Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

NHỚ VỢ.
Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin được về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốm
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn đúng Tây
Vì tay có hơi vợ
Cho tôi đi, đừng sợ
Tôi không chết được đâu
Vì vợ tôi lúc nào
Cũng mong chồng mạnh khoẻ
Cho tôi đi anh nhé
Về ôm vợ hai đêm
Vợ tôi nó sẽ khen
Chồng em nên người giỏi
Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng
Nếu có được trên tặng
Cho một cái bằng khen
Tôi sẽ rọc đôi liền
Gửi cho vợ một nửa.
Cầm Giang
LỜI BÌNH CỦA GIÁO SƯ LÊ SỬ ĐẠI HỌC VINH
Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi (Cầm Giang) dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi. Đây quả đúng là một thi phẩm rất độc đáo và hiện đại.
Bài thơ đã vẽ lên bức tranh khoả thân của cô gái Mường đang tắm giữa suối rừng bằng ngôn từ nghệ thuật: Da của em ngần trắng- Da của mẹ của cha… Nó gợi ta nhớ tới những câu thơ bất hủ của Nguyễn Du thể hiện vẻ đẹp của Thuý Kiều lúc nàng tắm:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Hay là những vần thơ táo bạo của Hồ Xuân Hương vẽ lên bức tranh “thiếu nữ ngủ ngày”:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào để trễ dưới lưng ong
Đôi gò bồng đảo gương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông…
Nhưng đâu là sự khác nhau giữa thơ Bạc Văn Ùi với những câu thơ cùng đề tài, chúng ta vừa dẫn. Thuý Kiều hay cô thiếu nữ trong thơ Hồ Xân Hương đều là những đối tượng bị quan sát từ bên ngoài, họ không thể biết mình đang trở thành một đối tượng được thể hiện, một người mẫu cho hoạ sĩ, nếu theo cách hiểu hiện đại. Còn trong bài thơ của Bạc Văn Ùi cô gái tự cảm nhận, tự nói về vẻ đẹp của mình. Nó làm cho bức tranh thơ kia mang vẻ đẹp thuần khiết. Hơn nữa, tâm điểm chú ý của độc giả không phải là ở bức tranh mà là vẻ đẹp tâm hồn, là cái đặc biệt trong cách nói của cô gái miền núi về chính bản thân.
Tuy nhiên, nếu tự nói về vẻ đẹp của mình lúc đang tắm thì hoá ra thiếu tế nhị. Ở đây, cô gái nói trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là lời nói với chồng hay là người yêu, những lời chỉ nói riêng với nhau nghe thôi, chứ không phải ở chỗ đông người. Những lời vợ chồng nói với nhau trong khoảnh khắc riêng tư. Và chỉ trong văn cảnh như thế người ta mới có một ngôn ngữ riêng, một giọng riêng. Giọng cô gái trong bài thơ này là cái giọng đặc biệt như thế. Cũng vì thế cô gái giữ được ngữ khí tự nhiên, bộc lộ đúng vẻ đẹp bản chất của mình. Đấy trước hết là vẻ đẹp thân thể:
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
Và cô đặc biệt chú ý đến đôi tay:
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Có thể hiểu đấy là đôi bàn tay lao động cần cù, vất vả. Đôi bàn tay ấy gắn bó mật thiết với rừng để làm nên sự sống. Ở đây, các câu thơ Da của mẹ, của cha và Tay của rừng của núi - Tay của đất của nương; đều cùng hình thức diễn đạt. Hoá ra, em không những chỉ là sản phẩm của mẹ cha mà còn là sản phẩm của cả núi rừng. Cho nên, khi em tắm xon
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Em là bông hoa đẹp nhất của núi rừng, là đoá hoa đang toả ngát hương thơm bên suối.
Cho nên cả núi rừng như nâng niu em:
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Và tất cả vẻ đẹp của em là thuộc về anh, nhiệm vụ của anh là phải “canh giữ”, “chớ để Tây đến Mường”. Bài thơ đột ngột chuyển hướng một cách bất ngờ, đang trong không khí riêng tư nhất bổng chuyển sang việc đánh Tây, giữ Mường; nhưng trên thực tế thì nó liên quan rất mật thiết với nhau. Cái ý vị của bức tranh thơ này là bên cạnh cô gái tắm suối giữa rừng trong bầu không khí bình yên là anh thanh niên đang bồng súng canh giữ kẻ thù bảo vệ quê hương. Đây là một ý thơ độc đáo và cũng là điểm khác biệt giữa bài thơ của Bạc Văn Ùi với tất cả những bài thơ khác cùng đề tài.
Th.s Lê Sử
Gv khoa Ngữ văn- Đại học Vinh
Nhớ vợ
Tôi nhớ vợ tôi lắm
Xin anh về hai ngày
Nhà tôi ở Mường Lay
Có con sông Nậm Rốm.
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn trúng Tây
Vì tay có hơi vợ.
Cho tôi đi, đừng sợ
Tôi không chết được đâu
Vì vợ tôi lúc nào
Cũng mong chồng mạnh khỏe.
Cho tôi đi anh nhé
Về ôm vợ hai đêm
Vợ tôi nó sẽ khen
Chồng em nên người giỏi.
Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng.
Nếu được cấp trên tặng
Cho một cái bằng khen
Tôi sẽ rọc đôi liền
Gửi cho vợ một nửa.
Cầm Vĩnh Ui
Lời bình: Có một cuộc đối thoại giữa người đội viên và vị đội trưởng, có thể là đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng… người có thẩm quyền quyết định cho người đội viên được nghỉ phép hay không. Nhưng bài thơ chỉ ghi lại phần lời của người đội viên mà thôi, còn lời của người cán bộ phụ trách thì tự đoán ra, giống khi nghe một người nói chuyện qua điện thoại, chúng ta cũng có thể đoán được ít nhiều người đầu dây kia nói gì. Cả bài thơ là lập luận xin nghỉ phép của người đội viên, và ngay khổ thơ đầu tiên, người đội viên đã nêu đủ ba phần quan trọng nhất, mà bất cứ người nào muốn xin nghỉ phép cũng phải trình bày: Lý do nghỉ phép: Nhớ vợ. Thời gian nghỉ phép: Hai ngày. Nơi nghỉ phép: Mường Lay. Vị đội trưởng có thể mỉm cười với cái lý do nghỉ phép vì nhớ vợ chứ không phải vì mẹ ốm, con đau… như đã quen tai. Nhưng trong thời chiến, việc nghỉ phép của đội viên đâu phải đơn giản, ngay cả khi có những lý do chính đáng, huống chi chỉ là vì nhớ vợ, nên rất có thể người đội trưởng nói rằng: “Đồng chí đi như vậy, tôi sợ ảnh hưởng đến sức chiến đấu của đơn vị”. Thế là người đội viên giải thích:
Ngày kia tôi sẽ đến
Lại cầm súng được ngay
Tôi càng bắn trúng Tây
Vì tay có hơi vợ.
Ý của người đội viên nói rằng thời gian tôi xa đơn vị không đáng kể, chỉ hai ngày, ít ỏi ,“ngày kia tôi sẽ đến” thôi mà, khi tôi đến sức chiến đấu sẽ cao hơn sau khi đã được gần gũi người vợ. Chắc khi nói những lời này, người đội viên sẽ nhấn mạnh chữ càng trong câu “Tôi càng bắn trúng Tây” và người đội trưởng khó giấu được nụ cười khi nghe hai tiếng “hơi vợ”. Mỉm cười thật đấy, nhưng người đội trưởng đâu đã dễ dàng chấp nhận cho người đội viên nghỉ phép, mà ông ta phân vân: “Nhưng từ đây về nhà đồng chí khá xa xôi, đường sá hiểm trở, lại đi ngang gần đồn bốt giặc. Tôi e…”. Không để người đội trưởng nói hết câu, người đội viên giải thích ngay:
Cho tôi đi, đừng sợ
Tôi không chết được đâu
Vì vợ tôi lúc nào
Cũng mong chồng mạnh khỏe.
Người đội trưởng lại mỉm cười vì cái lý do an toàn người đội viên nêu ra không phải vì có nhiều kinh nghiệm trong việc đi lại, mà anh ta an toàn chỉ vì do người vợ lúc nào cũng muốn chồng được mạnh khỏe! Phi logic chăng? Không, người đội viên lúc này có cái logic riêng, là tất cả mọi lời đều hướng tới người vợ, tất cả mọi điều đều do vợ.
Người đội trưởng chần chừ, chưa tìm ra ý gì nữa để hỏi thêm, thế là người đội viên “cấp tập” một lúc mười hai câu cho đến hết bài thơ với những lập luận ngộ nghĩnh nhưng không kém phần thuyết phục: Tôi về ôm vợ, được vợ khen, tức là khen có công rèn luyện của đơn vị nên “chồng em nên người giỏi”, như vậy là đơn vị cũng có lợi. Bốn câu cuối của bài thơ thật bất ngờ:
Nếu được cấp trên tặng
Cho một cái bằng khen
Tôi sẽ rọc đôi liền
Gửi cho vợ một nửa!
Một sự ghi công, trả công hết sức cụ thể và độc đáo theo cách nghĩ về người dân tộc vùng Tây Bắc nước ta trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Tin chắc là người đội trưởng đã đồng ý, người đội viên đã lên đường đi nghỉ phép, nếu không, bài thơ chưa chịu dừng lại!
Trong rất nhiều tuyển tập thơ Việt Nam có in hai bài thơ rất hay viết về vùng Tây Bắc là bài “Em tắm” của Bạc Văn Ùi và “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui. Bạc Văn Ùi và Cầm Vĩnh Ui là ai mà mỗi người chỉ viết một bài thơ thật hay rồi không hề viết bài thơ khác? Có người đã giới thiệu tác giả bài thơ “Nhớ vợ”, Cầm Vĩnh Ui là người dân tộc Thái, Tây Bắc. Như vậy là không chính xác. Sự thật cả Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi đều là bút danh khác của nhà thơ Cầm Giang, một người có nhiều thành tựu trong sáng tác và sưu tầm thơ ca Thái Tây Bắc. Nhưng Cầm Giang cũng chỉ là bút danh của ông Lương Cầm Giang, tên khai sinh là Lê Gia Hợp, người Kinh, sinh ngày 2 tháng 5 năm 1931, ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá.
Thì ra có khi tác giả người Kinh viết về ý nghĩ, tình cảm của người dân tộc lại đạt đến mức ngay người dân tộc cũng kinh ngạc!
Vương Trọng

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lên Trên! Xuống Dưới!