Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

HAI NỒI CƠM


  Quê tôi miền núi , nghèo lắm . Những mảnh ruộng manh mún nằm dọc theo khe như những miếng vá xen lẫn nương rẫy khô cằn cháy nắng. Sau chiến tranh, làng quê xơ xác càng xơ xác hơn. Những hố bom nham nhở , lở loét đọng đầy nước . Những mảnh ruộng  bỏ hoang vì nhiều mảnh bom không cấy cày được. Những chiếc xe trúng rốc két cháy cong queo lật nghiêng bên đường . Những ngôi nhà tuềnh toàng , trống hoác. Những khuôn mặt hốc hác , những quầng mắt sâu thẳm và những nụ cười kéo dài nếp nhăn hằn lên khuôn mặt.
  Quê tôi chiến tranh bừa qua nhiều trận bom không nhớ hết . Những quầng lửa nóng rát khét lẹt và tiếng gầm rú của máy bay phản lực . 
             Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
            Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng…. 
            Có mất mát nào lớn bằng cái chết 
            Khăn tang vòng tròn như một số không…
                               Phạm Tiến Duật.
   Tuổi thơ chúng tôi gắn bó với hầm hào , pháo sáng, nghe tiếng gầm rú là biết loại máy bay F4H hay F105... Ngã ba Lạt , điểm khởi nguồn con đường mòn Hồ Chí Minh là trọng điểm bắn phá của máy bay địch. Nơi đây  cứ đêm đến là pháo sáng máy bay thả xuống để quần những đoàn xe chở hàng vào tiền tuyến miền Nam. Nhiều hôm chẳng có chiếc xe nào chúng cũng thả bừa xuống khu vực này vài đợt bom  " Điểm canh". Là người miền núi , sống lưa thưa nhưng xong tiếng bom là mọi người chạy ra ngay hiện trường để cứu nạn. Mặt đường bị băm nát. Những thùng đạn sơn xanh bằng gỗ thông vung vãi phải gấp rút khiêng lên xe trâu kéo vào khe núi để tránh bom . Những chuyến xe trâu lầm lũi , gấp gáp trong đêm chạy đua trước khi trời sáng... 
  Rồi trong vườn nhà tôi , một đơn vị  bộ đội dựng tạm một cái kho để lưu giữ những thứ ấy. Khi họ rút đi thì chìa khóa giao lại cho tôi - một thằng bé cháy nắng 14 tuổi giữ.  Tôi trở thành thủ kho bất đắc dĩ  nhưng thấy hãnh diện vô cùng.  Có những người miền xuôi lên thậm thụt đòi mua một số kíp mìn , dây cháy chậm , ống liều bằng đồng đem vè xuôi . Họ xòe tiền ra nhưng đều nhận lại bằng những cái lắc đầu của mẹ tôi. Ống liều là vỏ đạn pháo 105  bằng đồng thau mà người miền xuôi gọi là Ca- tút , nghe đâu họ mua về để gò dập thành những vật dụng gia đình , như lư hương , bình hoa... Mà trong kho nhiều lắm. Do vách bằng tre nứa nên nhìn vào là thấy rõ mọi thứ. Người miền núi thật thà và thẳng thắn , khi đã lắc đầu thì dù nhiều tiền cũng không thể thay đổi được... 
   . Buổi chiều tang thương ấy ám ảnh tôi mãi những năm đi học sau này. Chỉ là bến đò ngang qua con sông hiền hòa của dân nhưng chúng cũng thả bom từ trường vào ban đêm . Chuyến đò chiều 14 người chỉ sống sót duy nhất 2 người vì cái sào chống thuyền có bịt đầu bằng sắt chọc trúng.
  Tuổi thơ chúng tôi học hành ngắt quãng vì phải di dời để tránh bom. Những lớp học nằm sâu trong hầm . Một buổi đi học một buổi theo người lớn phụ giúp làm rẫy , làm bãi. Kỳ cọc qua bao khó khăn , chúng tôi cũng tốt nghiệp phổ thông. Rừng núi chập chùng bạt ngàn một màu xanh hy vọng phía trước. 
  Ngày tôi nhận được giấy báo sau kỳ thi đại học , niềm vui hiếm hoi cười trên mắt mẹ . Niềm vui to lớn vô cùng . Tôi lên đường ra Bắc đi học , mang theo niềm vui và kỳ vọng của cả nhà.
  Rồi ngày tháng dần qua , nơi phố thị ồn ào những chiều xuống sau buổi học, tôi nhớ về quê hương da diết. Nơi ấy người dân miền núi thiếu thốn trăm bề so với vùng miền khác. Những đám lúa cháy xơ nứt nẻ thiếu nước . Những trận lũ quét tràn qua cuốn theo những căn nhà , ruộng vườn... Chiếc áo bạc màu cha tôi luôn ướt đậm mồ hôi và tiếng chày giã gạo đêm khuya thậm thình của mẹ. Nhớ những con suối trong veo mắt mèo ,  mát lạnh quanh năm và nhớ vầng trăng miền núi lung linh huyền diệu...
 Năm ấy nghỉ hè năm nhất. Kỳ nghỉ hè thường rơi vào tầm tháng bảy - mùa giáp hạt. Bữa cơm nhà quê thường muộn dưới ngọn đèn dầu leo lét. Leo lét vì đèn không dám khều to , hao dầu. Bữa cơm có tôi về , mẹ như có thêm tiếng cười , các em như có thêm niềm vui . Hình như mẹ và hai đứa em gái có rất nhiều chuyện để kể để cười . Cha tôi vẫn như ngày nào của thời chiến tranh, ăn nhanh và lên bàn ngồi uống nước ngóng tiếng máy bay địch. Hai đứa em gái cùng mẹ cứ như chực chờ để xới cơm cho tôi. Niềm vui hồ hởi gửi vào những chuyện làng chuyện xóm râm ran, rôm rả. Và mẹ cứ nhắc - "Ăn nhiều đi con. Ở nhà đâu thiếu thứ gì.". Nhìn theo tay mẹ xới cơm hình như có cái gì lóng ngóng, tôi liền đứng lên rướn người nhìn về phía nồi cơm mà mẹ và đứa em gái ngồi che khuất .Thì ra có hai nồi cơm .Tôi hiểu ra mọi chuyện. Cổ nghẹn đắng . Tôi nhìn mẹ như thầm trách , mẹ nhìn tôi với nụ cười gượng gạo như mếu. Ngoài trời rả rích mưa,  gió lào xào rít lên thút thít. Mưa miền núi nặng nề, buồn mênh mông...
 Đi dọc cuộc đời bao năm , hình ảnh hai nồi cơm lâu lâu lại hiện về trong ký ức với quá nhiều day dứt. Quê tôi nghèo lắm. Hai nồi cơm - Một nồi là cơm thật có độn một ít , xới cho cha con tôi - Nồi cơm kia chắc chắn chẳng có hạt gạo nào, chỉ có khoai khô với sắn non xéo lên để mẹ và hai đứa em gái. Nhiều đêm nhớ đến nụ cười gượng gạo như mếu của mẹ ,nhớ miền quê nghèo khó với khoai sắn xéo lên cõng cả nhà qua mùa giáp hạt... Mẹ ơi , mẹ dấu con làm gì để nhiều lần con đắp mền nằm khóc một mình, mẹ biết không?  Mẹ nhường nhịn cho con làm gì để con ray rứt , ấm ức khi xa quê với những dòng nước mắt nóng hổi...
                             Bao năm cơm trắng xứ người
                      Bưng lên đặt xuống ngậm ngùi quê xa.
  Bao năm từng sống nơi miền Tây Nam bộ - Gạo trắng cá tươi- con lại nhớ về mẹ , về quê hương về những trận bom mà ngọn rau cũng khó nhọc mọc lên . Hạt lúa củ khoai sẻ chia ra chiến trường , chia sẻ cho đồng bào vùng ác liệt ...
  Hạt gạo quê nghèo, dành cho tuyến lửa
Nên người quê đứt bữa, có can chi
 Những mảnh ruộng manh mún của người miền núi phải bỏ hoang  mà thấy sự hy sinh của mẹ như biển trời cho chúng con nên người hôm nay.
  Bây giờ quê hương đã đổi khác. Những vết thương chiến tranh tranh đã lành da liền thịt thì mẹ đã đi xa rồi. Mẹ đã yên nghỉ trong lòng đất . Vườn rụng đầy lá khô . Cây xoan mé hồi nhà bếp trơ cành khẳng khiu , " Lá rơi xót đất hoa bay đắng trời..." .Quê hương đổi mới không còn hạt gạo tháng ba nhìn qua tháng bảy nữa mẹ ơi. Đồng ruộng đã được mở mang rà nhặt mảnh bom mảnh đạn , khai phóng thêm ruộng nương như đồi Thị , khe Quýt... . Nơi  khi xưa khói bom mù trời san sát các hố bom giờ là cột mốc KmO  đường mòn Hồ Chí Minh vươn cao sừng sửng , oai hùng...Dưới  
 

NỖI NHỚ THÁNG BA
Cuốc gọi vào hè, cái nắng oi oi
Hoạ gạo thắp xôn xao màu lửa
Tháng ba về nôn nao nỗi nhớ
Con lục tìm bóng dáng người xưa
***
Tháng ba về lem luốc cơn mưa
Gà nhao nhác quẫn quanh xó cối
Đụn rơm nát, không còn nguyên sợi
Thương bò gầy nhai nắng dưới hàng cau
***
Mẹ ra đồng hái vội bó rau
Cha lên núi từ khi mờ đất
Gánh củi khô chợ Chiều tất bật
Gạo về làng, mắt mẹ trong veo
***
Giáp hạt về, con nít hò reo
Mang giỏ ra đồng đào khoai lang mậm
Gặp củ to tay xoa , miệng lấm
Uống bụng nước đồng cả lũ đều no
***
Giáp hạt về, người vay lúa chật kho
Tay xách, nách mang, như nhận quà cứu trợ
Hạt gạo quê nghèo, dành cho tuyến lữa
Nên người quê đứt bữa, có can chi
***
Trúc, nứa, lá lằng , chợ Giát, chợ Sy
Cha kiệt sức khi hàng ẩm ế
Con nông nỗi, biết chi đời dâu bể
Cứ ăn chơi lêu lỗng, dại khờ
***
Tháng ba về vàng vọt câu thơ
Thương trang Kiều tò vò xây tổ
Lời ru buồn lang thang theo gió
Cánh vạc, cánh cò tiếng mẹ khàn hơi
***
Tôi muốn quay về dữ dội tuổi thơ chơi
Cùng lũ mục đồng, mẹp bùn Bàu Thọ
Lên động Rú Giai ăn cù lây* chín đỏ
Lúc đói lòng đào khoai mậm tháng ba
***
Cơn bão đời vần vũ đã lùi xa
Bình minh lên muôn nhà no đủ
Nén hương lòng nhớ người muôn năm cũ
Mắt đẫm sương chiều, vời vợi tháng ba xưa!
( Tháng ba 2020 .

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng…. Có mất mát nào lớn bằng cái chết /Khăn tang vòng tròn như một số không…” Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai diễn đạt về nỗi đau của chiến tranh hay và xúc động như Phạm Tiến Duật.



6 nhận xét :

  1. Quê bác nghèo. Quê tôi cũng không giàu gì hơn. Nhưng có một chút khác là làng tôi, nhà tôi, không phân biệt nam nữ, cao tuổi hay thanh niên. Cơm độn cùng nhau, ăn cháo cũng cùng nhau. Chỉ khi có người ốm thì được "ưu tiên" phần cơm ít độn hơn thôi. Một thời khốn khổ vì không đủ người khỏe làm nông nghiệp, và cái chính là hợp tác xã, "cha chung không ai khóc". Chỉ khi thay đổi bằng khoán hộ và dùng thêm giống mới, như có phép tiên. Hết đói. Lại có gạo xuất khẩu...Hai nồi cơm là hình ảnh ám ảnh bác, và ám ảnh người đọc. Phụ nữ quê bác thật đáng kính nể về lòng thương dành cho chồng con!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì được cùng tám chuyện với bác . Có một số ý kiến thêm nhằm làm sáng tỏ thêm bài viết bác ạ.
      1 - Câu chuyện có bối cảnh sau chiến tranh , là một thời khốn khó chung của cả nước. Xứ Nghệ quê em còn nặng nề hơn vùng khác do hoàn cảnh địa lý , chiến tranh và thiên tai...Thời nào thì xứ Nghệ vẫn là vùng đất khó khăn nhất nhì nước . Trong bài " Khúc hát sông quê" Nguyễn Trọng tạo có câu : ..." từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy" là muốn nói quý từng hạt phù sa đem đến cho đất cằn . Tháng Ba tháng Bảy là muốn nói đến giáp hạt đói không thể quên trong ký ức của những người xứ Nghệ. Bài viết này cũng bối cảnh giáp hạt.
      2 - Do giáp hạt , nhà còn ngần ấy gạo . Nếu nấu chung độn vào thì cũng được bữa ăn cho cả nhà mà không phân biệt nam hay nữ. Nhưng người mẹ lại muốn con trai mình được ăn cơm , mẹ và con gái muốn nhường phần một cách âm thầm dấu diếm. Đó chính là sự hy sinh muôn thuở của người phụ nữ , người mẹ. Thế mới ra hai nồi cơm .Cũng cần nói thêm là không hẳn phổ biến ở quê em mà vùng nào cũng có. Đâu đó các chị , các mẹ vẫn âm thầm nhường nhịn mà ta bỏ qua không quan sát. Có người mẹ chỉ lưng bát cơm , giơ lên ngồi nhai miệng không suốt bữa nhường phần cho con , cho chồng bác ạ. Bản chất Phụ nữ luôn có đức tính hy sinh .
      3 - Bác nói đúng. Hình ảnh hai nồi cơm day dứt em suốt dọc đường đời và đây là bài viết đầu tiên khi em tập tọe viết blog. Nói như thế để bác biết là nó ám ảnh và thường trực như thế nào trong em. Bài viết này khai hỏa blog nhận được nhiều đồng cảm chia sẻ của bạn bè nên nó đẩy em theo blog tới giờ...
      Xin chia sẻ thêm và rất vui được tám chuyện với Bác Vũ Nho.

      Xóa
  2. Đọc bài này của lão, em bật khóc...
    Lão biết không, ngày xưa khi em còn bé, nhà cũng từng ăn cơm độn khoai, độn sắn khô, những ngày nhà hết gạo, còn được mẹ cho ăn những cái bánh làm từ bột ngô, trẻ con chẳng biết gì, chỉ thấy ngon, hào hứng một hai bữa đầu. Đến khi chán, lèo nhèo bảo mẹ, con chẳng ăn nữa đâu, con muốn ăn cơm trắng cơ... mà vô tình không nhìn thấy nét lo âu trên mắt mẹ.
    Mãi sau này, khi lớn rồi, mới hiểu, thì ra cái quãng thời gian khó nhọc nhất của mỗi đời một con người, lại chứa đựng những gì thân thương nhất.
    Tình cảm gia đình, với ba, với mẹ, với anh chị em cùng những người thân, là không gì đánh đổi được phải không lão.
    Em trân trọng cái cách mẹ lão, và em gái lão đã âm thầm dành những gì yêu thương nhất cho lão. Gửi cả vào đó một trái tim...
    Lão này, trong đó có mưa nhiều không, ngoài này nơi em lạnh rồi, lão giữ gìn sk nhé. Và luôn bình an.

    Trả lờiXóa
  3. Lâu lâu Tím rời phố thị ồn ào ( FB) quay về xóm quê (blog) thật đáng quý. FB có những tính năng vượt trội so với lão blog già nua chậm chạp . Nhưng lão biết , nhiều người vẫn thích cõi lặng như blog nhưng mải vui quá nên quên lối về.
    * Với phụ nữ , gia tài lớn nhất trên đời chính là con. Họ có thể hy sinh tất cả để dành niềm yêu thương cho con. Có lẽ chỉ có tình Mẫu tử mới thiêng liêng cao quý như vậy. Bây giờ em đã là người mẹ , mới hiểu hết đêm dài nuôi con cũa cha mẹ ta ngày trước. Chắc chắn hình ảnh cu Tôm luôn hiện lên trong tâm trí em mọi lúc mọi nơi và luôn làm em cảm thấy hạnh phúc. Chuyện hai nồi cơm này cũng thế. Người mẹ luôn hy sinh cho con và cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Bản chất của người phụ nữ rất rõ - Yêu thương , hy sinh và hạnh phúc.
    Ngày xưa ta còn bé , nhiều hy sinh của cha mẹ mà ta vô tình lướt qua , chỉ vì đó là thời kỳ nghèo khó của mọi nhà. Làm cha làm mẹ phải hy sinh nhiều lắm . Bây giờ khá hơn , người phụ nữ hy sinh bằng cách khác. Ví dụ như hy sinh việc riêng tư của riêng mình để luôn chăm con tốt nhất chẳng hạn...
    Kỷ niệm trên khó quên và ám ảnh lão suốt dọc cuộc đời Tím ạ. Nhân Bách nhật của mẹ , bài viết như khơi dậy , đốt lên thành khói hương gửi lời đến Mẹ trên chín tầng mây...
    Cảm ơn Tím.

    Trả lờiXóa
  4. Ở đâu người mẹ cũng thương con nhưng cái thương của người mẹ nghèo nó đặc biệt sâu đậm hơn vì đó là chịu đựng thầm lặng ,dai dẵng và lấp lánh niềm vui dung dị ! Đọc bác ta cảm thây rưng rưng lệ ,thấy mình luôn mắc nợ bậc sinh thành !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng quá anh P. Chúng ta như luôn mắc nợ bậc sinh thành. Có nuôi con mới thấu hiểu mẹ cha ta một thời trong khó khăn bươn chải nuôi ta lớn lên thành người.Sự hy sinh của cha mẹ với con cái là sự hy sinh vô cùng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))

Lên Trên! Xuống Dưới!