Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

TẢN MẠN HẬU NHÀ KHÔNG CÓ BỐ.
Bài thơ và bài bình ngược NHÀ KHÔNG CÓ BỐ được đăng lên CLB NN  nhận được sự quan tâm chia sẻ của bạn đọc. Để rộng đường cho bạn đọc thích thơ ,tác giả viết tiếp bài này.
 1 - TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM.
 Trong một lần về thăm trại trẻ mồ côi thuộc tỉnh Hà Sơn Bình những năm 90-91, tác giả Nguyện Thị Mai lúc bấy giờ là cô giáo dạy Ngữ Văn Trường CĐ Sư phạm Hà Sơn Bình đã cảm xúc viết bài thơ  NHÀ KHÔNG CÓ BỐ. Hoàn cảnh của các em trại trẻ mồ côi  đã chạm vào trái tim của tác giả . Éo le ở chỗ là hoàn cảnh mồ côi của các cháu cũng chính là hoàn cảnh thực của nhà thơ đã từng trải qua . Chị cũng không có bố từ năm lên 7 tuổi.. Tuổi thơ chị đi qua với bao vất vả để bươn chải  nuôi em , nuôi mình ăn học. Chị thực sư thấu cảm hoàn cảnh  hòa mình vào những mảnh đời mổ côi và bài thơ này ra đời , Nó nhanh chóng được người yêu thơ đón nhận. Tôi còn giữ bài thơ này in báo từ thời đó ( Mình có tật xấu là đọc báo hay sách , thấy bài thơ nào ngắn ưng í, thấy hay là xé ngay trang đó nhét túi , đỡ hao tiền mua  báo) . Cũng từ đây mình mê thơ lục bát của chị. Sau này thơ chị luôn đoạt giải cao trong bình chọn hàng năm của Hội Nhà Văn và chị "sòn sòn " cho ra 7-8 tập thơ liền .Tập nào thơ chị cũng dịu dàng dung dị và đằm thắm đúng thương hiệu Nguyễn Thị Mai. Cùng với giải thưởng , hình chị được đăng báo . Phải nói là tác giả rất xinh , vẽ đẹp thanh thoát và hiền hậu mê mản ngay cái nhìn đầu tiên. Xem hình chị nhiều người ném thơ , đốt thơ thể hiện bỏ thích thơ qua thích...người nhưng không biết có xơ múi được gi không !
  Bài thơ NHÀ KHÔNG CÓ BỐ đoạt giải nhất cuộc thi thơ do Hội nhà văn và UB chăm sóc sức khỏe - trẻ em tổ chức năm 1992 . Như vậy bài thơ này ra đời cách nay tròn 30 năm.
2 - BÀI BÌNH THƠ.
  Do bài thơ hay nên các nhà phê bình văn học chuyên và không chuyên đã bình . Cách nay 8 năm, trên trang mạng blog Spost mình đem bài thơ này bình ngược nhằm chọc ghẹo một nhà văn nữ đơn thân ở xứ Nghệ. Bài đăng và cũng rôm rả nhận được nhiều ý kiến đa chiều..
 Bài bình ngược lướt qua có thể gây phản cảm , thậm chí xúc phạm chị em ta trong hoàn cảnh NHÀ KHÔNG CÓ BỐ.  Bài bình có tông hài hước, mở lối thoát tiêu cực .Nhưng nếu đọc kỹ hơn , chậm lại ta nhận thấy tất cả chỉ là bề mặt con chữ để làm nền cho bài thơ nổi bật hơn. Ngay đầu bài viết , người bình thơ đã có lời cảnh báo là - Bây giờ đọc bài thơ qua cặp kính thấy khác xưa hoàn toàn . Cặp kính là cách nói ẩn dụ về thời gian bài thơ ra đời khi còn chưa đeo kính , giờ đến tuổi phải đeo kính đà mấy mươi năm. Thời gian có thể thay đổi mọi thứ , kể cả,,,tuổi của bạn mà. Như vậy,  "Thơ hay thời ấy - Bình bọt thời nay " là một sự khập khênh không phù hợp. Không thể nào thời khó khăn thiếu thốn trăm bề ngày xưa , đem thời no đủ tiện nghi  4.0 ra để mở lối thoát.  Lời bình có vẻ bất cần, có vẻ ngang tàng nhưng chứa đựng sự thấu cảm phía sau nó. Ví dụ :
                         Bơm xe chẳng hiểu cái jun
                     Rát tay bật lửa đá cùn xăng khô..
  Thời nay xài quẹt gas , đi xe tay ga nêu lên đây là ý làm nền cho nỗi khổ chị em ta hồi đó phải như thế. Hoặc sâu xa hơn một tý:
                         Nước đun sôi để nguội hoài
                     Nhà không có bố biết ai pha trà.
  Bài bình đề cập với vẻ bất cần là nước đun sôi không pha trà thì để nguội vẫn thường dùng đó thôi. Có vẻ tàn nhẫn. Nhưng sâu hơn một tí nó khơi gợi hình ảnh người phụ nữ  nhà không có bố vẫn cần mẫn đun nước sôi theo thói quen cho chồng pha trà dù  chỉ để nguội. Phụ nữ lạ lắm. Họ yêu chồng đến khó hiểu. Nhiều phụ nữ vắng chồng thường lấy áo cũ của chồng đắp lên người  mới ngủ được. Thì ra phụ nữ quen mùi chồng. Nước đun sôi để nguội là do quen mùi chồng...
 Những tiểu tiết này nếu bình thơ thông thường NHÀ KHÔNG CÓ BỐ có thể mần được cả trang. Nhưng đây là bài bình ngược. Nói ngược để ta hiểu sâu thêm cái xuôi, cái ẩn ý là tâm nguyện người viết. Bài thơ còn một ẩn dụ khác như nhắc nhở bạn đọc là nhiều  nhà có bố nhưng cũng như nhà không có bố!?  Bố luôn đánh trần nằm xem tivi hoặc đi thâu đêm với bạn bè mà vai trò hình bóng người bố tan biến trong nhà như nhà không có bố,,,Với lại đây là bài thơ viết về trẻ em  chứ không phải viết phụ nữ vắng chồng. Điều này có thể thấy rõ là sau khi đọc bài bình thơ , nhắm mắt lại thì những gì đọng lại vẫn là hình ảnh NHÀ KHÔNG CÓ BỐ với những chênh vênh trong gia đình chứ không phải là cái vẫy tay dẽo như múa . Còn cảm nhận đến đâu là tùy người đọc.
 Bài bình ngược ngạo này được nhà phê bình văn hoc PGS-TS Ngữ văn - Thành viên ban giám khảo nhiều cuộc thi thơ , văn - nhà văn Vũ Nho thấy hay hay in ra giấy đưa cho tác giả Nguyễn Thị Mai. Xin trích đăng lời bác Vũ Nho : ..."Tôi đã in bài của Duytan Hoang tặng tác giả Nguyễn Thị Mai nhân hội thảo về thơ Nguyễn Thị Mai ngày 26/6/2019 tại Hà Đông. Tôi nói có lẽ đây là bài bình " ngược" duy nhất ở xứ ta mà tôi đọc được! Hay." ( hết trích)- Một người bạn bên quân đội , cũng gửi bài này cho tác giả và anh ấy nhắn tin  : - " Hồi em chuyển bài bình của anh cho chị Mai. Chị ấy đọc xong, vui lắm! Chị ấy bảo, phải là người đọc kỹ, hiểu sâu mới có bài bình phản biện, hay đến như vậy. Hiếm lắm"....
  Bài bình ngược ngạo này đã được tuyển chọn đăng trong Câu lạc bộ văn chương - Thuộc Hội Nhà Văn do nhà thơ Nguyễn Thị Mai làm trưởng ban biên tập .  Người viết cũng chỉ mong có thế là cảm thấy hạnh phúc rồi . Xin viết thêm mấy lời giải bày vì một số bạn đọc yêu thơ lục bát của tác giả cho rằng tôi đã phá nát bài thơ bằng lời bình ngược ngạo. Thân mến.

3- TRANG NGHỆ NGỮ.
Văn thơ cũng như món ăn , có thể người này khen ngon nhưng kẻ khác không ăn nổi. Thậm chí là đặc sản nổi tiếng nhiều người vẫn không nuốt được kia mà. Khen chê ấy là lẽ đương nhiên như món ăn vậy. Nhưng khen chê đều phải có tính thuyết phục. Bài bình thơ này cũng như những bài bình thơ khác , lão Tân đăng lên CLB NN để thăm dò ý bạn đọc. Rất buồn là bài bình này đã đăng thử lửa trên nhiều trang và trang ta có nhiều còm ...chán nhất . Nó phản ánh sự hời hợt trong cảm xúc bình thơ. Mà trang ta đứng đầu về sản lượng sản xuất thơ , mỗi thành viên là một nhà thơ muôn năm!.
 Nên chăng BQT trang nên tham quan học hỏi tạo những nhóm nhỏ trong Group này để dễ dàng kết nối sở thích với nhau. ( Trang NGHÊ NHÂN cũng của người Nghệ , có tv gấp đôi chúng ta (230.000 so với 130.000) , có hơn hai chục nhóm sinh hoạt như nhóm Luật sư , nhóm tìm người yêu , nhóm doanh nhân , nhóm thơ văn , nhóm khởi nghiệp....) . Buồn cười là trang NGHỆ NHÂN không thích thơ , hạn chế đăng thơ khác hẳn trăm hoa đua nở thơ trang mình. ( Bài NHÀ KHÔNG CÓ BỐ  đăng cùng lúc bên NGHỆ NHÂN  với bên này , chủ yếu là để thăm dò). 
 Khi có những bài thơ , bài bình chất lượng hoặc nhửng tiểu phẩm khác hay ra lò ắt hẳn tự triệt tiêu những câu hỏi lơ ngơ xuất hiện đau cả trôốc tràn lan trên trang này. Đành rằng đăng bài ồ ạt là lý do tế nhị của CLB nhưng thử hỏi đăng hình rá khoai lang luộc với đọi cà mói hỏi: Có ai nhớ món ni không hầy? Mấy ngày trước còn đăng thúng mủng hỏi: Có ai biết tên cái ni không hầy? Trời phật. là Dân Nghệ cùng nhau đố chả ra đố. Từ đó dẫn đến sự ngu xuẩn  là có người đăng nhà Bác Hồ ở Nam Đàn hỏi:  Đố moi người đây là nhà ai? vậy mà qua kiểm duyệt.
 Thơ là món ăn tinh thần khá bình dân với mọi người. Nhưng xin các nhà thơ nể bạn đọc một chút.  Kiểu thơ thế này mà có hàng trăm người khen hay nè:
 Mẹ em lớn tuổi nhất nhà
Kế đến là ả rồi là đến em
Hoặc:
Sáng nay vợ bắt coi nhà
Đành đi đun nước pha trà mần thơ
Lạy cả nón các nhà thơ ạ. Sản xuất từ từ kẻo chúng em chết vì...ngầy mất!
 Chúng ta bình đẳng trên trang Nghệ ngữ là tỏ lòng mến yêu quê hương  xứ Nghệ mình. Yêu tiếng nói , câu cười của nhau . " Chỉ mong chuyến xe muộn màng không dừng sớm khi đang rong chơi " ( Người hát rong - Trần Long Ẩn). Những niềm vui sâu lắng bao giờ cũng kéo chúng ta xích lại gần nhau hơn. " Một ngày bằng mấy trăm năm hời người " ( Em và Tôi - An Thuyên). 

********************
ANH HÙNG XẠ ĐIÊU PHIÊN BẢN LÃO TRỌC.
Cô Lê ( Nickname Minh Lê) định cư ở Berlin về thăm quê hương có ý muốn đến thăm nhà Lão Trọc là bạn học thời ĐH SP Vinh. Cô ấy nhờ tôi đưa đến nhà. Tôi cũng mù tịt ,sau những búa xua hỏi thăm qua điện thoại bạn bè tôi cũng có được vài địa chỉ cần đến.
Chúng tôi đứng tần ngần trước cánh cổng sơn màu xám . Tần ngần vì trong nhà đang to tiếng với nhau, kêu cửa không tiện .May thay có bác hàng xóm thấy đứng loay hoay trước cổng nên đến hỏi thăm - Cô chú tìm Bác Vượng à? - Dạ chúng em là bạn học với bác ấy ạ. Bác hàng xóm à lên rồi như quen cách mở cổng , bác thò tay xuống phía dưới mở cổng dùm. Cả ba tiến vào sân. Bây giờ thì nghe tiếng Lão Trọc lên giọng rất to- Biết chưa? Nghe chưa. Tao đập nát hết ! Ngần ngừ ái ngại chốc lát rồi bác hàng xóm kéo chúng tôi ngồi xuống.
Lão này vốn nổi tiếng cả khu dân cư là sợ vợ và đang di căn sang giai đoạn cuối là khiếp vía vợ cô chú ạ . Thế mà hôm qua tới nay thấy tiếng lão quát vợ rung chuyển cả khu dân cư này. Kính trọng quá đi. Đàn ông là phải thế , phải mãnh mẽ lên. Bên trong vọng ra:
- Choang! Choang! (Tiếng chén bát vỡ kinh quá)
- Bùm , bùm.- Nghe như tiếng rập đầu vào vách ngăn bằng Alu mica . Im mồm...Im để tôi nói, cô đã làm nhơ cái mặt tôi ở khu dân cư này rồi, ngay cả lão Vinh kia hễ gặp tôi là kháy, là đá đểu tôi sợ vợ. Bây giờ thì đừng hòng.
- Choang! Rắc ! Ùm (Tiếng vỡ cả bát, cả ly cốc, cả cái chân bàn gãy, kinh)
- Tôi đi ra khỏi nhà là cô la, về muộn cô chửi, gặp ai là phụ nữ thì cô cho tôi đã cặp bồ, cái ví tôi cô xẻo hết từng đồng tiền lẻ, cô một vừa hai phải thôi, nhớ chưa? Nhớ chưa? Nhớ chưa? Há miệng ra vâng trước mặt tôi ngay, há ngay. Cô Lê hoảng hốt :
- Đẩy cửa vào xem sao Lão Ròm - Làm gì đi chứ , ngồi như này sao?
Tôi và bác hàng xóm dựa lưng ủi cánh cửa chính nhưng chắc chắn lắm. Bên trong vẫn vọng ra tiếng thình thịch.
- Bốp. Bốp. Bùm. Lão Trọc vốn học Vật Lý , đường đánh bằng tay chân đều được tính toán theo định luật bảo toàn. Nghĩa là phương nào , góc nào uýnh tới thì bảo toàn được lực tác động. Tôi rùng mình , nghỉ chớ có dại nhảy vào can ngăn lão ấy quai cho một đấm , răng đi cả nải luôn thì khổ ...
- Tôi nói đúng không? Thế mà mới thấy tôi bắt tay phát, vỗ vai phát, vuốt tóc phát thì cô lồng lộn lên là thế nào? Là thế nào? Ngồi duyệt bài đăng cho Nghệ ngữ cũng bào tôi chỉ vào coi mấy con vụ to là sao hả? Từ giờ, chừa ngay cái thói úp nơm chồng nghe chửa, chồng thay cha thay mẹ, nói một câu vợ phải dạ một câu, nghe chửa?
Viu...viu ...viu... (Ôi giời đá gió đây, gọi là song phi. Kinh)
- Cô đi lấy con dao đưa đây, đứng lên , không phải quỳ nữa...
Đến nước này chúng tôi bắt đầu quýnh quáng. Dùng dao là to chuyên rồi. Bác hàng xóm chỉ tay:
- Ta theo lối nhà xe , phía sau có cái cửa hông ăn thông với bếp.
Chúng tôi vừa men hông nhà vừa nghe tiếng Lão Trọc hét lên điên dại- Tôi sẽ chặt một ngón tay của cô để cô luôn nhớ rằng, cô là vợ, vợ tức là ở dưới cơ, hiểu chưa, đưa dao đây. Nhà phải có nóc. Nhìn ngón tay này để nhớ ngày tôi vùng lên khời nghĩa , giành độc lập, tự do và ngày vợ ra vợ...
Phải cứu cô ấy nhanh, tôi xô cửa lao vào , bác hàng xóm cũng xông lên. Bát chén, cốc ly vỡ tung tóe , cái quạt hơi nước ngã chổng chơ văng cả nắp , cứ như trung tâm thủ đô Li băng vụ nổ vừa rồi.
Lão Trọc bất ngờ trước sự xuất hiện của chúng tôi đứng như trời trồng. Tôi ôm ghì lấy lão Trọc : Ấy...Bình tĩnh đã...Ai lại đánh mắng vợ con thế...Do vội vàng cứu cấp nên chúng tôi không kịp cởi bỏ giày dép lại đâm hay. Cô Lê đi đôi bốt ,bước trên những mảnh vỡ nghe rợn người vào trong. Ngó nghiêng căn phòng ăn và phòng bếp , cô mếu máo:
- Chị ấy đâu rồi hả? Đâu rồi hả.
Lão Trọc buông dao đặt lên bàn, quay qua nói;
- Điên lắm rồi, phải dạy vợ cho ra dạy các bác ạ.
- Thế cô ấy đâu, cô ấy đâu?
- Cô ấy về quê ba bốn bữa nay , kẹt covid chưa lên!
******************
DỰA CỘT.
Phải xuất sắc như mình thì những năm cấp 2 mới có được 1 lần chính thức và mém thêm lần nữa - Dựa cột cờ sáng thứ 2 trước toàn trường.
Lần chính thức là do cái trò ngoáy kít mũi vo tròn tròn lại găm vào đầu ngòi bút của con Liên. Găm xong thì nhẹ nhàng đậy nắp lại bình thường giờ ra chơi. Cái thứ deo dẻo ấy chả biết nó chứa thứ gì mà viết không bao giờ ra mực. Chỉ có nước tháo ngòi , hơ lên ngọn lửa và rửa bằng xà bông thật kỹ, lau khô mới viết lại được. Con Liên vùa mếu máo cào bút vào bìa sách vừa chửi đứa nào nhét cái cục gì vào ngòi bút nó, giờ bút hỏng luôn.. Xui xẻo là có đứa không nói ở ra lớp mà thọc mạch với thầy chủ nhiệm . Thầy Lai ( Các khóa xa lắc sau này gọi thầy bằng cái tên trịnh trọng- Lý trưởng ) lôi đứa cười to nhất lớp là mình, cho ôm cột cờ sáng thứ 2. Cảm giác trước toàn trường chào cờ xong thì luôn thể chào mình cũng oai chứ bộ. Tố chất làm lãnh đạo là đứng trước đám đông không hề biết run .
Mém thêm lần nữa là vào giờ toán , chí chóe vẽ lằng nhằng dấm dúi cười với nhau. Những nét biếm họa vẽ búa xua đủ thể loại, cười ngất. Thậm chí vẽ cả thầy ...ôm cô. Cái môn toán ngán đến tận cổ có gì hay ho đâu mà học, lại nhiều tiết nhất nữa chớ.. Có là dân cày chăng nữa, chuyện tính diện tích hình vuông hay hình tròn này nọ thì nay mai có...kế toán HTX làm chứ mình đâu phải làm mà bắt học. Sau này lớn lên mình sẽ lái tàu lửa , tàu thủy bắt phải quy cái đồng ra mẫu số làm chi trời? Tóm lại môn toán chả có ích lợi con mẹ gì ngoài hành hạ học sinh mê truyện , mê vẽ như tụi mình. Sau này học lên nữa, học lên nữa có khi nào phải sin cos khi mua, vi phân tích phân khi bán , đạo hàm xích ma cái quái gì gì nọ kia đâu?. Nếu mà chất đống các quy tắc và công thức của toán học bao năm phải học mà không bao giờ đụng đến cũng phải đắp được vài ba cái mả to cỡ mả...cô Đạm Tiên. Văn còn bịa được, tào lao không trúng ý này cũng trúng ý khác. Toán càng bịa càng sai . Vì to mồm " Tuyên ngôn " như vậy nên chuyện đến tai thầy Lai. Ôi , nghe mãi thuộc lòng luôn : " Vô tổ chức , vô kỷ luật !" " Các anh đi học chứ không phải đến lớp để phá" , " I a i óc chưa ôm cột cờ là chưa chịu phải không" ...
Trong đầu mình lúc bấy giờ chỉ toàn là Lý Qùy cầm búa , Hoa Vinh gương cung ; là Triệu Tử Long xông pha cứu A Đẩu trước mấy chục vạn quân Tào trong Tam Quốc diễn nghĩa. Một hôm giờ địa lý , đang mê vẽ máy bay Mig của Nguyễn Văn Bảy khạc tên lửa bắn cháy Thần sấm F.105 của Mỹ thì...cô gọi lên bảng. Chán gì đâu.
- Em hãy trình bày lại cách tìm phương hường bằng bóng cọc chúng ta vừa học. Giọng cô dứt khoát như thể biết chắc là tên này không nghe giảng.
Hừm. Hỏi máy bay sơn màu gì thì có biết đôi chút chứ phương hướng bóng cọc rắc rối hè. Tìm bóng cọc hay tìm phương hướng ta ? Lỡ rồi , mình dõng dạc luôn:
- Dạ thưa cô, tìm bóng cọc là..là dựa theo phương hướng để đi tìm ạ.
Ha ha , he he...Cả lớp vừa cười vừa đập bàn như xem bóng đá. Cô Châu cũng không nín được cười chạy vội ra ngoài lấy tay bịt miệng. Thế là cả lớp được giải tỏa chút chất tươi.
Oan gia ngõ hẹp là có thật trên đời. Lớp kế bên thầy chủ nhiệm hiền mà dễ gì đâu...Bên đây hai năm liền thầy Lai vẫn ngự trị chủ nhiệm. Chỉ thích mỗi khi tan lớp ra về , thầy trò chung đường trò chuyện vui hết cỡ
2- Hơn bốn mươi năm sau tôi mới có dịp ghé thăm thầy. Thấy tội lỗi ngập cả lối đi .
- Tôi giờ mắt hơi kém anh ạ. Anh tên gì học khóa nào?
- Thưa thầy .Cái thằng vô tổ chức vô kỷ luật đây thầy. Dân dựa cột.
Thầy trầm ngâm một lúc :
- Dân dựa cột thì không nhiều . Các anh chị từng là học sinh cá biệt , ngổ ngáo trổ trời một thời lại thường rất tình cảm. Sau bao năm vẫn về thăm thầy hoặc biên thư thăm hỏi . Các anh chị ngoan hiền , học giỏi ,hạnh kiểm rực đỏ thì lại hiếm gặp lại. Thậm chí thấy thầy từ xa , chúng nó bẻ lái rẽ hướng khác... Mà anh giờ ở đâu ? Người làng nào.
- Dạ. Em ở trong miền nam thầy ạ. Hồi đó ra trường vào nam và ở luôn trong đó. Em ở làng Kỳ Lân đây thôi.
Thầy nhìn ra xa , chậm rãi uống một ngụm nước.
- Anh uống nước đi. Anh là họa sĩ vẽ như mèo quào phải không? Nhà ở trong đường mòn, ông cụ mới mất mấy năm nay..Cu Tân.
Tôi gật đầu bật dậy ôm vai thầy. Nụ cười giờ mới bung ra hòa cả thầy lẫn trò.Khi đã lắng xuống , thầy đổi giọng:
- Khi ông cụ còn sống , thỉnh thoảng tôi vẫn thăm hỏi anh và nghe nói là ở miền nam . Với lại tập giáo án hồi anh viết tôi dùng mãi đến sau này nên dễ nhớ .Sau về hưu cả chục năm mới đem nhóm bếp.
Thầy nhắc tôi mới nhớ là mình đã từng ngồi soạn giáo án cho thầy ...dạy. Chuyện đó mấy đứa thân nhau biết cả. Số là hồi đó chắc có đoàn kiểm tra từ trên xuống.Thầy gọi tôi đến nhà và đưa cuốn giáo án mới đóng giao cho tôi ngồi vào bàn sao chép từ sách in qua tập giáo án mới tinh này. Thì ra thầy cô luôn có một cuốn sách hướng dẫn dùng cho giáo viên giảng bài theo chương trình bài học , chi tiết lắm. Tôi cày từ chiều thứ 7, ngày chủ nhật và gần cả chiều thứ 2 thì xong ..
Mới ngày nào tuổi ham chơi học chỉ để đối phó . Nhìn tóc thầy bạc trắng một màu, tự dưng nhớ câu thơ của Xuân Diệu :
" Chắc đôi sợi bạc cũng vì chúng con..." .
Thích
Bình luận

2 nhận xét :

  1. He he he...
    Thật là thú vị khi đọc bài HẬU....này!
    Đọc thơ, đọc lời bình thì mỗi người một gu, một kiểu. Bởi thế ta chớ nên buồn vì ai đó không giống mình! Nhiều người cùng chê chưa hẳn đã LÀ BÀI DỞ! Nhiều người cùng khen, chưa hẳn đã là BÀI HAY!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. O Chào bác ạ.Em xin tường trình bài ni cho bác thấu hiểu.
      - Bài thơ và bài bình ngược NHÀ KHÔNG CÓ BỐ em đem đăng trong Group Nghệ Ngữ. Chủ yếu ngoài chia sẻ ra muốn thăm dò ý kiến và mặt bằng thưởng thức thơ của cộng đồng trang này.
      Hơn 200 lời còm , em thu hoạch được trong 2 ngày. Trong đó đa số khen hay nhưng có một vài còm phản ứng vì...kẻ giang hồ bình thơ. hi hi- Có còm còn dọa là nếu tác giả Nguyễn thị Mai biết được bài bình này chị ấy buồn lắm vì có kẻ bình thơ mà hay thành dở....
      Để trả lời chung , em viết TẢN MẠN HẬU NHÀ KHÔNG CÓ BỐ này với ý trên bác ạ. Phải đưa dẫn chứng lời bác vô đây để nhắc nhở những người đọc bình thơ lớt phớt . Em có thói quen , viết nháp trên blog cho dễ chỉnh sửa trước khi hốt qua bên đo. Bài đăng ngay hôm kia , êm chuyện , khỏi xôn xao ông nói gà bà nói vịt, Cám ơn bác vẫn dõi theo khích lện tay viết....giang hồ. hix ( Nhờ bài này có kẻ gọi em thế)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))

Lên Trên! Xuống Dưới!