Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

NÉN HƯƠNG THẮP LÚC NỬA ĐÊM



Chính khi chết đi là khi Ta vui sống ở trên đời
    P. As sisi
   Hôm nay quay lại Blog , thật tĩnh lặng. Cái nhiệt huyết muốn viết tếu táo cho vơi bớt những ưu tư đời thường  như ngày xưa không còn nữa . Cuôc đời cứ lặng trôi , năm tháng như chất chồng thêm nếp nhăn và những cọng râu bạc trắng. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu của Tế Hanh , bài thơ xưa lắm , viết khi ông còn rất trẻ.
  ….” Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
  Ngàn đời không đủ sức đi mau
  Có chi vương víu trong hơi máy
  Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau …”
   Chắc chắn là ông muốn nói đến con nguời , quê hương Miền trung của ông qua hình tượng con tàu ậm ạch , năng nề..
*    *
    *         
Từ ngày Cha tôi mất , tôi thấy mình khác tính. Thích sự trầm ngâm và một chút tĩnh lặng. Hay cáu gắt và dễ khóc như đàn bà . Hình ảnh Cha tôi trước khi lâm chung cứ ám ảnh vào tận giấc ngủ. Ánh mắt của Người cứ đốt lòng tôi mãi không thôi. Tôi thương lắm cuôc đời lam lũ khốn khó của cha tôi. Suốt dọc cuộc đời , là sự chồng chéo, đan xen của gian khó và đơn độc . Tuyệt nhiên không có màu hồng của sự may mắn !
Cha tôi độc đinh, lại đơn côi từ nhỏ . Tuổi niên thiếu của ông là đi ở hết nguòi này qua người khác. Ngày xưa , đó là sự đùm bọc đáng quí khi cuôc sống khó khăn . Lớn lên , tuổi thanh xuân và phần lớn cuôc đời, ông gửi hết vào rừng xanh , vực thẳm để sinh tồn , để nuôi nấng chúng tôi thành người. Cuôc sống cứ dần trôi , bát cơm khi vơi khi đầy, rừng bạt ngàn nắng gió…  Là người bôn ba xa xứ - hơn ai hết , tôi hiểu và càng thương cha tôi nhiều hơn.   
Mẹ tôi thuộc thành phần Trung nông. Vì thế cuộc hôn nhân thật là khập khiễng và không có sự chấp thuận của “ người lớn”. Ngày xưa “ Môn đăng hộ đối” là điều kiện tiên quyết khi bàn chuyện gia đình. Và số phận đẩy đưa , Cha tôi một lần nữa làm rể nhưng lại trớ trêu thay không được nhận từ “ con ” một cách đầy đủ.! Tập tục phong kiến và ông Ngoại tôi khắt khe lắm.  Suốt từ thuở nhỏ cho đến mãi sau này ,khi tôi đã có biết, ông chưa bao giờ đến thăm nhà chúng tôi ! Lũ chúng tôi lớn lên dưới bàn tay manh mẽ của cha và lòng yêu thương của mẹ . Vắng hẳn hơi ấm , vòng tay của ông bà hai bên nội ngoại. Thưở nhỏ , tôi thường đến vườn cây nhà Ngoại tôi . Khi thì lượm trái rụng quanh gốc , khi thì leo hái trái cây cho Bà ngoại đi chợ. Khu vườn rộng lớn và mùa nào cũng có trái cây . Nào mơ , nào mận , nào nhãn, nào bưởi , nào mít…nhiều lắm. Nhưng hễ đến trưa , thì bao giờ tôi cũng co chân  chạy về nhà ăn cơm theo lời mẹ dặn. Chúng tôi thèm được có vòng tay ôm vào lòng của ông Bà ... Nhưng có thấm vào đâu với sự côi cút , lủi thủi một thân một mình, sống mà như luôn chiến đấu với cuôc sống của Cha tôi. Không anh em ruột thit , không cha mẹ đôi bên .Ngày rằm tháng tết , cái ấm cúng ruột thịt của những người khác như trăm ngàn mũi kim châm vào lòng. Cũng còn may mắn , tôi có ông Cậu ruột là em mẹ tôi , có học và hiểu biết, rất thương và thường qua lai với cha mẹ  tôi , tạo nên như một cái lan can cầu thang có chỗ vịn…  Cái tàu lửa nặng nề của ông Tế Hanh sao thấy thật xót xa làm sao ! “ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau “ là thế.
 Mẹ tôi thường đau bệnh luôn . Có những năm thời gian Bà nằm bệnh còn nhiều hơn ngày khỏe. Tôi nhớ mãi hình ảnh buổi trưa đi học về , đói và mệt, bếp vắng lặng , mấy đứa em như gà mất mẹ , mỗi đứa một góc. Cha tôi đi làm về , chỉ kịp hút thuốc và cùng tôi nhốn nháo nổi lửa, hái rau . Nấu cơm xong cũng đã xế chiều , chúng tôi ngồi ăn , còn ông lại tất tả xách cơm xuống …bệnh viện ! Cái lưng áo ướt đẫm mồ hôi , liêu xiêu đi ra cổng , chưa kịp ăn uống gì , thật nao lòng !  
 Năm tôi còn học lớp 4 , cha tôi chẳng biết đi đâu mà nhặt được sơi dây chuyền của ai đánh rơi . Ông thấy nó đẹp, chứ không biết nó bằng vàng . Cái dây chuyền ấy , ông đem buộc vào hộp quẹt, bỏ túi  để hút thuốc . Ngày ấy tôi thường thấy người ta hay làm một xâu đeo nào là hộp quẹt . nào là chìa khóa , nào là móc tai và ai đó có thêm cái bấm móng tay nữa là oách lắm. Cái xâu đeo của cha tôi, ngoài cái bật lửa ( hộp quẹt ) ra, còn một cái ống bằng đồng bằng cỡ ngón tay, chẳng có tích sự gì , ông nhặt ở đâu đó ,đeo vào cho thêm phần...long trọng. Lại nói sợi dây chuyền. Cuộc đời của ông có biết vàng bạc là gì đâu . Vì thế sợi dây chuyền đúng là …dây chuyền –nó chuyền từ tay người này qua người khác mỗi lúc ngồi uống nươc chè xanh và hút thuốc lào với nhau . Không riêng gì cha tôi , nhiều ngừơi trong làng cũng chẳng biết nó bằng vàng mà chỉ khen sợi dây đẹp.  Vả lại chẳng mấy ai để ý kỹ và …làm gì có chuyện ai lấy dây chuyền vàng làm dây buộc hộp quẹt! Một thời gian sau , có người nói với cha tôi rằng – “ cái dây này bằng vàng , ông đem cất đi “ cha tôi nửa tin nửa ngờ đeo thêm mấy ngày nữa để hỏi thêm  những người khác có chắc là vàng thật không ,rồi  ông cũng tháo ra đưa cho mẹ tôi cất. Cha tôi không biết vàng bạc đã đành , mẹ tôi là người từng có vàng , từng đeo vàng là đôi hoa tai tự mua khi bà còn độc thân cũng không biết nốt. Bà cũng từng cầm hộp quẹt cha tôi mỗi khi cần lửa nhóm bếp . Nhưng cũng như những người khác ,  chẳng ngờ nó lại bằng vàng. Rồi một hôm , có bà Tiến mập ghé nhà , phát cho chúng tôi mỗi đứa mấy cái bánh Bich quy . Bà ấy là dân thành thị , sơ tán chiến tranh vào vùng quê tôi . Bà ấy nói – nghe người ta nói , ông nhặt được sợi dây chuyền của bà đánh rơi , cho bà xin lại . Ít ra cũng nên hỏi sợi dây chuyền đó thế nào , cha tôi kêu mẹ tôi lấy sợi dây ra mà rằng “ phải sợi dây này không” Bà ấy gật. thế là xong chuyện.
    *
      
  Tôi về đến nhà thì bệnh tình của ông đã nghiêm trọng. Tôi ôm cha tôi khóc trên giường bệnh . Suốt dọc cuộc đời vất vả , đây là lần đầu tiên cha tôi nằm bệnh viện và cũng là lần cuối cùng ! Thấy tôi về , ông mừng lắm. Có lẽ ông muốn có tôi bên cạnh, có điều gì đó để dặn dò trước lúc người đi xa. Bệnh gan thường khi phát ra là đã muộn , là giai đọan cuối . Bởi rằng,tế bào gan có đặc điểm khác biệt là một tế bào cũng có thể hoat động thay thế đươc cả chục tế bào . Vì thế khi phát bệnh  thì đã là thể nặng.
  Suốt gần 3 tháng ,tôi luôn nằm cạnh ông trên chiếc giường một . Tôi muốn truyền hơi ấm của mình , cùng với thuốc , níu kéo sự sống cho cha tôi. Thời gian đầu tôi thật sự  khó ngủ.  Luôn canh chừng hơi thở của ông . Hai cha con một cái giường một , đã lên giường là nằm yên như nằm trong chiếc… máng , không nhúc nhích xoay trở gì. Nhiều đêm nghe tiếng rên trong cơn đau của ông , tôi lại dậy ngồi bật khóc một mình. Vừa nhớ con trong kia , vừa bất lực nhìn cha nằm chờ cái chết , tôi thật sự không biết phải làm sao. Đầu óc nặng nề lắm. Thời gian đầu , tôi còn tin tưởng vào phép mầu của thầy thuốc nổi tiếng mấy đời về trị bệnh gan , nhưng về sau , thấy chân ông sưng múp, tôi hòan tòan thất vọng. “ Nam túc , nữ mục “ – Đàn ông sưng chân , đàn bà sưng mặt là sự báo hiệu cái chết cận kề , sự sống đang dần thu hẹp. Mỗi ngày trôi qua là xem như tiến gần thêm về cái chết một bước.
  Đêm ấy, cha tôi rên nhiều vì đau . Tôi thức dậy. Đêm cúp điện , chiếc đèn xạc lu mờ . 1h30 cha tôi nôn . Và cho đến sáng,  cứ cách nhau đúng một tiếng đồng hồ ,ông lại nôn ra thứ dịch màu nâu , nhưng không phải là xuất huyết đường ruột. Cha tôi trở bệnh. Trong nước mắt , tôi ban bố tình trang khẩn cấp . Và cũng từ hôm ấy , chúng tôi thay ca nhau để trưc. Ông chỉ nôn ói mà không ăn uống được gì. Cơ thể không còn dung nạp thứ gì, kể cả nước uống. Chỉ cần một muỗng nước thôi, uống vào là nôn ói ra ngay. Khi cơ thể không nạp nữa , người sút giảm thật là nhanh.Ngày thứ 4, tôi hỏi chuyện với ông và thật ngạc nhiên là ông cười rất sảng khoái , rất tươi và cười thành tiếng. Tôi và đứa em gái ngồi cạnh ông cũng vui lây.  Ngày hôm sau , có thêm đứa em dâu đứng cạnh , ông cũng cười rất tưoi nhưng ngắn hơn và không thành tiếng. Nụ cười hiền lành mãn nguyện như anh dân quê cày xong thửa ruộng , như người thợ làm xong công viêc. Có lẽ cha tôi cảm thấy thanh thản trong lòng trước khi  rời cõi tạm để về cõi vĩnh hằng! Những gì  cần nói , mấy tháng qua ông đã có nói – mặc dù rất ít nhưng tôi cũng có thể chắp nối hiểu  được.  Bước qua ngày thứ sáu từ cái đêm hôm trở bệnh , cha tôi lặng lẽ ra đi  sang thế giới người hiền -như cách nói của nhà thơ nào đó - khi tôi một mình đang ngồi bên ông …
 Chín muơi mùa xuân nhưng được mấy mùa xuân hỡi người ?
*
    *     *
Cha tôi mất , tôi giữ lại cái mũ, chiếc gậy và đôi dép làm kỷ niệm.  Kỷ vật của một người đàn ông "Độc hành ca" trên dọc cuộc đời .  Trong cái rương, mấy bộ đồ còn mới ông vẫn còn cất để dành. Tôi lựa được vài ba cái mặc tạm vừa, mặc luôn. Đó như một lời khẳng định tri ân ,  tôi luôn nhớ về người , về  cuộc đời của người.
  Công Cha như núi Thái sơn
    Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Từ ngày cha tôi mất , chiếc giường một đươc khiêng ra vườn dành không gian cho bàn thờ,  tôi qua ngủ cùng với mẹ. Bao năm biền biệt , thằng bé 600 tháng tuổi lai được nằm kề với Mẹ..Là chiếc giường đôi, thật thoái mái, nhưng nhiều lúc tôi vẫn thèm cái giường một, thèm mùi ẩm mốc , mùi mồ hôi ít tắm của người bệnh !
 Mẹ tôi già yếu lắm rồi. Bước chân khập khiễng trông thật tội. Thế nhưng, bà luôn lọ mọ , lục cục làm các món ăn tôi thich ; trước khi đi ngủ vẫn thường kiếm cái gì đó đặt lên bàn dù chỉ là củ khoai nướng , nắm lạc rang hay mấy trái chuối .  Bà biết tỏng là tính tôi ưa ăn vặt . Tôi giống cha tôi ở điểm là thích ăn ngọt - ít uống rượu và không chê bất cứ món gì. Mấy chục năm trôi qua , cha tôi chưa hề chê bai món ăn nào. Món gì ông cũng ăn ngon lành...
 Thời gian ở gần tôi , bà khỏe ra trông thấy. Nụ cười lâu rồi mới được nở. Chuyện vui chuyện buồn được dịp bung ra. Một hôm , bà kêu tôi lai gần và bảo – “ Đời mẹ không có gì cho con – nay đôi hoa tai  của mẹ vẫn còn , mẹ nói vậy chứ chưa bán đâu , mẹ cất cho con chỗ này, phòng khi đột ngột qua đời mà con về không kip thì con nhớ mà lấy. Vàng ngày xưa tốt con ạ.” Trời ạ- sau bao sóng gió mà mẹ tôi vẫn cất giữ mãi đến bây giờ. Tôi cứ ngờ bà đã bán đi từ hồi  nào .Ngay cái chỗ cất cũng thật tài tình , dù có chìa khóa cũng …chào thua! Đôi hoa tai ấy , là của riêng bà , mua thời độc thân , một thời vẫy vùng khai hoang , vỡ hóa làm ruộng làm rẫy .Qua bao khó khăn chất chồng , qua bao đợt sóng to gió cả , bà vẫn còn lưu giữ về sau cho con cháu. Suốt dọc cuộc đời , tôi chưa thấy Mẹ tôi đeo nó lần nào .Thật khổ.  Hồi nhỏ tôi có mấy lần lén trộm chìa khóa của bà mở cái sập đủ thứ bà chằng trong ấy tìm cái ăn. Đó là lạc giống ( miền nam gọi là đậu phộng ) bà thường cất trong đó. Một lần không có lạc , chỉ có lỉnh kỉnh các chai mật ong , tôi tò mò mở cái túi vải  bé tẹo nằm sâu trong góc. Qua mấy lớp vải , đôi hoa tai nằm trong lớp bông . Nó to như cái đầu đũa, một đầu cong có gắn mặt đá …Lớn lên , tôi chỉ nghĩ  là lần làm nhà , những năm tháng nằm bệnh viện , những lúc khó khăn cái ăn cái măc cho con ,mẹ tôi bán rồi và mọi người vẫn tin là như thế. Bây giờ, Mẹ đang giao trọng trách giữ gìn lại cho tôi.  
Người già thật lạ , chỉ lo cất giữ chẳng lo ăn uống gì. Số tiền ít ỏi tôi gửi về cho mẹ , mẹ tôi ưu tiên mua đồ…hậu sự cho bà. Bà nói . “ Mẹ mua để mai này con đỡ phải lo nhiều cho mẹ.”. Thật cười ra nước mắt !
    *
Bài viết này như một sự trải lòng ,  chỉ mong đươc sự thanh thản . Sự thanh thản cho cha tôi nơi chín suối , sự thanh thản  kéo tôi hòa nhập tốt hơn với cuôc sống thường ngày.  Thấm thoắt cũng gần đến 100 ngày cha tôi rời cõi tạm . Mong sao như ông “ Sisi ” kia nói , chính khi chết đi là khi Cha vui sống  ở trên đời. Một cuộc đời mà mỗi khi nghĩ đến , tôi thấy thương cha tôi vô hạn!
 Mấy lời chắp vá từ đáy lòng , làm nén nhang thắp lúc nửa đêm cho cha .
Entry này xin miễn nhận comment .Xin cam ơn những ai đã từng ghé qua chia sẻ . Mặt hồ yên lặng không muốn gợn sóng nữa mà chi .
    “ Đất khách mênh mông sao vẫn hẹp
    Quê nhà một góc nhớ mênh mông ”
  Saigon – 4h30 . Đêm khó ngủ. 

2 nhận xét :

  1. Lão có thể cho XS mượn những bài viết này không ạ? Thực tình xs đọc mới hiểu tại sao văn lão lại sâu sắc thế... Có lẽ cũng bắt nguồn từ khó khổ trong cuộc sống mà nên Lão Nhỉ..XS mừng là Lão được về bên Cha Lão những ngày cuối cùng...Bài trước đã lo là không kịp

    Trả lờiXóa
  2. Lần theo lời còm, lão lại vô tình ngồi đọc lại bài này qua làn nước mắt.
    Bài viết sau một thời gian hụt hẫng mà cứ đêm về là khó ngủ. Bài viết cách nay 4 năm rồi , nhưng đọc lại vẫn hôi hổi cảm xúc như ngày nào.
    Cảm ơn sự chia sẻ này của XS.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))

Lên Trên! Xuống Dưới!