước ngoài , Poster diễn viên tuyệt trần đời. Bàn tay lụa là của họa sĩ thổi hồn vào nhìn mê mẩn luôn .
Hồi đó kinh tế khó khăn , đồng lương hạn hẹp nên cứ tìm được việc gì là làm thêm việc đó. Cơ quan nhà nước thời bao cấp chỉ quản cái đít chứ đâu quản cái đầu . Một tuần tôi trốn cơ quan xuống xưởng vẽ vài ba buổi làm thêm . Tôi gặp anh Ba ở đây . Anh không làm thường xuyên , chỉ những lúc cần hình vẽ đẹp , chủ xưởng mới gọi anh . Biết được anh Ba chính là người ôm hết poster của 2 rạp hát ỡ cái thị xã này và cả bên Long Xuyên tôi ngưỡng mộ anh lắm. Tính anh ít nói , hơi trầm. Như bao người đàn ông Nam bộ khác ,anh không thích chuyện chính trị , cà fé ngày phải đủ bốn cữ và nếu rảnh thì lai rai nhậu không kể thời gian.
Cơ duyên may mắn nữa là anh chọn ngay tôi chạy phần chữ cho poster phim mới, khi vừa làm việc với nhau chừng một tuần . Anh bảo - Mày chạy chữ baton đẹp , có hồn nhất ở đây, vô nhà làm với anh. Tôi theo anh từ đó.
Nhà ông Họa sĩ nào cũng đều bừa bộn như nhau cả . Ngoài mảng quảng cáo anh vẽ cả tranh treo tường. Thời kỳ ngáp đói , ăn còn chả có bói đâu ra người đặt tranh treo tường? Phòng khách cũng là phòng vẽ. Màu lem luốc quệt cả lên tường trông như đám cỏ úa trổ bông. Khốn nỗi ,không bẩn và không luộm thuộm thì không phải là họa sĩ. Ấn tượng nhất là phòng khách treo hai bức tranh tương phản nhau quả là ngạo nghễ trong trang trí. Một bên là cô gái mặc áo dài trắng bước từ trên bậc thềm xuống cho ta cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản. Một bên là bức "Đôi giày " của danh họa Van Gogh cho cảm giác nặng nề , trầm uất.
Nghe nói bức tranh đôi giày này tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu trong số các tác phẩm nổi bật của người họa sĩ tài ba nhưng đoản mệnh Van Gogh. Nhưng đó ý kiến chuyên ngành, của các bậc học giả, của giới sưu tầm tranh... Người bình thường cảm nhận nó chỉ thấy nặng nề , u uất . Người vẽ nó đã truyền cả sự chán nản, mệt mỏi trong cuộc sống đến người xem qua màu tối bức bối đôi giày này. Nhìn đôi giày bờm xờm rách nát mà chủ nhân của nó lê bước kiếm sống trên mọi nẻo đường thấy hết cả sự mệt nhọc bế tắc trong tương lai . Tôi thích bức tranh thiếu nữ đài trang kia hơn.
Làm việc với anh thật thích . Được học hỏi thêm về họa hình và đi sâu vào thế giới màu sắc . Được tự do hoàn toàn . Khi cảm thấy không hứng khởi có thể ngưng nghỉ, về cơ quan cống hiến lý tưởng cho nhà nước. Không nên gắng gượng vẽ vời trong khi chẳng có chút cảm hứng nào, vẽ rồi thì cũng vứt . Mỹ thuật khác kỹ thuật ở chỗ đó. Có những poster diễn viên , hay những dòng chữ được vẽ vào lúc ma nhập, đẹp long lanh chỉ trong một thời gian rất ngắn là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Tính cách anh Ba đầy chất Nam bộ. Nhiều hôm chỉ mới nhận tiền trước, chưa làm gì, anh đã đưa phân nửa cho tôi và bảo:
- Mày cầm lấy đưa về cho vợ con nó mừng.
Con người anh vẫn thế. Luôn nhạy cảm và quan tâm đến người khác.
Chị Ba ít khi ở nhà vì chị làm hướng dẫn viên du lịch. Chị ít hơn tôi dăm tuổi . Chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều áo dài trong tủ như tủ áo của chị Ba . Đủ màu sắc rực rỡ. Trong lúc vợ tôi chỉ có một cái duy nhất do chị bạn giáo viên tặng cho vì chị mặc chật, chỉ dành đi đám cưới thì tủ chị luôn có 5 , 7 chiếc áo dài. Con gái của anh chị bấy giờ đang học lớp 5. Tôi làm với anh được gần hai năm rồi chuyển lên Sai Gòn...
Hai mươi mấy năm qua , giờ mới gặp lại anh. Tôi hỏi thăm về chị Ba. Anh bảo:
- Thế mày chưa biết à. Bả bỏ đi khi con bé này đang học lớp 11. Giờ ở Úc.
Đàn ông thường nói thật khi thấm rượu hoặc thấm tình. Đôi mắt anh trũng sâu , tự nhiên thấy thương anh quá. Tôi không dám tò mò hỏi thêm, sợ anh buồn. Cuộc đời vốn nghiệt ngã với nghề họa sĩ . Có nuôi con đằng đẵng một mình mới thấm thía cái ngàn trùng ,nặng nề của thời gian với gam màu trầm lắng...
Cuộc đời thật khó nói trước . Lòng vòng thế nào không ngờ tôi và anh bây giờ cũng cùng" TON SUR TON "nốt. Những ngụm rượu bình dân ngày xưa còn lẫn mùi mồ hôi, uống xong nghe anh "khà" lên cũng thấy ngon . Bây giờ chai rượu Tây Red Label mùi thơm thoang thoảng mà thấy anh uống nặng nề, không còn " khà" nữa, nhăn nhó đến là khó nuốt . Những va vấp và nghiệt ngã đã làm xơ cứng vị giác và tăng luôn nồng độ cồn trong rượu.


    

Mời bạn đọc xem Video Clip thư giãn, minh họa cho... thời trang TON SUR TON. ( khi xem nên bấm vào ô vuông phía dưới, bên phải để xem toàn màn hình cho...rõ).
 Clíp này do hai Bloger  mang tặng cho bài viết . Xin gửi lời cảm ơn đến hai bạn.


 












   

105 nhận xét :

  1. Chào bácTan. Nếu bác không cố ý viết "TONE SUR TONE", thì chữ đúng là "TON SUR TON", (màu sắc hòa hợp), TON, tiếng Pháp n. m. (danh từ giống đực, không có E đằng cuối).
    Chúc bác mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác Hiệp - một nhà ngôn ngữ của làng blog - đã góp ý cho lão. Lão thuộc thế hệ sau , không học tiếng pháp mà chỉ cọ xát với thực tế màu sắc trong hội họa. Lão xin ghi nhận và thành thật cảm ơn bác đã đọc và góp ý về từ ngữ tiếng Pháp. Ton sur ton bắt nguồn từ Pháp ngữ trong mỹ thuật .

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không rõ "niên kỷ" của bác, nhưng tôi thuộc thế hệ lớn lên ở Saigon trước năm 1975, trước đây có học tiếng Pháp, tiếng Hán, đã mấy mươi năm, bây giờ cũng chỉ đủ võ vẽ mà chơi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về niên kỷ thì chắc bác thắc mắc khi lão dùng từ lão trong xưng hô chứ kỳ thực thì ...lão đây chỉ là ...lão vui thôi bác Hiệp ạ. Vốn xưng danh Lão trở thành danh từ riêng vì nó thành thương hiệu với blog trót rồi bác ạ .
      Ton sur ton đã có lần lão hỏi anh Ba ( Nhân vật trong bài viết ) và được anh viết ra có chữ E ở cuối. Cũng như có lần , lão hỏi anh : Bông tua hay công tua ( contour) để dùng chỉ đường viền...
      Rất trân trọng ý kiến của Bác. Nhất định bàn với bà...hàng xóm bỏ chồng, gả cho Bác! hehe

      Xóa
  4. Đề tài hội họa, NT có đọc cũng chỉ như vịt nghe sấm. Ai vẽ giống là họa sĩ tài, ai vẽ không giống là họa sĩ bất tài! He he...
    Thôi, đứng hóng chuyện mọi người vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không hẳn là chuyện về hội họa đâu em . Màu sắc trong hội họa cũng là màu sắc cuộc đời. Có sáng tối và có cả trắng đen.

      Xóa
  5. Nếu bức tranh Đôi giày của Van Gogh mang một màu sắc u tối với nét vẽ thô, gợi sự nặng nề, mỏi mệt thì bài viết của Lão có màu sắc ảm đạm của hai số phận con người có những nét buồn tương đồng. Và đó đúng là ton sur ton như cái tên rất chính xác mà tác giả đặt cho bài viết này. Bài viết có mùi của men rượu nhưng không có cái say. Nó quá tỉnh, và càng tỉnh thì cái cảm giác lại càng thấm buồn. Đôi giày đã ám vào Lão khi viết bài này rồi!
    Phải chăng một bài viết thành công là bài viết mang đến cho người đọc một cảm giác gì đó, khiến đọc xong rồi họ phải nghĩ, phải nhớ?

    Chuyện ngoài lề. Van Gogh vẽ đề tài gì cũng cày xới, vẽ đến hàng chục bức na ná nhau. Đôi giày cũ nát này cũng vậy. Cà theo OM biết thì bức tranh Đôi giày nỏii tiếng của ông không phải bức này. Nó là bức có một nửa nền bên dưới màu xanh.

    Chuyện poster phim thời buổi này không vẽ bằng tay như hồi xưa mà làm hoàn toàn bằng máy, thực ra không phải là bước thụt lùi. Nếu nó giết chết tài năng của hoạ sĩ nào đó thì chỉ vì hoạ sĩ đã không theo kịp thời đại mà thôi! Thời xa xưa, lúc chưa có máy ảnh, người ta vẽ tả thực giống như ảnh. Đến khi có máy ảnh rồi thì vẽ như ảnh làm chi nữa, nên hội hoạ rẽ sang hướng khác. Hồi trước thập kỷ 90, đồ hoạ máy tính chưa phát triển, công nghệ in ấn còn thô sơ, người ta phải vẽ poster phim. Khi vẽ, họ cũng dựa trên ảnh. Vạy bây giờ công nghệ đầy đủ rồi, thay vì vẽ theo ảnh cho thật giống thì người ta in luôn ảnh, cộng thêm kỹ xảo cho bắt mắt. Vẽ làm chi nữa!

    Vài lời để Lão đừng luyến tiếc một thời đã qua...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phần nhận xét của OM phần trên , lão không có ý kiến gì.
      Phần nói về các họa sĩ không theo kịp thời đại không hẳn như em nhận xét. Cái chết của các tài hoa nó ở ý nghĩa hơi khác.
      Xưa xem poster diễn viên lão thấy nét vẽ về tóc là khó nhất. Nó vừa mềm mại vừa óng mượn vừa có cảm xúc của hồn người họa sĩ vẽ vào đó. Sau này được anh Ba chỉ cho và thực hiện một số bức thì nhận thấy rất nhiều yếu tố. Có một phụ gia được pha thêm để làm tóc óng mượt mà không phải là dầu bóng. Thứ nữa là kỹ năng kéo cọ và tải màu.
      Khuôn mặt muốn có hồn thì trước hết phải là đôi mắt , rồi đến miệng và mái tóc. Đây là tâm lý. Khi ta nhìn vào hình , đôi mắt đập vào nhãn quan đầu tiên , kế đến là miệng , kế nữa là mái tóc...3 bộ phận này phải tinh xảo thì postre diễn viên sẽ đẹp.
      Khi vẽ tức là người họa sĩ thực sự hút hồn vào nhân vật và được sống trong sự đam mê của họa hình mà bây giờ cái tâm trạng phê phê này với công nghệ lên mang tải về đem in không có. Hơn nữa hình vẽ vẫn làm nghiêng thành đổ nước người xem hơn là hình chụp. Mất đi những nhát múa cọ của các họa sĩ tài ba như anh Ba đau lắm...

      Xóa
    2. Nếu đi sâu vào chuyện hội hoạ ở đây thì sẽ thành lạc đề, mà nguyên tắc chơi blog của OM là hạn chế lạc đề. Vậy nên tuy có nhiều điều phải bàn, và dự là sẽ nói qua nói lại tốn cả mớ thời gian, nhưng OM phải hẹn Lão dịp khác quay lại chuyện này vậy nhé! :)

      Xóa
  6. Đọc bài viết này mình chú ý nhiều và đồng cảm với hoàn cảnh anh Ba cùng Lão Tan chứ thật ra mình cũng ko rành mấy về hội họa, tuy mình rất yêu nó. Được đọc thêm nhận xét của OM, càng biết OM thật giỏi về hội họa và đa tài trong các lĩnh vực khác. Giá như Salam đọc được những điều OM viết thì cũng hay cho Salam.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. OM tinh tế thật , nhưng không hẳn chuyên về hội họa đâu anh.
      Chuyện hội họa là thật chứ không hề...vuốt cành cây mà nhớ tay người xưa như thi sĩ nhá. hehe

      Xóa
    2. Mà xem ra từ hâm mộ người đẹp " ..Đa tài trong các lĩnh vực khác " dẫn đến yêu thương là một khoảng cách bé nhỏ lắm nhà thơ ạ.
      Bắt đầu từ chủ nhật tới , mỗi tuần cứ thảy ra cho vợ ...2 , 3 cái thiệp cưới lão Trương ạ . Tháng sau anh cứ vào sì gòn , lão giúp một tay. hehe

      Xóa
    3. Ui. Lão Tan vui và nhiệt tình phết. Nhưng Lão đang ế sưng ế sỉa, lo mình chưa xong vậy thì giúp gì được ai ? Không khéo chẳng được xơ múi gì mà cả hai ta còn bị người đẹp cười cho ấy chứ. Hi hi...

      Xóa
    4. Ai cười hở mười cái răng!
      Bao giờ anh Quang Thứ vào đây sẽ dẫn anh đi nhậu cho đến bao giờ anh lòi một bồ thơ ra thì mới thôi!

      Xóa
    5. "Được lời như cởi tấm lòng". Thấy OM bật đèn xanh mà anh vui quá OM à. Chẳng biết bây giờ có tìm ra loại thiệp cưới "khống chỉ" để điền tên người mời, người nhận vào mà moi phong bì của bà xã rồi hát " Sài Gòn ơi ta đã về đây" không đây? Hì hì...
      Dẫu sao cũng phải ""Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để "hành phương Nam" hội ngộ với OM mà viết thơ tình chứ....
      Cảm ơn Lão Tan, cảm ơn OM nhiều nhé!...

      Xóa
    6. Tìm kiếm một bóng hình để ngưởng mộ và yêu thương dù cho không có thật , nó vẫn là nơi ta dựa tựa tinh thần để lại niềm vui và nụ cười thật cho đời thật là hanh phúc lắm rồi , đúng không lão Trương.
      Anh đang có thứ vũ khí ...hủy diệt phụ nữ - đó là thơ tình. Sao không sử dụng vào lúc này ?

      Xóa
  7. Đêm nay lại không ngủ được, một mình lang thang vui buồn cùng thế giới blog.
    Chiều qua đọc bài, chưa có đoạn Clip này, có láng máng nghĩ đến điều Lão không viết trong TON SUR TON.
    Hai người đàn ông ngoại hình rất nghệ sĩ, và cùng có dòng máu nghệ sĩ và đều tài năng. Một người uống được nhiều, một người uống được ít. Một người vợ có 5, 7 chiếc áo dài, một người vợ chỉ có 1 chiếc...
    Hai mươi ba năm gặp lại nhau, cùng đồng cảm cảnh đằng đẵng nuôi con một mình, thấm hết cái nặng nề của thời gian.. Uống li rượu ngon, không khà nổi một tiếng.
    Xem đoạn Clip, em rõ ràng hơn về điều láng máng trước đó. Lão ác lắm! Lão làm cho người đọc ứ tràn hơi trong lồng ngực mà không thể thở ra. Nhưng em vẫn xin được ôm và hôn lão 2 cái, một cái dành cho lão, một cái gửi cho anh Ba.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ấn tượng con số 2h53 phút sáng cho lời còm này của em.
      Đọc truyện hay thơ thường tùy vào tâm trang và thời điểm . Ở cái thời điểm tĩnh lặng , chỉ một mình đối diện với chính mình đọc gì cũng thấy hay cả chứ không riêng bài viết này.
      Bài viết này sữ dụng ngôn ngữ trong mỹ thuật nên có thể gây rối cho một số người không mấy thích hội họa. Nhưng thực ra thì chuyện đời như em nhận xét là ...người viết chịu thua luôn.
      Gà trống nuôi mình - ý quên , nuôi con thường chạm vào trái tim phụ nữ vì chính họ có thiên chức này. Nhưng nếu gà mái nuôi con thì...có chạm vào trái tim đàn ông không ?
      Mấy ngày trước , một bạn blog khẳng định qua điện thoại với lão rằng : Những người chơi blog ít nhiều điều là có hoàn cảnh riêng tư cả. Hóa ra chúng ta trong blog lại cùng...ton sur ton?

      Xóa
  8. Đầu tiên thì bảo là 26 năm trước thường nhậu với nhau, sau đó bảo là 23 năm mới gặp nhau. Vậy, có cần thêm 1 câu ngăn ngắn rằng thường xuyên gặp nhau trong vòng 3 năm, để bạn đọc khỏi thắc mắc không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ừ - lão có 3 năm làm chung với anh Ba. Thời gian trong bài viết là chính xác vì nó là chuyện đời thật.
      Sau Ba năm ấy , lão bỏ cơ quan lên sài gòn luôn đến giờ.

      Xóa
  9. giờ em mới biết lão giấu nghề nhé. Hóa ra lão cũng một thời đam mê hội họa ( và chắc chắn bây giờ vẫy thế - nếu không thế đã không có một bài ton sur ton trầm trầm lằng lặng nặng lòng người đọc này .
    Ngày xưa em cũng mê vẽ lắm, nhưng nhà nghèo quá, nội bảo học cái gì k tốn klém chứ vẽ vời đi lang thang hư. Thế là bỏ luôn giấc mơ đó. giờ thì...chỉ thi thoảng tự quò què quọt quẹt cho đỡ buồn thui lão ui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải dấu nghề đâu em. Blog lão là cuốn nhật ký cuộc đời cứ rả rích kể những chuyện ngày xưa mà khi cần có thể móc xích lại thành cuộc đời 9 chìm, 18 nổi của lão. Blog lão không có chuyện hư cấu , là chuyện thật của cuộc đời viết không theo thời gian mà thôi .
      Hội họa thì lão mê thừ nhỏ. Em có thể đọc bài CHI BA vì bài này nhiều người từng biết lão với sự đam mê này . Nó đây : http://tan262.blogspot.com/2013/11/chi-ba.html

      Xóa
    2. em mới đọc blog lão sau này, nên k biết nhiều là đúng rùi. Hì hì
      Đọc bài nhà lão, còn có cái hay là đc đọc còm trao đổi của lão cũng các anh chị ở đây. Phải nói, em chỉ có nước nghe mà học hỏi thêm thui. hì hì

      Xóa
  10. "Đàn ông thường nói thật khi thấm rượu hoặc thấm tình."
    Mình cũng nghĩ như thế...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ừa - Nay mai em cứ cho thằng đàn ông uống cho say rồi hỏi sẽ ra những điều thật nhất đấy cô giáo ạ.

      Xóa
  11. Khi đang đọc dở bài này, mỗ đây cũng nghĩ đến Om , bởi nó chạm đến sở trường của nàng ý, đúng ra là chạm đến chất nghệ sĩ trong nàng. Và quả thật là nàng đã còm rất có chuyên môn!
    Nhưng đấy là chiện của hai hoạ sĩ chuyên & không chuyên!
    Mỗ đây đọc những dòng tâm sự của lão dẻ sườn thấy cuộc đời quăng quật lão hơi bị nhiều nhưng cũng công bằng khi đãi ngộ lão đấy chứ. Lão được trải nghiệm bao nhiêu số phận khác nhau, lại được dúi vào tay đủ các nghề từ Kĩ thuật đến mỹ thuật, được đưa đẩy từ nông thôn đến thành thị...Lão giả vờ ẩm ương chứ hơi bị đa hệ đấy!
    Cái đoạn lão kể về việc ly cụng ly để 'khà ' lên thành tiếng cho đến khi chỉ còn lại hơi rượu say mà tắc mất mất thanh âm thường nổ giòn giã của tửu binh ,nghe mà cay mà đắng ngắt lão ạ. Lão đã vẽ lên bằng ngôn từ đúng chân dung của "Nam vô tửu như cờ vô phong" đã "Dùng tửu binh phá thành sầu"! Nghe vừa day dứt, vừa ám ảnh. Cái chính là đằng sau câu chuyện nó còn dài lắm những chi tiết phụ mà có kể ra cũng lâu lắm mới hết mà chưa dứt được nỗi niềm.
    Lão đã tìm được lối đi riếng trong sân chơi này rồi . Chúc mừng lão!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuộc đời lão nhiều lúc ngẫm ra lạ lắm . Nó luôn thử thách lão. Những trang viết của lão luôn thật vì nó được lôi từ cuộc đời ra thành chuyện kể vì blog thực ra là cuốn nhật ký mở. Xương có cứng thì tủy mới ngọt!
      Cảm nhận cuộc đời đắng cay hơi nhiều nên có những trải nghiệm được thể hiện qua trang viết là tất yếu.
      Lão rất vui vì blog mình luôn vẫn chưng hàng thật cho người đọc tham quan và chia sẻ.

      Xóa
    2. Muốn lão chỉ cho đường link đến clip minh hoạ rất nghệ thuật cuối bài viết của lão, Lão coppy ra đây giúp với nha!
      Cảm ơn trước!

      Xóa
    3. clip này HL vào Phây gặp OM. OM chính là người tặng lão clip này để minh họa. Người bạn thứ 2 thì đem nó về đây vì lão không biết rinh về. Vui lòng nhé.

      Xóa
  12. Có Salam đơi Quang Thứ ơi ! Lão Tân hay la Salam toàn kéo nội dung bài viết đi xa chủ đề , nhưng tính không bỏ được , bữa ni ( Red herring fallacy ) cái coi
    Điều đầu tiên cần cho một nghệ sĩ là tài năng trời sinh , không có thiên phú mà cứ tiếp tục vẽ giỏi lắm thì chỉ là thợ vẽ mà thôi , ở đây lượng không biến thành chất được . Còn một khi đã xuất thần thả hồn vào tác phẩm thì lúc đó mới là thiên tài
    Bức tranh đẹp hay bền mãi với thời gian phụ thuộc vào chất lượn của màu vẽ , muốn màu sắc đẹp thì phải dùng màu chất lượng cao . Ví dụ màu Ultramarine hồi xưa được làm từ đá Lapiz , rất đẹp vì chỉ có ở Apghanistan mới có , cộng thêm công vận chuyển nên giá thành rất cao . Mặc dù ngày nay đã tổng hợp được màu Ultramarine nhưng cũng không thể bằng màu Lapiz Lazull nguyên thuỷ được .
    Các loại màu và tên màu có xuất xứ từ xa xưa , từ khi con người phát hiện một màu mới ở vùng đất nào đó , thì họ lấy tên vùng đất đó đặt tên cho màu đó ví dụ : khi nói Nâu Sienna thì ta hiểu ra đó là Nâu được làm từ đất ở vùng Sienna ( Ý ) . Khi nói đến Red Viêntian ( Đỏ Vienice ) , Naples yellow ( Vàng. Nables ) . Còn riêng màu Magenta được phát hiện vào năm 1859 , trùng với trận đánh ở Magenta giữa quân của Napoleon và quân Áo . Lúc đầu tên của nó là Fuchsine là tên của một loài hoa Fuchisia có màu Magenta
    Tại sao Salam lại lan man nhiều đến màu sắc như vậy ?
    Hồi xưa khi đi công tác ở Trung Đông , cứ đến tháng ăn chay của người hồi thì thời gian rất rảnh . Tính Salam lại thích văn học và mỹ thuật ( dù không biết vẽ ) , thế nên thời gian rỗi hay lang thang vào các viện bảo tàng xem tranh . Vì đất nước họ rất giàu có nên mua rất nhiều tranh nguyên bản , vì thế Salam được chiêm ngưỡng rất nhiều bức tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng . Xem di xem lại nhiều lần mới cảm nhận được hết vẻ đẹp và điều tác giả muốn truyền tải . Tại sao mà hàng trăm năm mà những bức tranh ấy lại vẫn giữ được màu sắc chân thật như vậy ? Câu trả lời là do họ đã sử dụng màu tuyệt hảo , bây giờ còn làm các nhà phục hồi tranh đau đầu khi muốn phục hồi một bức tranh nào đó bị hư hại
    Trở lại vấn đề tại sao tranh của các hoạ sĩ Việt lại mau xuống cấp cũng tại do màu không tốt mà thôi . Hoạ sĩ Bùi xuân Phái đã từng nói ( Nếu như có màu xịn hơn thì tranh của tôi sẽ tốt hơn nhiều ) . Đó cũng là lý do sao tranh của các hoạ sĩ Việt khi bán ở nước ngoài lại không được giá . Hồi trước Salam đã xem hai phiên đấu giá tranh Việt ở Singapore mà thấy buồn
    Vào mấy viện bảo tàng ở ta cũng vậy , toàn tranh chép lại từ tranh chép mà thôi vì thế không có sức sống như tranh nguyên bản . Bức tranh đôi giày của Maison de van Gogh mà bạn của Lão có vũng chép lại từ những bức tranh chép khác mà thôi . Thử hỏi có những bức tranh hàng chục triệu Dolla thì người Việt mình có ai mua nổi , kể cả những viện bảo tàng
    Về những người thưởng thức nghệ thuật cũng vậy , nghệ thuật không dành cho những người nóng vội và hời hợt . Xem một bức tranh phải xem đi xem lại nhiều lần , hôm nay xem thấy như vày , nhưng tháng sau , năm sau xem thì lại khác
    P / s : Có mấy dòng vậy thôi , Lão mà la thì Salam thôi vậy ... Hì hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Salam nói lạc hẳn đề, nhưng cũng vui vui. Ai muốn tìm hiểu thêm về màu sắc, đọc cái này rồi gặp Salam trao đổi thêm cũng sẽ hiể thêm được nhiều thứ.
      Nhưng Salam bảo vào các bảo tàng của ta toàn thấy tranh chép là làm sao? Salam có lộn không đấy? Bảo tàng nào mà bỏ tiền ra mua tranh chép bao giờ?
      Ông Van Gogh tên đầy đủ là Vincent van Gogh nhé!

      Xóa
    2. Trong phạm vi hội họa , xem chừng Salam cũng lăn lộn tìm hiểu nhiều hè. Có những vấn đề đến giờ lão mới được biết như xuất xứ màu vẽ. Đúng là lão chỉ là Thợ . Lý luận và phân tích lĩnh vực này xin nhường cho Salam và OM .Nghe nói Đồng sàng chung ...nia gì đó quả hổng sai.
      Hy vọng làng blog sẽ trao cho..." Cặp đôi hoàn hảo " này phần thưởng xứng đáng .

      Xóa
  13. Lão thiệt giỏi làm người ta khóc đó nha. Tui đã lệ lưng tròng khi đọc xong những câu cuối cùng trong chuyện kể của lão nè. Xưa nay tôi cứ nghĩ cuộc đời phụ nữ mới lắm nỗi niềm. Chừ biết rõ hơn rằng nhiều đấng tu mi cũng nông nỗi lắm. Hai bức tranh treo trong phòng anh ba có lẽ đã vận vào cuộc đời của anh chăng? Còn lão, người " tông xuyệt tông" với anh ba cả trong thân phận lẫn đam mê cũng ba chìm bảy nổi lắm. Nhưng nghĩ đi thì nghĩ lại có trải qua nhiều điều như rứa mà vẫn sống vững vàng, vẫn chan chứa yêu thương, vẫn đa hệ, đa tài mới thật sự là cuộc đời của đấng tu mi lão ạ.
    Đọc bài viết của lão, tôi không chỉ được thêm vốn từ về hội họa mà còn phần nào hiểu thêm về cái đẹp trong hội họa nữa. Tôi vốn mù tịt về môn nghệ thuật này. Cám ơn lão nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng - Bài viết này giải tỏa thắc mắc không phải cho riêng chi mà chung cho mọi người về cuộc đời và ngành nghề của lão. Rất nhiều người nhầm lão có công việc gì đó dính dáng đến văn chương hoặc dạy học.
      Màu sắc trong hội họa vô vàn lắm chị ạ. Qua màu sắc có thể nhận biết được cá tính và cả tâm trạng của người vẽ...Bức Đôi giày chỉ là một ví dụ rất điển hình dễ nhìn thấy , dễ cảm nhận nhất về màu sắc mà người họa sĩ sử dụng .
      Ton sur ton đã không dừng lại trong phạm vi mỹ thuật mà lan ra cả thời trang , lan ra cả màu sắc cuộc đời ...Qua những trang viết dạng này , chị sẽ vẽ được chân dung thật của lão bấy lâu vẫn thắc mắc chưa biết hỏi ai nhé.
      Chúc chị vui

      Xóa
  14. Cái clip minh họa cũng thật tuyệt và rất hợp với bài viết. Đúng là ton sur ton

    Trả lờiXóa
  15. OM à !
    Như trên Salam đã nói lần ni sẽ " Red herring fallacy " , không phải cay cú ăn thua với Em , nếu như Em nghĩ như vậy thì Salam buồn lắm . Bởi vì hôm nọ bên nhà Mệ NT Salam đã nói là gặp được một người am hiểu hội hoạ như Em rất là mừng . Vì thế hôm nay có dịp Lão Tân đăng bài viết này có liên quan đến hội hoạ vì thế có mấy lời mạo muội .
    Nói về màu sắc chỉ là khơi mào cho cuộc đàm luận về mỹ thuật mà thôi , còn nhiều điều còn ở phía trước .... Nếu như Lão Tân cho phép và Em nhiệt tình đàm luận ( Không phải là tranh luận ) thì Salam sẽ sẵn sàng đàm luận tiếp Hì hì hì
    P / s. : Đừng nói với Salam là Em theo trường phái Lập Thể ( Cunism ) hay trường. Phái Da Da ( Dadaism ) à nghen .. Thân !
    Đúng rồi tên đày đủ là Vincent van Gogh , Salam trí nhớ bị quên nên nhớ lộn .. Cảm ơn OM ... Mong rằng chúng ta cùng ... Mộng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe...chưa đàm luận ra môn ra khoai gì đã đòi...cùng mộng? Những người có máu Nghệ sĩ thường bao giờ cũng quân tử mà Salam.
      Lão sẵn sàng pha trà , rửa tai ngồi nghe nó ra...răng.

      Xóa
    2. Ủa, mình đang đàm luận mà, có ai ăn thua gì đâu! Thế Lập thể hay Đa đa thì sao ạ?

      Xóa
  16. "Cuộc đời thật buồn . Không ngờ tôi và anh bây giờ cũng cùng" TON SUR TON " nốt. Những ngụm rượu bình dân ngày xưa còn lẫn mùi mồ hôi, uống xong nghe anh "khà" lên cũng thấy ngon . Bây giờ chai rượu Tây Red Label mùi thơm thoang thoảng bay ra mà thấy anh uống không còn " khà" nữa, nhăn nhó đến là khó nuốt ." Tôi lại thấy sự kiêu bạc và lạc quan trong cám thán của lão !

    Trả lờiXóa
  17. Khi không thể bi quan được nữa thì cách tốt nhất là biến nó thành thứ lạc quan ngộ nhận cho an lòng anh P ạ. Ngẫm sự đời mà được gằng co trong hai thể trạng này cũng trải nghiệm lắm chứ nhẩy.

    Trả lờiXóa
  18. Trong hội hoạ có rất nhiều trường phái , mỗi trường phái đều có quan điểm riêng , phong cách riêng từ cách tạo dựng ngôn ngữ bằng hình ảnh tạo hình , cũng như cách chọn vật liệu và màu sắc riêng để không giống các trường phái khác . Có thể kể tên một vài trường phái tiêu biểu
    Trường phái Ấn tượng , trường phái Hậu ấn tượng , trường phái Dã thú , trường phái Lập thể , trường phái biểu hiện , trường phái tương lai , trường phái Siêu thực , trường phái Da da , trường phái Ấn tượng trừu tượng , trường phái Kinetic Art , trường phái Pop Art , trường phái Pop Art , trường phái Minimalism , trường phái Nghệ thuật hiện đại vvv . Ở cháu á có trường phái Thuỷ mặc và trường phái Thư pháp của Trung Quốc . Trong tất cả các trường phái đó Salam ghét nhất là trường phái Lập thể và trường phái Da Da
    Trường phái Da Daism : là sự phản kháng của các hoại sĩ và nhà văn Âu Mỹ chống lại nghệ thuật . Phong trào này xuất hiện khi tâm trạng thất vọng với cuộc chiến thế giới lần thứ nhất , qua cách thể hiện của họ cái phi lý và tư tưởng phản kháng là chủ yếu tiêu biểu nhất cho trường phái này là những nghệ sĩ. : Kandinsky , Marinetti , Modigliani , Picasso , Apollinaire ( 1917 -1920 )
    Trường phái Lập thể ( Cubism ) trong những tác phẩm lập thể hình ảnh được khai thác một cách trừu tượng . Người hoạ sĩ nhìn đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau , không theo các quy tắc phối cảnh thông thường . Nhà phê bình hội hoạ người Pháp Louis Vauxcelles sủ dụng từ " Lập thể " đer chỉ những bức tranh có những hình lập phương kỳ quặc . Hai người sáng lạp nên trường phái này là Georges Braque và Pablo Picasso ( 1906 - 1914 )
    Nếu như khi xem nhiều tranh của hai trường phái , không khéo sẽ bị thần kinh . Giống như OM bị rối loạn tiền đình khi đọc bài thơ Nhó của QT vậy ... He he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Salam đã cho OM và mọi người hiểu thêm về một số trường phái hội hoạ. Thế anh thích trường phái nào?
      Có lẽ xem nhiều 2 trường phái đó sẽ bị thần kinh (hay rối loạn tiền đình) là vấn đề riêng của Salam thôi chứ không phải của mọi người. Hehe!
      Nói thêm cho lạc xa hẳn đề luôn, là bây giờ nhiều người chả có tài cán gì, vẽ hình hoạ còn không vững, bèn quay sang vẽ lập thể hay trừu tượng, làm cho thiên hạ rối mù. Xem tranh chả ai dám nói gì vì nói ra sợ bị chê là dốt. Nghệ thuật thấy cũng vô chừng quá hè! :D

      Xóa
  19. Như trên Salam đã nói điều làm nên vẻ đẹp của bức tranh là màu vẽ , nhưng còn một yếu tố nữa cũng quan trọng không kém đó là vật liệu đỡ ( support ) và nền ( Ground ) để vẽ ảnh hưởng tới sự trường tồn của bức tranh . Vẽ tranh trên một vật liệu đỡ không tốt cũng như làm nhà trên một nền đất yếu. . Tiêu chuẩn quan trọng của vật liệu đỡ là phải bền vững , không bị biến dạng theo nhiệt độ , độ ẩm , thời gian , để khỏi làm bong tróc các lớp màu vẽ ở trên , không hút màu quá nhiều để màu không bị xuống
    Những bức sơn dầu đầu tiên được vẽ từ thế kỷ 5 - 9 trên tường trong hang đá tại Bamyian ( Afbhanistan ) . Hàng trăm năm sau hội hoạ sơn dầu mới thịnh hành ở Châu Âu . Khi Vaneyck dùng dầu lanh làm dẫn tạo màng để nghiền bột màu , và áp dụng kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp , gây hiệu quả quang học trong hội hoạ . Hồi đó các hoạ sĩ Cháu Âu chủ yếu vẽ trên gỗ và kim loại . Sự bất tiện của vật liệu gỗ và kim loại là rất khó làm các tranh kích thước lớn mà không bị cong vênh , lại không nhẹ nhàng trong vận chuyển . Vào thế kỷ 15 -16 các hoạ sĩ đã chuyển sang dùng vải thay cho ván gỗ , để vẽ các bức tranh khổ lớn . Vào thời kỳ đó Vienice là nơi sản xuất vải vẽ tốt nhất
    Hầu hết các hoạ sĩ thờ Phục Hưng và Baroque vẽ trên vải gai dầu hay gọi là vải vẽ ( Canvas ) mà người Việt hay gọi là toan . Sang thế kỷ 18 vải gai dầu nhừng chỗ cho vải dệt bằng sợi Lanh . Sang thế kỷ 20 vải bông được dùng làm Canras ( Cotton Canvas ) . Ngày nay còn có Canvas được dệt từ sợi tổng hợp polyester . Yêu cầu tối thiểu của chất liệu làm nên Canvas là không bị mốc , không bị vi khuản tấn công , độ ẩm , nhiệt độ , ô nhiễm không làm hư hại . Nhưng tốt nhats vẫn là vải Lanh
    Bậc thày trường phái Venetian Pholo Veronese đã vẽ bức hoạ trên vải lớn nhất Tk 16 ( Đại tiệc nhà Levi ) 5,5 m - 12,8 m . Bức hoạ lúc đầu có tên gọi la ( Bữa tối cuối cùng ) về bữa ăn cuối cùng của chúa Jesus và 12 tông đồ . Sau đó Veronece bị toà án giáo hội triệu đến thẩm vấn vì chi tiết nhạy cảm . Ông đã trả lời " Nghệ sĩ chúng tôi tự cho mình có được những tự do như các thi sĩ và các người điên ". Rồi để tránh bị phiền toái , thay vì chữa lại , ông đã đổi tên của bức tranh thành ( ( Đại tiệc tại nhà Levi ) 1573
    Gần nhà Salam có một bà vẽ rất đẹp , đã có mấy lần triển lãm tranh . Cứ một lần vẽ xong một bức tranh đều gọi Salam sang cho nhận xét . Salam hiểu được một ít về hội hoạ cũng nhờ những lần hai cô chấu đàm luận với nhau . Bà vẽ theo phong cách Hậu ấn tượng , nhưng có mấy lần Bà thay đổi vẽ theo phong cách Lập thể và Da Da , Salam xem xong rất là hãi , mới bảo " Cô ơi ! Khi nào Cô gọi con sang xem những bức tranh như vậy thì nhớ chuẩn bị sẵn cho con vài liều thuốc thàn kinh " biết tính Salam hay hài hước nên Bà chỉ cười thôi chứ không chửi .
    Salam không theo trường phái nào cả , chỉ thích xem tranh thôi , nhất là những bức tranh của các hoạ sĩ thời Phục Hưng ... Thế có " Đồng " được với OM không hè hì hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi xưa, OM thích tranh cổ điển Phục Hưng, nhưng bây giờ bảo xem thì thực tình ko muốn xem nữa. Cái này cũng gần giống như bên văn học, biết Truyện Kiều là hay nhưng bảo OM đọc lại thì sẽ không đọc nữa. Biết Tự lực văn đoàn mở đầu cho một bước ngoặt cho văn học Việt Nam, nhưng giờ cũng không đủ hứng thú để đọc lại. Vậy chắc là dị mộng với Salam rồi! :p

      Xóa
  20. 1- Đọc thấy thương anh Ba quá, con người hào hiệp, nhân ái, tài hoa lại cô đơn trong tuổi xế chiều. Từ chỗ “Những ngụm rượu bình dân ngày xưa còn lẫn mùi mồ hôi, uống xong nghe anh "khà"... Bây giờ chai rượu Tây Red Label …thấy anh uống không còn " khà" nữa, nhăn nhó đến là khó nuốt” thì biết là anh nguội lửa nam nhi rồi. Thương anh Ba hơn cả là vụ bà vợ bỏ bỏ anh và con gái sang Úc. Đi mưu sinh thì còn được chớ vì người đàn ông khác mà bỏ chồng, bỏ con thì tội cho Ba quá.
    2- Thời học trò bu tui thích hội họa lắm, thích mà bất tài, lại thiếu kiên nhẫn, Vào đại học ra thư viện tìm đọc họa sĩ Andrew Loomis (Mỹ) với họa sĩ Jean Arestein (Pháp). Rồi cũng được học họa hình kỹ lắm, ra trường sống bằng nghề vẽ cho đến ngày về hưu, nhưng chỉ vẽ đường thẳng thôi. Học cầu đường ĐHGT không vẽ đường thẳng thì vẽ gì. Thảng hoặc có vẽ đường cong khi thiết kế cầu treo dây võng hay cầu vòm. Sau này thằng con trai đi học, nó không chịu học hội họa mỹ thuật mà học kiến trúc , tức là cũng chỉ vẽ đường thẳng như bố …hihi.
    3- Cái tựa đề của Lão Ton sur ton thay thiệt. Một thuật ngữ hội họa nay lọt vào bàn nhậu của hai ông tri kỉ. Trong từ điển tiếng Tây Ton có nghĩa thứ nhất là “âm độ” nghĩa tếp theo là “màu sắc”. Sur là trên, bên trên. Hiểu máy mócTon sur ton là “màu sắc trên màu sắc”, cho nên nói như PNH Ton sur ton “Màu sắc hòa hợp ” là phải .
    4- Trong hội họa người ta vẫn nói gam màu nóng, gam màu lạnh. Gam là thuật ngữ trong âm nhạc, có gam trưởng và gam thứ, mỗi loại như vậy có quy luật sắp xếp âm thanh theo quy luật rất chặt chẽ. Đã là hợp âm đô nhất thiết phải độ -mì- xon. Tại sao thế ? Vì khi nốt đô tắt dần âm kế ghi lại được hai âm mì xon xuất hiện rồi cũng tắt dần cho đến hết. Tức là âm thanh đi với nhau theo quy luật Ton sur ton như màu sắc, như hai ông bạn nhậu tâm đắc ngồi với nhau vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu. Ngỡ tưởng chủ đề làm sàm này không phải guu của bác , ai dè bác cũng ...bậc thầy. Vẽ được hay không là năng khiếu từng người , nhưng tìm tòi và hiểu hội họa như bác là một người vẹn tài vì có cả Nhạc và họa, văn chương và...Vẽ kỹ thuật Au tô két nữa.
      Lão rất thích cái..."Đểu" trong đường thẳng được bác uốn nắn trong lời còm. Ừ nhỉ , vẽ kỹ thuật không có cái uốn lượn, bẻ cong và ma mỵ màu sắc như trong vẽ họa hình! hehe , người hiểu biết nhiều chứng tỏ..." đểu cáng" hơn trong đường thẳng và đường cong chắc ? Nhớ ...Thạch Qùy có bài thơ:
      " Cái đường thẳng hiền lành và chân thật
      Nơi âm thanh tiếng nói biết đi về
      ........
      Đường thẳng luôn bài xích những đường cong queo
      Và gạt bỏ những lối mòn có sẵn...".
      2 - Chính xác nghĩa của từ ton sur ton này , ngày xưa lão từng hỏi khi tiếp xúc lần đầu và được anh ba trả lời rất ngắn gọn: "Màu trên màu." . Dùng nó trong các lĩnh vực khác ta chấp nhận ở mức tương đối bác ạ.

      Xóa
  21. Bác SALAM này am hiểu nhiều về hội họa phết! Song Thu tôi là dân họa mù nhạc tịt văn mờ nên xin một cục gạch ngồi hóng các bác đàm luận thôi. May ra có vỡ vạc được cái đầu u tối này chút nào mừng chút nấy hè.
    Chúc bác Sa và bạn OM đồng mộng và đồng nhiều nhiều thứ nữa nha. Hì...hì...hì...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, chữ "gam" ta thấy sử dụng trong âm nhạc cũng là tiếng Tây (gamme), nghĩa của nó là "âm giai", hiểu nôm na là "giai điệu của âm thanh", như bác Bu đã viết bên trên "Đã là hợp âm đô nhất thiết phải độ -mì- xon. Tại sao thế ? Vì khi nốt đô tắt dần âm kế ghi lại được hai âm mì xon xuất hiện rồi cũng tắt dần cho đến hết". Chuyển vào hội họa ta hay thấy dùng từ "gam màu". Có những bức họa mà họa sĩ không dùng nhiều màu sắc, mà chỉ dùng một "gam" màu, chẳng hạn tranh vẽ ngày xưa của họa sĩ Đinh Cường hay dùng gam màu xanh, chuyển từ nhạt đến đậm...
      Từ Ton Sur Ton dùng trong thời trang cũng là để nói về màu sắc, như "cô ấy ăn mặc ton sur ton", cũng là để chỉ ăn mặc màu sắc quần áo, có khi thêm cả màu sắc của đôi giày, chiếc mũ đội hòa hợp chứ không "chỏi" nhau.

      Xóa
    2. @ Chị Thu ơi , Chị khen Salam làm lão ghen đấy! hehe. Trong lúc ngồi cục gạch chờ , lão cóp chị đường link này để biết thêm về lão. Có thể hiểu thêm những gai góc trong cách viết của lão.
      http://tan262.blogspot.com/2013/01/can-tho-0442-26-thg-10-2010-ca-nhan-62.htm

      Xóa
    3. @ Bác Hiệp. Chuyện chữ nghĩa các bác soi được từ các ngôn ngữ Việt - Hán - Tây làm lão rất thích và ngưỡng mộ đấy ạ . Cách dùng từ ton sur ton vào chuyện nhậu hay màu sắc cuộc đời mang tính văn chương là chủ yếu .
      Cảm ơn bác đã dành thời gian giải nghĩa cho mọi người .

      Xóa
    4. Còm của bu cũng nói Ton sur ton là "màu trên màu" theo nghĩa từ điển. Nhưng ông PNH nói Ton sur ton là "màu sắc hòa hợp" nghe có lý hơn. Hòa hợp đề cập đến quy luật. Ta thấy trong ánh sáng mặt trời có: đỏ, cam, vàng , lục, lam. chàm. tím (quang phổ) tức màu sắc sắp xếp theo quy luật. Hòa âm trong âm nhạc cũng vậy.
      Bu nhớ hồi nhỏ được bố dắt đi may quần áo tết. Ông thợ may đưa ra một xấp vải xanh đậm để may quần, lại đưa ra một xấp vải nâu đậm bảo để may áo. Ông bố bu ngăn lại., không được, anh chon cho cháu một màu gì cho nó "ton sur ton". Nói rồi ông già lôi ra một xấp vải xanh nhạt hơn màu xanh của vải may quần. Tức là màu xanh đậm và xanh nhạt đi với nhau thì đúng gam hơn., hòa hợp hơn. Cũng như ông Ba biết nhậu ngồi với Lão tan biết nhậu thì mới Ton sur ton, còn ông bu không rượu không bia không cà phê ngồi với ông Ba thì chẳng thành ra cái gì cả. hihi

      Xóa
  22. Hơ hơ hơ ! Thế là Salam kéo được cả nhà đi xa chủ đề bài viết của Lão ... Salam tài tài là
    Bữa ni mưa to 888 tiếp .... Bàn về lĩnh vực hội hoạ thì đã có những bậc thầy bàn rồi , vì nó thuộc phạm trù rất mênh mông mà con người không thể lĩnh hội hết được . Salam chỉ là người hóng hớt , biết sao nói vậy .... Vui là chính
    Con người biết vẽ hàng chục ngàn năm trước khi biết viết . Có những bức hoạ trong các hang động ở Châu Âu và Ở Úc có niên đại 35 - 40 ngàn năm . Trong khi chữ viết chỉ xuất hiện 3500 - 4000 năm trước . Aristotle ( 384 - 322 TCN ) là người xây dựng nên lý thuyết về màu sắc . Aristotle cho rằng màu sắc là thuộc tính của bề mặt vật chất , tia nhìn của mắt người cũng tương tự như sờ mó , phóng từ mắt ra chạm vào vật chất , khiến ta biết được màu của chúng . Theo ông các màu đỏ , lục , da cam , lam tím chỉ là chuyển đổi sắc độ giữa màu đen và màu trắng . Ông cũng cho rằng 3 màu đỏ , lục , lam - tím của cầu vồng là 3 màu duy nhất các hoạ sĩ không thể nào pha được . Ông coi đó là 3 màu cao quý mà từ đó có thể tạo ra tất cả các màu khác . Nhưng sau này Leonardo da Vinci laij cho rằng đỏ , vàng , lục , lam , đen và trắng là 6 màu thứ cấp . Mặc cho những tranh cãi nảy lửa nhưng Ông đã cho ra đời bức tranh Nàng Mona Lisa bất hủ
    Ngoài những điều mà Salam đã nêu ở các comemnt trên , còn có điều nữa để làm một bức hoạ cất lên tiếng nói , đó là ánh sáng . Người hoạ sĩ giỏi là người làm chủ được ánh sáng . Phải biết được các màu sắc hấp thụ ánh sáng của nhau như thế nào . Phải nắm rõ tới sự cảm nhận ánh sáng về mặt sinh lý học của con người . Con người cảm nhận màu sắc bằng ghi nhận sóng ánh sáng qua 3 loại tế bào thụ quan ( Receptors ) trên võng mạc gọi là Conecells . Khi ta nhìn kỹ và lâu vào những màu khác nhau để gần nhau , ta sẽ thấy được xuất hiện một màu đối lập ( Hay màu bù ) . Ảo giác này gọi là hiện tượng dư ảnh ( Afterimage ) ..Điều quan trọng ở đây mắt người rất nhạy cảm với những màu đỏ , vàng , lục , lam , đen và trắng
    Màu sắc của bức tranh tạo được bởi cảm giác của con người , vì thế cách dùng tương phản , gây ảo giác trong bố cục kết hợp ánh sáng của hoạ sĩ cũng tạo ra cá thay đổi trong việc cảm nhận màu sắc từ phía người xem . Màu trắng trong tranh của Rembrandt trông rực rỡ và lung linh hơn vì được vẽ bằng Impasto ( đặc và dày ) tương phản trên nền tối và mỏng . Từ thời phục hưng , Baroque các hoạ sĩ đã biết đặt một màu trên nền tối và mỏng có màu bù khiến nó càng trông nổi bạt hơn . Ví dụ như bức ảnh đôi giày của Van Gogh trong nhà Lão cũng vậy , hoạ sĩ đã đặt đôi giày theo phong cách trên , nên khi ta nhìn vào bức tranh sẽ thấy nổi bật và điều quan trọng là bức tranh rất có chiều sâu chư không nông cạn như những hoạ sĩ theo những trường phái khác
    P / s. : Từ. Red Herring Fallacy là cụm từ có ý nghĩa : Nguỵ biện cá trích đỏ , hay là tranh luận lạc hướng . Salam phải giải thích như vậy là sợ trong nhà có người không hiểu tiếng Anh .. Ẻm xo ri

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu cuối cùng, Salam nói các trường phái khác với trường phái cổ điển, tranh vẽ "nông cạn" là sai rồi!

      Xóa
    2. Lan man sao rồi tôi vớ bác Bu cũng về lại chuyện ngôn ngữ, từ ngữ, hì hì! Từ "ton" tiếng Pháp có nhiều nghĩa, mà nghĩa đầu tiên là "giọng" (nói), ta hay nghe nói "giọng nam cao" (ton tenor) chẳng hạn, và một trong những nghĩa kế tiếp là "sắc điệu, màu sắc". Bình thường người ta nói "ton sur ton" đối với việc ăn mặc của một người, cụ thể như bác Bu nói bên trên (quần xanh dương đậm, áo xanh dương nhạt). lâu dần ta quen hiểu khi nói thế là ám chỉ ăn mặc cùng một "gam" màu sắc độ đậm nhạt khác nhau, chứ thực ra "nghĩa gốc" của nó là "sự hòa hợp trong màu sắc", chứ không "chỏi" nhau như quần xanh áo vàng.
      Nếu chỉ dịch "ton sur ton" là "màu trên màu" thì không nói lên được ý chính là "màu sắc hòa hợp".

      Xóa
  23. "Thế là Salam kéo được cả nhà đi xa chủ đề bài viết của Lão"
    NT thuộc diện "mù màu" nên có chạy theo anh Salam chỉ là để xem đến khi nào thì Om chấp nhận cho anh Salam lên "sàng" thôi. Nghe chừng đang phải mỏi chân đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hehe...
      Lên " Sàng " rồi lọt xuống " Nia"
      Chẳng hiểu rồi sẽ chuyện kia thế nào ?
      * Chuyện " Mộng " ấy nha , đừng nghĩ khác , cám ơn.

      Xóa
  24. Tôi đã đi xem tranh nửa thế kỷ nay, từ hồi còn là học sinh. Trước năm 1975 hay xem triển lãm tranh ở TT Văn hóa Pháp-Saigon, sau thì ở các phòng tranh tư nhân. Tôi không rành mấy về hội họa, nên chỉ xem theo cảm tính, tôi thích những bức tranh như của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thấy mọi người bình về hội họa sôi nổi, góp vui một câu chuyện cũng về hội họa:

    Có một bà sồn sồn đỏm dáng, một hôm không biết sao bước vào một phòng triển lãm tranh chân dung được họa sĩ vẽ theo kiểu lập thể. Đi một vòng, đến bức tranh nào bà ta cũng lắc đầu. Cuối cùng trước khi ra về bà ta đến gặp người phụ trách phòng tranh nói: "Này ông, cái tay họa sĩ này chẳng có mắt mũi gì cả, vẽ vậy mà cũng triển lãm. Trong tất cả những bức tranh chân dung ở đây tôi thấy chỉ có một bức ở gần cửa ra vào, nói thật, cũng chẳng đẹp đẽ gì hơn những bức khác, nhưng cũng còn đỡ hơn một chút..." Người phụ trách phòng tranh đỡ lời: "Vâng, vâng, nhưng đấy không phải là bức tranh, đấy là tấm kính..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. .... Người phụ trách phòng tranh đỡ lời: "Vâng, vâng, nhưng đấy không phải là bức tranh, đấy là Bác Hiệp qua ngồi núp sau tấm kính đọc sách vì ở nhà vợ không cho đọc ạ!".( Khổ , có mài sách ra mà ăn được đâu , tối ngày sách và sách ! hehe).
      Không riêng gì bà sồn sồn đâu bá Hiệp ạ. Lão đây có coi cũng lắc đầu như bà ấy thui. Ai đời vẽ khuôn mặt mà mắt mũi mọc bên tai thế kia . xoay tranh cỡ nào cũng thấy không...coi được!
      Chúc bác vui.

      Xóa
    2. 1- Cứ đụng đến ngôn ngữ là có chuyện để mà nói lai rai cho vui. Bu lưu trử một số sách âm nhac trong đó có quyển chép tay (từ hồi chiến tranh) tựa đề HÒA ÂM THỰC HÀNH của nhạc sĩ Lê Yên. Có chỗ ông Yên đặt câu hỏi “Gam và ắc co khác nhau thế nào”. Quyển Lý thuyết âm nhạc cơ bản của V.A.VA-KHRA-MÊ-ÉP (Nga) do Vũ Tự Lân dịch cũng dùng từ gam. Sách dạy Guitar của Tạ Tấn …cũng viết vậy. Bu nghĩ các ông này đã Việt hóa một từ tiếng Tây vốn là gamme thành ra gam. (mà thực ra viết vậy thôi chứ Tây nó cũng nói gam)
      Rồi majeur các ông kêu là trưởng, mineur kêu là thứ . Có lẽ kêu gam, trưởng, thứ, dễ dàng cho người không rành tiếng Tây hơn.
      2- Gamme được định nghĩa là “thang âm”. Vậy thì chữ giai 階 trong âm giai 音階 là bậc cấp là thang, vậy âm giai chính là thang âm vậy. Bu tui hưởng ứng từ âm giai của PNH vì cách đây 3 hôm cô con gái bu đang tập Piano đột ngột hỏi : Ba ơi gam và âm giai có khác chi nhau không. May mà ba bu trả lời được, hihi.

      Xóa
    3. Thế là từ hội họa tôi với bác Bu lại qua chuyện chữ nghĩa. "Gam" nói theo tiếng Việt là phiên âm từ tiếng Tây "gamme", nghĩa của nó là "âm giai", như bác Bu nói nghĩa là "thang âm". Còn từ "ắc co" cũng là từ tiếng Tây "Accord", từ này cũng có nhiều nghĩa, một trong những nghĩa đó là "sự hòa hợp" (trong âm nhạc ta có thể hiểu là "hòa âm").

      Xóa
  25. Vào thế kỷ 14 tất cả các hoạ sĩ Ý đều vẽ bằng màu gốc nước tranh trên gỗ hayCanvas được vẽ chủ yếu bằng Tempera , tức bột màu dùng lòng đỏ trứng gà làm chất kết dính . Người khởi xướng cách vẽ này là Cimabue ( 1240 - 1302 ) .Nhưng các hoạ sĩ dần dần nhận thấy các nhược điểm của Tempera như đường nét thường sắc và cứng , mỗi khi chuyển khối lại phải dùng đầu bút nhọn để gạch . Họ muốn một kỹ thuật và chất liệu mới , cho phép hoà màu dễ hơn , đường nét mềm mại sống động hơn và màu sắc lung linh rực rỡ hơn
    Ở thành phố Bruges tại Flanders có một hoạ sĩ lừng danh tên là Johamn ( tức Jan van Eyck ) phát hiện ra rằng dầu lanh và dầu hạt quả óc chó khô nhanh hơn tats cả các loại dầu khác . Sau khi trộn hai thứ dàu này với một vài thứ khác và đun nóng hợp chất Van Eyck đã thu được thứ Varnish mà tats cả các hoạ sĩ trên thế giới đều mong mỏi . Điều kinh ngạc là chất này kết hợp rất tốt với Tempera
    Yêu cầu của thời phục hưng rất cao , phải vẽ kỹ không chỗ nào được bỏ dở nền Canvas không được lộ ra , da thịt phải giống như thật , không được thấy vệt bút . Để vẽ những bức tranh như vậy hoạ sĩ phải mất hàng tháng ay hàng năm . Phải có kỹ thuật caomowis có thể chuyển được ý tưởng thành hiện thực một cách trong sáng và thuyết phục nhất . Cảm xúc bộc phát tức thời , thoát ra ngoài sự kiểm soát của lý trí khó có đất sống với lối vẽ hàn lâm này . Hãy nghe một hoạ sĩ theo trường phái Hội hoạ siêu thực Saleador dali' ( Các danh hoạ thời Phục hưng đã đạt tới giới hạn vĩnh hằng không thể chối cãi về sự siêu phàm trong nghệ thuật . Nếu bạn là một trong số người tin rằng hội hoạ hiện đại đã vượt trên Vermeer và Raphael , thì hãy đi thẳng vào sự ngu si cực lạc của bạn - kể từ khi chủ nghĩa Ấn tượng ra đời đến nay , nghệ thật hội hoạ đã suy tàn thật ấn tượng - 1942 )
    Bức bối vì những khuôn mẫu gò bó , nên Claude Monet , Pierre - Auguste Renoir ... Sáng lập ra trường phái ấn tượng . Họ muốn thoát ra khỏi các phòng vẽ tối tăm để hoà cùng thiên nhiên ngoài trời . Hoạ sĩ Ấn tượng nhìn và thể hiện tự nhiên có sao nói vậy , tức là toàn bộ sự rung rinh của màu sắc , không cần hình hoạ ánh sáng dẫn khối , luật viễn cận , hay sáng tối . Các hoạ sĩ Ấn tượng đã bỏ qua toàn bộ kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển . Họ đã bỏ hẳn màu sắc quang phổ học bằng láng màu . Chỉ còn dùng các hoà sắc pha trộn trên Palette , thậm chí còn trộn thẳng trên Canvas trong quá trình vẽ . Các hoạ sĩ Ấn tượng sau này như Georges Seurat , Paul Signac còn phát minh ra lối vẽ chấm màu nguyên cạnh nhau với hy vọng tạo hiệu ứng cộng màu quang học
    Việc pha trắng chì vào tất cả các màu để làm sáng hoà sắc chung của bức tranh đã khiến các màu của các hoạ sĩ Ấn tượng đều đục như màu bột
    Vì vậy việc bỏ qua các màu trong kỹ thuật sơn dầu cổ điển , đã khiến hoà sắc trên tranh của các hoạ sĩ ấn tượng thiếu độ sâu thẳm trong suôt và huyền bí gần như siêu phàm trong các bức hoạ cổ . Nhiều sắc độ tối và bóng đổ trong tranh của các hoạ sĩ Ấn tượng bị bẩn vì được vẽ bằng hoà sắc trộn từ các màu bù nhau trên Palette ..
    Nhưng trào lưu Ấn tượng mới là mở màn cho mạt kỳ của hội hoạ ... ( còn nữa )
    P / s : QT đâu rồi , đừng thập thò như vậy chứ , vào làm bài thơ về hội hoạ đê .. Hè hè hè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thân gửi Salam! Những điều lão viện dẫn về hội họa ở trên đối với mình mới mẻ thật. Nhưng với cái đầu của một kẻ làm thơ lơ tơ mơ này thì thấy có vẻ hơi triết lý. Mà lý luận lão đưa ra chủ yếu nhấn mạnh nhiều về lịch sử, trường phái, màu sắc, chất liệu trong tranh chứ ít nói về kỹ thuật, mỹ thuật nên chưa ngấm sâu vào mình để làm được thơ về hội họa. Hi hii...
      Mà điều này chắc cũng khó cho Salam đồng mộng với OM rồi. Vì mình đoán rằng OM biết nhiều hoặc khác quan điểm hơn những điều lão đã nói. Chỉ có điều nàng tranh luận hay không mà thôi. Bởi vì OM là cháu ngoại của họa sĩ Tạ Thúc Bình, cha của nàng trước đây từng là họa sỹ của nhà XB Kim Đồng - Người đã vẽ nhiều tranh minh họa, trong đó có tranh minh họa cho Tập sách ĐỘI THIẾU NIÊN DU KÍCH ĐÌNH BẢNG của nhà thơ Xuân Sách. Song không phải OM dựa vào bóng của cha ông, mà nàng đang là một họa sỹ thành danh của Nhà XB Giáo dục. Salam khớp không, có dám tấn công nàng hay để chỉ mình QT viết thơ tình làm rối loạn tiền đình người đẹp. Hi hii...
      Soi và đùa chút vui, đừng giận nhé Salam thân mến!...

      Xóa
  26. Nhà thơ Quang Thứ dùng mấy bài thơ tình lả lướt như gió mùa thu thì chỉ tổ ru trái tim Om ngủ yên, không động cựa. Anh Salam với kiến thức hội họa uyên thâm, bước từng bước vững vàng, chắc chắn tiến lên công phá trái tim người đẹp. Om mà không bị đốn ngã mới là lạ.

    Trả lờiXóa
  27. Thực chất các trường phái sau này vẫn làm một việc mô phỏng thiên nhiên như các bậc tiền bối , nhưng tuyệt vọng hơn , bởi vì họ đã bỏ qua tất cả như hình hoạ , chiếu sáng , diễn khối. , luât viễn cận hay sáng tối . Họ đã thay tất cả các thành phần nền tảng này bằng ảo giác do ánh sáng gây nên khi phản xạ từ vật , mà họ cố mô phỏng bằng các vệt sơn Alla pirima trên Canvas . Ngay bản thân Monet cũng từng nói. ". Môiix ngày tôi lại phát hiện ra những thứ mà tôi không nhìn thays từ hôm trước . Rốt cuộc tôi đang cố làm một đièu bất khả " vì trước đó một thế kỷ Johannes Vermeer đã thể hiện hiệu ứng ma quái của ánh sáng rất tài tình trong bức tranh ( Phong cảnh Delft 1660 - 1661 )
    Danh hoạ Hậu ấn tượng Vincent van Gogh ( 1853 - 1890 ) thậm chí còn loại bỏ Thần sa vì đắt tiền , và chỉ dùng Hồng yên chi làm phẩm nhuộm. ( Lake ) bỏ qua lời cảnh báo của nhà hoá học Sir Arthur Herbert Church ( 1834 - 1915 ) " Dù màu chế từ vỏ cây Rệp son có đẹp đến đáu chăng nữa , không màu nào được xuất hiện trên Palette của hoạ sĩ . Hoạ sĩ nào coi trọng và hy vọng vào sự bền vững của tranh mình vẽ thì đừng bao giờ nên dùng chúng "
    Van Gogh cũng dùng nhiều chất tăng tốc độ khô chứa muối chì . Màu hồng yên trong bức ( Chân dung một phụ nữ ) vẽ năm 1885 đã chuyển sang màu Lục chỉ sau 44 năm . Màu hồng sáng trên bức tĩnh vật ( Hoa diên vĩ ) vẽ năm 1890 sau một thế kỷ đã chuyển sang màu Be . Van Gogh cũng thay màu Vàng Naples và Vàng Cadmium bằng vàng chì chromate , vàng này khi pha với trắng kẽm , gặp ánh sáng mặt trời trở thành màu nâu như bức hoạ ( Hoa hướng dương ) vẽ năm 1883
    Thời kỳ mà nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng vốn là biểu hiện cho chân lý nay đã mai một . Nghệ sĩ ngày nay phải tự biện minh, phải đương đàu với các nhà phê bình nghệ thuật về cách diễn giải . Rất nhiều trào lưu sinh ra nhưng chỉ là sự thay đổi , mà dường như không có tiến triển . Từ những ý tưởng cao cả Flemish , Phục Hưng , Baroque , nghệ thuật đã đạt tới mức đỉnh cao mà các trường phái sau này khó vươn tới
    (. Vì sao hai màu đặt cạnh nhau lại ngân lên thành tiếng hát ? Liệu có thể thực sự giải thích điều đó ? Không thể . Cũng như người ta không bao giờ có thể học được phải vẽ như thế nào -- Pablo Picasso )

    Trả lờiXóa
  28. Hì hì hì ! Tại vì hai bác Bu và bác Hiệp kéo sự việc đi sa bài viết của Lão Tân , chứ không phải Salam à nha
    Gam là một tập hợp gồm 7 nốt nhạc . Có 2 loại Gam là Gam trưởng và Gam thứ . Gam là nhắc lại khoảng cách giữa các nốt nhạc tính bằng Cung
    Đô - Xi. 1/2 cung
    Xi - La. 1 cung
    La - Son 1 cung
    Son - Fa 1 cung
    Fa - Mi 1/2 cung
    Mi - Rê 1. Cung
    Rê - Đô 1. Cung
    Một bản nhạc kết thúc bằng nốt nào thì đó chính là nốt gốc của Gam bài đó . Người ta gọi là quãng âm , hợp âm chứ không gọi là thang âm mô . Bác hiệp nói giai âm cũng đúng rồi là do cách diễn giải lâu dần mặc nhiên được mọi người nhìn nhận

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây bác Salam phải nhìn ra vấn đề này, là nhân chuyện bàn về mấy từ ngữ khi nói về hội họa (như "ton sur ton", "gam màu") mà tôi nghĩ tôi với bác Bu chỉ "mượn diễn đàn" trao đổi với nhau về chuyện chữ nghĩa thôi, chứ không hề muốn "kéo sự việc đi xa hơn bài viết của Lão Tân".

      Còn về từ "gam", thì đây là một từ vay mượn có gốc từ tiếng Pháp "Gamme" (Từ điển từ vay mượn trong Tiếng Việt hiện đại, TS. Trần Thanh Ái, NXB ĐHQG TP. HCM-2009), trong tiếng Việt có nghĩa là: 1/ Sắc màu. 2/ Âm giai.

      Chuyển vào âm nhạc thì "gam" có nghĩa: Thang âm bảy bậc tự nhiên trong một quãng 8, (Từ đển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên), chứ không phải là một "tập hợp gồm 7 nốt nhạc".

      Nhưng nói đến điều này thì đúng là đi quá xa ở nhà lão tân rồi, tôi xin dừng vậy. :)

      Xóa
  29. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hưởng ứng ý kiến PNH
      1- Gam là một chuỗi nốt nhạc liên tiếp trong đó nốt đầu và nốt cuối các nhau một quảng 8. Trong âm nhạc lấy gam đô trưởng làm chuẩn, cho mọi gam trưởng, lấy gam la thứ làm chuẩn cho mọi gam thứ.
      Dẫn chứng đô trưởng
      Đô re mi fa son la xi đo
      1 2 3 4 5 6 7 8
      1&2 cách nhau 1cung
      2&3 ------------------
      3&4 cách nhau ½ cung
      4&5 cách nhau 1cung
      5&6 cách nhau 1 cung
      6&7 ---------------------
      7&8 cách nhau ½ cung
      Mọi gam trong âm nhạc tuân thủ quy luật trên đều là gam trưởng
      Dẫn chứng la thứ,
      La xi đo rê mi fa son la
      1 2 3 4 5 6 7 8
      1&2 cách nhau 1 cung
      2&3 cách nhau ½ cung
      3&4 cách nhau 1 cung
      4&5 ---------------------
      5&6 cách nhau ½ cung
      6&7 cách nhau 1 cung
      7&8 cách nhau 1 cung
      Mọi gam trong âm nhạc tuân thủ quy luật trên đều là gam thứ
      2- Để cho phù hợp quy luật nói trên người dùng thăng # (đi e) và giáng b (bê môn) để điều chỉnh.

      Xóa
  30. Đã quá xa chủ đề của chủ nhà rồi
    Bu tui chỉ xin nói ngắn thêm:

    1- Từ điển tiếng Pháp ghi: Gamme = thang âm
    Âm Hán Việt: Âm giai = 音 階
    Trong đó giai 階 là bậc , là thang.
    Nghĩa rằng : Âm giai là thang âm, là Gamme.
    2- Điều đang nói không liên quan gì đến quảng.
    Quảng là khái niệm cực khó không thể nói ở đây được
    3- Bản nhạc thường được kết thúc bằng chủ âm. Chẳng hạn bài Hoa thơm bướm lượn khi viết bằng gam đô trưởng thì chủ âm là đô. Kết thúc bài hát này không chỉ một nốt đô mà đến 4 nốt đô “i - a - nó - bay” để khẳng định cái nội dung bướm lượn rồi bướm nó bay là chân lý. Kết này gọi là kết trọn
    4- Nhưng không phải mọi bản nhạc đều kết thúc bằng chủ âm. Chẳng hạn bài Ca ngợi lãnh tụ HCM nếu viết bằng gam đô trưởng thì kết ở nốt xi là cảm âm của gam này. Xi - đô cách nhau ½ cung. Đặc tính của cảm âm là gợi cho người hát có xu hướng chuyển đến cảm âm, tức là hát rồi lại muốn hát thêm nữa để ca ngợi lãnh tụ. Kết bằng cảm âm gọi là kết lửng.
    5- Nội dung này quá lớn và quá khó không thể kéo dài ra mãi ở nhà Lão tan_ 262 được.

    Trả lờiXóa
  31. Hì hì hì. ! Tính àm luận tiếp nhưng hai Bác ngừng thì thôi vậy . Việc kéo xa chủ đề bài biết thì là sỏ trường của Salam , ví dụ như bên nhà bác Hiệp từ Tứ Trấn , tứ chiếng Salam kéo sang tứ tủ trình làng ... Thế mới vui hè hè hè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Tôi biết điều này chứ, đây là "sở trường" của bác Salam, nhưng cũng có thể nói là một "tật nho nhỏ" làm nên "thương hiệu Salam" (tôi nói với sự quý mến bạn bè). Người ta nói "Giang sơn dễ bỏ, nhưng những tật nho nhỏ nơi con người khó dời", ở tôi cũng thế thôi. Có điều có thể ta nói chuyện không đúng chủ đề, nhưng phải trúng... vấn đề, bác Salam đôi khi nói chuyện... không trúng vấn đề gì hết nên cũng khó nói quá, vả lại đây là nhà của Lão Tân chứ không phải là nhà mình, nên tôi không dám... nhiễu sự, hí hí!

      Xóa
    2. Thân gửi Salam.
      Thực sự lão rất cảm kích trước sự nhiệt tình cho những lời còm của Salam. Tính cách người Nghệ rất rõ ràng là không ngại khó , luôn tìm tòi và chơi hết mình vì bạn bè.
      Các lời còm trên đây tuy không mới mẻ về lịch sử hình thành và phát triển của mỹ thuật thế giới , nhưng đã đi sâu một số chi tiết làm người đọc thích thú, hiểu thêm về hội họa và chất liệu của các họa sĩ ngày xưa.
      Nhưng - ( Rất tiếc phải dùng chữ nhưng) trong khuôn khổ blog nếu nói về Lịch sử mỹ thuật thế giới thì e không đủ trang để nêu ý kiến - cho dù sơ lược nhất. Lĩnh vực mỹ thuật hội họa vốn trải dài từ khi loài người xuất hiện qua nhiều thời kỳ , nhiều chủ nghĩa , nhiều trường phái, nhiều đánh giá...nói không hết . Trường Đại học mỹ thuật ( Hànoi - và TP. Hồ chí Minh )có khoa riêng về cái này - (Gọi là Khoa Lý luận - lịch sử mĩ thuật, trong hơn chục khoa của trường.) Một số kiến thức cơ bản về lịch sử hội họa như Salam nói ở trên thì cũng có trong giáo trình môn học" Lịch sử mỹ thuật thế giời" năm nhất học cơ bản chung cho tất cả các phân khoa của trường.
      Đó là chưa nói đến lượng thông tin khổng lồ khi Search về mỹ thuật hội họa trên mạng .Nhiều và nhiều lắm.
      Đem ý kiến ra là để tranh luận , vừa chia sẻ vừa học hỏi lẫn nhau. Người mà Salam muốn tranh luận lại là OM. Và OM đã có trả lời bằng câu còm rất ...OM rằng : ..."Truyện Kiều rất hay , nhưng nếu bảo OM đọc lại , OM không đọc nữa" . Có nghĩa là những điều này có thể mới với người này nhưng với OM thì đã có trong giáo trình môn học ngày xưa rồi, không muốn cày xới nữa.
      Lão rất tiếc vì sự đàm luận đi theo hướng nói về lich sử mỹ thuật thế giới, mà có đàm luận hay tranh luận thì...chắc cũng phải trải qua mấy đời người chưa xong Tranh luận hay đàm luận về lịch sử muôn đời vẫn chưa có hồi kết . Thậm chí gây xung đột. Những bạn đọc vẫn còn say mê về lịch sử mỹ thuật có thể trao đổi trực tiếp với Salam thì hay hơn.
      SaLam muốn biết chút ít về OM , có thể vào google -seach với nội dung : Gia đình có 23 họa sĩ ở Việ nam - trong 23 họa sĩ của gia đình này , có 13 họa sĩ làm công tác giảng dạy mỹ thuật và có Họa sĩ tên tuổi gắn liền với tuổi thơ chúng ta qua hình vẽ minh họa sách Kim đồng có thể Salam biết.
      Hoặc theo đường dẫn sau đây để đọc bài về gia đình OM - ( OM là thế hệ thứ 3 trong gia đình 23 họa sĩ )
      http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dai-gia-dinh-23-hoa-si-cung-lam-my-thuat-n20150302080813599.htm

      Thân mến ông bạn Salam : Đọc xong mà thấy...chộn rộn trong người thì ngay lập tức sáng mai đi đặt lấy...30 cái thiệp cưới ( 15 cái gửi biếu lão Trương , 15 cái Salam dùng tốc độ, đua trong 3 tuần cho vợ chóng mặt rồi ta đi gặp . Lão xin ca cùng 2 người , khúc hát " Tiến về Sài gòn , ta tiến về nhà...OM" !

      Xóa
    3. Kính gửi hai bác ( Bác Hiệp và bác Bu )
      Không ngờ chủ đề về ton sur ton của riêng lão lại bật ra cái TON SUR TON to đùng của 2 bác! hehe , Thật là vui và bất ngờ phải không ạ. Chữ nghĩa , âm nhạc níu kéo các bác thành Ton sur ton đã đành , còn lộ ra một thứ ton sur ton của hai bác rất đáng ...ngưỡng mộ nữa ạ , đó là : Cùng ton sur ton trốn vào sách , trốn vào chữ nghĩa khi chẳng mần ăn gì được với vợ nữa! hehe.
      Phải nói là từ những cái xa đề mới thấy cái rộng lớn trong hai bác . Những phân tích rất thú vị của 2 bác ngoài sự hiểu biết của người viết nên rất trân trọng lưu lại đây , những ngày mưa gió không có gì ăn thì lôi ra đọc cho quên....đói !
      Dù mới biết bác Hiệp , nhưng khi nghe bác góp ý về TONE và TON lão tiếp thu và sửa ngay như kẻ đuối nước vớ được cọc. Anh Ba trong bài viết , sinh năm 1947 tại Sa đéc , học mỹ thuật trước giải phóng nên chịu ảnh hưởng tiếng Pháp nhiều .
      Hy vọng một lúc nào đó , lại được nghe về chủ đề âm nhạc ngắt quãng tại đây. Lão có biết chơi mấy bản Bolero trên ghi ta những ngày đơn thân buồn nhớ nhà. Nhưng về nhạc thì tịt mít. Chơi nhac như lão là mày mò , gửi nỗi nhớ xa quê vào tâm tư bài hát....
      Cuối cùng , xin ghi nhận sự đóng góp những còm ..." Hàng Việt nam chất lượng cao " của bác Bu và Bác Hiệp. Chúng ta hen nhau trong chủ đề bài mới. Vẫn mong các bác nhiệt huyết như bài này.
      Trân trọng.

      Xóa
    4. Kính gởi bác Tân,

      Thật ra trước khi còm về chữ TONE tôi cũng đã đắn đo suy nghĩ, bởi dễ bị mang tiếng "thày đời", nếu trước đó chưa biết bác và bác chưa qua nhà (xin hoan nghênh là bác đã qua nhà trước, tính tôi khá e dè trong giao tiếp, dù trên mạng), thì dù đã gặp (thấy bác) bên nhả bác Bu, tôi cũng không dám đường đột. Sinh tại miền Bắc, nhưng sống quá nửa đời người ở miền Nam, cho nên đôi khi tôi cũng bị "lây" cái "nói thẳng" chứ không quanh co của dân Nam bộ, điều này tôi biết nếu không thân dễ mất lòng.

      Nhân đây nói về sách, thì tôi đã mua và đọc sách từ những ngày còn mài đũng quần nơi trường trung học, cho đến giờ đã nửa thế kỷ. Bây giờ đã về già quả có như bác nói, đôi khi mình đọc sách để... trốn vợ, và trốn luôn cả cuộc đời quá nhiễu nhương này. Nhưng những gì trong sách (hoặc đọc trên mạng), đó là kiến thức, nó cũng tựa như ổ bánh mì, tô phở, trái cam... Cái quan trọng khi đọc (cả trong sách và trên mạng), là những kiến thức sách vở ấy phải biến thành tri thức của bản thân (tri thức chứ không phải trí thức), cũng như ổ bánh mì, tô phở, trái cam... sau khi ta ăn sẽ được tiêu hóa biến thành dưỡng chất nuôi sống cơ thể mình. Đáng sợ nhất là đọc mà không tiêu hóa (cũng như khi ăn mà không tiêu hóa nổi). Những kẻ cực đoan chẳng hạn, đâm đầu theo những "isme" (chủ nghĩa), mà không tiêu hóa nổi những isme ấy, đã biến thành những kẻ khủng bố, hay độc tài làm khổ con người.

      Đã biết và quen, xin tái ngộ.

      Xóa
    5. Rất vui vì một người hiểu lẽ đời như bác mà lão đây còn thiếu rất nhiều. Hồi trước , lão chỉ thấy xóm nhà lá blog này ,có bác Bu là kiến thức uyên thâm và chia sẻ rất hay , rất chí tình .Nay có thêm bác thì càng vui lên gấp bội.
      Blog lão đây , rất tự tin vì luôn chưng hàng thật. Những câu chuyện trong này là mảng ghép cuộc đời không mấy suôn sẻ , lắm chông gai , gập ghềnh thác đèo của lão. Ngoài kia , những xóm khác nói là tranh luận nhưng thực ra như bác nói , họ không chịu tiêu hóa thành tri thức mà nhai lại những gì có sẵn đầy rẫy trên mạng với nào là chính trị , nào là chính kiến , nào là....vô vàn, đọc mà thêm mệt.
      Lão chỉ là người bình thường trong ngôi nhà lá , hồi tưởng những gì thích nhớ và cao hứng thì nói chút chuyện đời , chuyện văn chương. Có điều là chuyện chữ nghĩa bây giờ lão đọc không vào. Ngày xưa những cuốn sách nói về ngôn ngữ của các tác giả tên tuổi như Hoàng Phê , Hoàng văn Hành , Đào Thản...( Mấy vị này thuộc viện ngôn ngữ) thì không bao giờ bỏ sót.
      Lão không muốn dính đến sự ồn ào ăn thua như xóm khác làm vỡ sự tĩnh lặng blog. Blog lão tuyệt nhiên chưa có bài nào dính dáng đến các vấn đề về chính trị. Lão cũng như bác , học xong ở Bắc thì vào Nam bộ và nhiễm tính cách chân chất nói thẳng, không thích về lĩnh vực chính trị , chính trường... của người Nam bộ bác ạ. 3 năm nữa lão kỷ niệm 40 năm sống ở miền đất này....

      Xóa
    6. Qua bài viết của bác Tân ở đây, tôi cũng nhìn ra được vài điều, muốn nhân đây nói rõ hơn:

      - Chẳng hạn như khi tôi lưu ý bác Salam là "không trúng vấn đề", bởi bác Salam thường viết lan man, tản mạn quá, làm "loãng" đi điều mình muốn diễn tả. Khi bác Salam tranh luận với OM, nói ở bảo tàng trưng bày tranh chép. Điều này thì có, tôi đọc thấy trong những viện bảo tàng nổi tiếng phương Tây, vì giá những bức tranh nổi tiếng quá đắt, nên có khi người ta không mua nổi, hoặc không dám trưng bày vì sợ bị mất cắp hoặc có kẻ phá hỏng (điều này đã xảy ra), nên đành phải trưng bày tranh chép, điều này là có, nhưng khi viết nên lưu ý rõ lý do, cũng cần viết rõ là chỉ đối với một số tranh nổi tiếng, đắt tiền,không phải là với tất cả tranh.

      - Một điều khác nữa, khi bác Salam nói có những bức tranh có "chiều sâu' và có những bức tranh "nông cạn', tôi hiểu là bác Salam muốn diễn tả "chiều sâu" và "nông cạn" ở đây là do kỹ thuật (kỹ thuật về màu, kỹ thuật về vẽ...), mà một bức tranh của trường phái này tạo nên hiệu ứng về cái nhìn (chiều sâu mà bây giờ gọi là 3D) khác với trường phái kia, chứ không phải muốn nói tranh của trường phái này có chiều sâu, hay tranh của trường phái kia nông cạn.

      Bạn OM có lẽ không nhìn ra những điều này nên đã phản bác bác Salam, dĩ nhiên với một cái nhìn khác ý của bác Salam,

      Tôi đơn cử 2 điều này với tất cả chân tình để hy vọng chúng ta sẽ hiểu nhau hơn. Dĩ nhiên là mấy vấn đề trên chỉ là do cách diễn đạt, chứ tôi vẫn trân trọng tất cả cá tính của các bạn.

      Tình thân.

      Xóa
    7. Giờ này rảnh rồi , ta lại làm sàm cho vui nhé Bác Hiệp. (nhà tui, tui làm gì chả được! hehe).
      * Chuyện hội họa trong bài viết mang tính chuyển tải câu chuyện đời mà màu sắc và hồn cốt bức tranh "Đôi giày" ám ảnh lão đây nhiều năm , và cũng từ câu chuyện đời thật đó , nó đi vào lòng người đọc cái tor sur ton mà nhiều người trong blog mới nghe cụm từ này lần đầu. Lão chỉ viết theo lối nhật ký , tự sự .
      Nhưng ông bạn Salam thì say sưa với lạc đề xưa nay thành mãn tính. Bắt đầu từ blog N.Thành chuyện hội họa đã hâm nóng Salam với OM rồi. Và kéo sang đây ...thổ lộ luôn. Lão dùng từ thổ lộ là vì Salam đang muốn khuất phục người đẹp bằng hiểu biết hội họa của mình. Thấy bạn mình đi quá xa , không rõ hướng , có thể ..." Oọc- giơ" và kéo theo những người khác cũng " Oọc giơ " luôn trong ...loạn đề nên ta dừng lại.
      Dừng lại để Salam có thời gian tìm hiểu thêm người mình thích chinh phục . ( Trong blog chúng ta nói thích hay yêu là trong phạm vy văn chương, thơ phú - còn đá vào tình cảm chỉ là cho vui thôi ) . Lão có cóp đường dẫn bài viết trên bào TTVH về gia đình OM cho Salam đọc không phải là hù mà để Salam hiểu và biết thêm về đối tượng mình chinh phục.
      * Blog Om là một trong những blog đáng đọc , lúc nào rảnh bác cứ sang OM chơi. Miển là ...coi xong thì về đừng ở lại nhá bác.
      Chim nhà dù chết lâm sàng
      Bay qua hàng xóm vẫn rộn ràng như xưa.
      Hy vọng thế nhé bác.

      Xóa
  32. Lão chủ nhà cũng thật là...
    Riêng NT thì thấy anh Salam không những giỏi về hội họa mà còn biết cách đi đúng đường để "lách" vào trái tim người đẹp! Chậm mà chắc! Cho dù có phải trải qua mấy đời người mà "đồng mộng" được với nhau thì cũng chẳng từ nan!
    Thôi anh Salam ơi, dân Nghệ mình "đã thương thì thương cho chắc. Mà có trục trặc thì cũng nỏ can chi", nhất định không để Om rơi vào tay Quang Thứ, nhỉ?
    Đùa thôi, có qua những còm này mới thấy anh Sa lam có vốn hiểu biết phong phú về mọi lĩnh vực. Tự hào dân quê choa quá! Ha ha...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì ra sau lưng Salam còn có người...chống lưng mới mạnh mẽ thế chứ nhỉ. Lão thì thấy núi cao nên ngợp , hy vọng quê choa cũng có kẻ chinh phục được...!

      Xóa
  33. Cảm ơn Lão Tan đã có bài viết hay, Từ chỗ bạn đọc thấu cảm và sẻ chia với hoàn cảnh của Lão và anh Ba mà đã liên tưởng so sánh, hiểu thêm đến TON SUR TON (màu sắc hòa hợp) trong hội họa - cũng như cuộc đời.
    Cảm ơn thêm Lão đã gợi ý cho Salam đặt mua thêm thiệp cưới tặng mình để nhận tiền từ vợ, theo Lão làm tiền vệ "Tiến về Sài Gòn, ta tiến về nhà OM.
    Ta vỗ tay hoan hô Lão Tan, Salam nhé!...Hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái vụ Thiệp cưới nếu không làm được thì vẫn có những chiêu trò khác , vì bác Bu từng nói : - Chiêu trò các ông chồng " Tiêu diệt" phụ nữ thì nhiều lắm. Anh có thể hỏi kinh nghiệm bác Bu.
      Bài này người viết chỉ mong người đọc cảm nhận về văn chương còn hội họa thì chút chút thôi. Cảm ơn lão Trương.

      Xóa
  34. Lần đầu qua thăm nhà Lão, đọc về 2 nhân vật trong bài đã thấy đặc biệt rồi. Đọc tới bao nhiêu cái còm về hội họa thì lạc luôn vào mê cung chữ nghĩa chuyên ngành. rất bổ ích và thú vị! Cảm ơn các bác đã cho Giáo mở rộng tầm mắt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng , chào Giaó. Giaó nói lần đầu là...coi chừng rối loạn triều đình - ý quên - tiền đình rồi. Lần đầu Giaó ghé cách nay hơn nửa năm , bài CÁI ROI NGÀY ẤY. Có điều là sau bài ấy , lão gác ...bàn phím tạm nghỉ hơi dài . Lão mới viết blog lại hơn tháng nay thôi.
      Mong là những bài viết xuề xòa kiểu nửa thư giãn , nửa văn chương thế này làm vui lòng người đẹp - ý quên - người đọc. ( Mẹ kiếp - cứ đứng trước phụ nữ là lão lắp bắp )

      Xóa
  35. PH đã vào đây đọc 1 bài và hơn 80 lời com... Để rồi không biết viết gì, ngẫm nghĩ chút về đời thôi. PH về đây chúc lão và mọi người vui vẻ và đàm đạo thật vui và bổ ích nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sắp hết hè rồi cô giáo nhẩy.
      Hết thời gian tung tẩy ở bên Phây
      Bao giờ về lại nơi đây
      Xóm mình lại rộn vui vầy với nhau ?

      Xóa
  36. LC e thì cùi bắp chuyện vẽ vời màu sắc nên hóng hớt còm để hiểu thêm. Nhất là chị OM nhà nghề.
    Với LC Tông xuyệt Tông :) là sự phối màu sắc áo quần giày nón cùng tông màu
    Đọc bài của lão và còm hiểu thêm nhiều thứ.
    Mà sao thấy cay cay khi nhìn lão và bạn uống rượu. Chắc do LC thèm rượu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Video clip cuối bài viết là minh họa rõ nhất về thời trang ton sur ton mà không cần quần áo , mũ giày dễ thấy nhất , LC ơi .
      Ừa , nói là rượu Tây nhưng chắc đồ giả nên...khó nuốt .

      Xóa
    2. Viết bài gì nữa đi lão ơi. Lúc nào Song Thu cũng chờ đọc bài của lão nè!

      Xóa
    3. Lão đang ở cữ chị ơi!

      Xóa
    4. Ở cữ thật òi . Chẳng có chi trong bụng nữa . Đẻ mệt chắc cũng như viết.

      Xóa
    5. Lão làm một hơi 5 , 6 bài , đẻ hết chữ rồi chị ơi. Không biết phụ nữ thì sao - đàn ông...đẻ mệt lắm! hehe

      Xóa
    6. À quên - lời còm của chi trên kia lão có cóp dường dẫn đến bài CẦN THƠ để chị biết thêm về lão trong rất nhiều thắc mắc của chị về lão. Chi xem cho biết nhé. Kỳ này viết về hội họa , kỳ tới lão viết về văn chương , trong cái nghiệp chướng của lão .Nó nằm trong những trang nhật ký bây giờ hồi tưởng lại.

      Xóa
    7. À quên - lời còm của chi trên kia lão có cóp dường dẫn đến bài CẦN THƠ để chị biết thêm về lão trong rất nhiều thắc mắc của chị về lão. Chi xem cho biết nhé. Kỳ này viết về hội họa , kỳ tới lão viết về văn chương , trong cái nghiệp chướng của lão .Nó nằm trong những trang nhật ký bây giờ hồi tưởng lại.

      Xóa
  37. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  38. Hôm nào Lão dạy em phối màu để vẽ chú ủn ỉn màu hồng mặc áo xanh lá nha. :) :P

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cách đơn giản nhất là em mua một con heo con mới đẻ , đang da trắng hồng , lấy lon sơn Bạch Tuyết pha sẵn màu xanh lá , vẽ lên xung quanh lưng và bụng nó là ra chiếc áo ngộ nghĩnh đấy AT. Hehe

      Xóa
  39. Lâu lắm mới mò sang blog, vào thăm anh vẫn cứ bộ xương sườn giơ ra trình làng vậy sao? Hôm bữa bào đi BD nhưng rồi bệnh đột xuất nên k đi BD được, huhu già cả bệnh hoài chán quá.... chúc anh buổi tối vv, sk và ngủ ngon nhé LT 262

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu lắm mới thấy em ghé chia sẻ với lão. Lão vẫn đạm bạc đơn sơ với mái lá ngôi nhà blog thôi em. Bên Phây lão cũng có nhưng ít khi vào lắm.
      Cơ sở ở Bình dương vẫn 2 vợ chồng làm à?

      Xóa
  40. Theo chân ND sang thăm anh,chúc sức khỏe và chúc đêm an vui anh tan_262 nhé.http://3.bp.blogspot.com/-NrcBwmPFKHo/TexA4oeUQCI/AAAAAAAAAvw/ZHGwcygvdAo/s1600/YellowFaceTwo075.gif

    Trả lờiXóa
  41. Theo chân ND sang thăm anh,chúc sức khỏe và chúc đêm an vui anh tan_262 nhé.http://3.bp.blogspot.com/-NrcBwmPFKHo/TexA4oeUQCI/AAAAAAAAAvw/ZHGwcygvdAo/s1600/YellowFaceTwo075.gif

    Trả lờiXóa
  42. Đọc bài viết, sau đó đọc comment, thấy thú vị dù không hiểu nhiều về hội họa! Vui tươi nhé lão Tan.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. rất lâu mới thấy chị quay về xóm nhà lá đấy nhé. Lão vẫn gặp chi ở bên fb.
      Blog thú nhất được đọc còm , vì đó là kiến thức thập cẩm của nhiều người hơn hẳn ben fb.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))

Lên Trên! Xuống Dưới!