Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

 CÔ THƯƠNG

( Chỉ là ghi nhật ký .Biết đâu ai đó cũng cần)
.....
Ngày 3/11.
Đêm qua có gì đó trăn trở khó ngủ như bị cảm. Mùa này là mùa cảm cúm, nhưng thời dịch dã tràn lan thì phải coi chừng.
Sáng ra triệu chứng rõ ràng hơn. Hắt hơi và ngẹt mũi. Người ngây ngấy khó chịu nhưng không sốt. Chiều ra chợ mua nồi lá xông . May quá, chợ thời " Bình thường mới " tuy lèo tèo nhưng hàng lá xông vẫn có bán.
Chiều xông. Thấy dễ chịu chút ít. Đêm hơi nặng nề khó thở do ngẹt mũi. Không hề ho hay ngứa họng. May ra "Cô thương" chỉ là cảm cúm thông thường.
Ngày 4/11. ( Ngày thứ 2)
Có thêm triệu chứng nhức đầu nhẹ, không sốt. Sáng tiếp tục xông. Xông xong thì đứa em gái làm cho một tô cháo giải cảm gồm hành tăm ( củ nén) cùng lá tía tô, tỏi ăn nóng.
Gần trưa , tự nhiên mắt đỏ lên bất thường. Bắt đầu suy nghĩ về covid hơn là bị cảm cúm. Mở mày tính tìm hiểu về thể Delta. Thì ra chủng mới này ghi nhận có triệu chứng sổ mũi , hắt hơi và có mắt đỏ mà thể cũ Alpha không có . Gay go à nha.
Hơn 11 giờ trưa. Nhà đối diên bên trái con hẻm ( chỉ cách nhau 8m ) đang chăng dây cách ly tại nhà mấy bữa nay có biến. Y tế mang bình Oxy đến trợ giúp chắc có người khó thở. Lùng bùng bên đó ra sao đâu ai dám ra nhìn.
Chiều tiếp tục xông. Xông xong thì tận dụng nước đó ngâm chân . Khi bạn bị nhức đầu, ngâm chân nước nóng giúp máu huyết lưu thông tốt hơn nên đau đầu sẽ hết.
Chiều tối. Bên nhà cách ly kia ồn ào vì nhiều nhân viên y tế đến. Có gì đó không ổn rồi. Đúng thế . Nửa tiếng sau xe cấp cứu trờ tới bật đèn nhấp nháy đậu ngay đầu hẻm và mau chóng đẩy xe cáng rập rập chạy qua cổng nhà.
Hai anh em chúng tôi nhìn nhau thở dài.
Nhà giờ chỉ có hai anh em đầu đã bạc. Trước đây thì chỉ có 2 cha con . Nhưng nó là sinh viên Đai học Y Dược năm 4 phải đi tham gia chống dịch . Đi mấy ngày lại về nghỉ mấy ngày kiểu thay ca. Đành cho nó ăn nghỉ sinh hoạt cách ly riêng một phòng cho lành .Về đứa em gái thì trước dịch từ quê đưa con vào Bình Dương đi làm và kẹt covi rồi nhiễm covi luôn. Sau hai ngày sốt và khục khặc ho thì em nhập bệnh viện dã chiến điều trị covi lớn nhất nước. ( Bệnh viện 6 ngàn giường - Bình Dương).Thật nan giải vì tuy là Bình dương nhưng hai anh em chỉ cách nhau có 16 km mà thằng anh không thăm nuôi được em gái . Đau lắm . Mọi ngả đường đều chốt chặn mà bệnh viện cũng không tiếp nhận đồ thân nhân gửi vào. Vào đó coi như tự thân vận động. Em tôi nhát , lại lạ nước lạ cái, sức khỏe thì xục xịch nhiều bệnh nền, chưa tiêm mũi vacxin nào...chỉ biết động viện thăm hỏi qua điện thoại . Rằng cố gắng ăn uống và an tâm điều trị nghe lời Y Bác sĩ đừng lo lắng gì, luôn có anh đây bên cạnh...
Rồi sau 16 ngày, em được ra viện với chứng chỉ FO khỏi bệnh. Xe bệnh viện trả về phòng trọ nơi từng xuất phát, nay vắng hoe chỉ vài ba phồng còn trụ lại với ánh mắt thăm dò sợ hãi...
Sau hơn một tháng chống chọi ở khu phòng trọ đầy thiếu thốn và đơn độc, khi có lệnh gỡ phong tỏa một phần tôi đón em về đây chăm sóc. Hai mắt trũng sâu , bước đi liêu xiêu và tâm trí hoảng loạn do mất ngủ triền miên. Tóc rụng đầy nhà không chừng cuối năm phải đội tóc giả...Như vậy em xuống đây ở cùng tôi cũng được gần 1 tháng nay.
Ngày thứ 3.
Vẫn tiếp tục xông ngày 2 lần . Lá xông thông thường thôi nhưng sả nhiều và đập vào đó một nhánh gừng. Nấu nồi to đùng đun bằng bếp than, trùm kín chăn mà xông cho vã hết mồ hôi như tắm chớ không láp nháp kiểu cho vào ly hít hà xông mũi như voi uống thuốc gió bày đầy trên mạng. Nhà có cái bếp than thần thánh dùng để đun thuốc nam, thuốc bắc trường kỳ kháng chiến với bản thân. Sống một mình tự lo quen rồi. Nay đem ra ngày nào cũng đỏ lửa đun siêu thuốc cho em gái. Buổi đầu mới đến mình dặn dò với em:
- Em cứ xem đây như cơ sở phục hồi FO, đừng lo sợ gì hết...Sau bạo bệnh , cơ thể mệt mỏi, tiểu cầu giảm sẽ kéo theo suy nhược và vô số bệnh khác nổi lên là điều tất yếu. Cho nên phải vừa ăn uống bổ dưỡng điều độ vừa phải uống thuốc nam, thuốc bắc để điều trị căn nguyên .
- Uống 10 thang thuốc bắc đã cắt, liên tục trong 3 tuần. mỗi ngày uống hai lần. Ngoài ra uống thêm thuốc khác phụ trợ ,bồi bổ nguồn vitamin tự nhiên và nguyên tố vi lượng qua các loại trái cây.
- Ăn uống ưu tiên rau củ quả là những món dễ tiêu hóa. Thịt cá chỉ chiếm phần nhỏ, không phải là chủ đạo. Vì cơ thể đang yếu nên hệ tiêu hóa cũng yếu theo, nó cần sự làm việc nhẹ vừa sức. Chỉ ăn chừng 70% cho nhẹ bụng, ăn làm nhiều lần. Cố gắng uống nước nhiều nhất có thể kể cả khi không khát để cân bằng sự trao đổi chất và đào thải độc tố.
- Luôn giữ ấm thân thể nhất là hai bàn chân. Hạn chế dầm dề với nước lạnh. Vận động nhẹ như đi bộ loanh quanh trước nhà về đêm khi đã vắng người nhưng chú ý tránh gió. Dùng máy massage cầm tay kích thích cho máu huyết lưu thông và ngâm chân nước nóng hàng đêm trước khi đi ngủ...
Với phác đồ phục hồi hậu FO tự biên tự diễn này chỉ sau 5 ,6 ngày em bắt đầu ngủ được đủ giấc. Nói cho có, phụ nữ luôn cần chỗ dựa tinh thần chứ chỉ thuốc không thì chưa đủ.
Nhà này xin thưa, không những có bác sĩ mà còn có cả cha bác sĩ nữa nha em.!
Ngày thứ tư
Sáng ra cơ thể vẫn nặng nề khác với những lần cảm cúm trước đây, đáng ra sẽ thấy nhẹ nhàng hơn sau 3 ngày xông liên tục. Mắt càng ngày càng đỏ và mờ đi. Hắt hơi đã thưa dần và nước mũi không còn chảy. Sẵn mũi đã thông ,vào bếp lấy chai mắm tôm mở nắp ngửi thử xem- Tịt câm luôn, chả nhận ra mùi gì. Thế là đã rõ, covid chắc luôn chứ không còn nghi ngờ gì nữa rồi... Phải bình tĩnh, hốt hoảng là mang thêm bệnh vào thân . Đang mông lung nghĩ có nên test không thì thằng bạn ghé nhà có chút việc. Cổng vẫn đóng , người trong kẻ ngoài nói chuyện. Khen nó mập và khỏe ra. Nó khoe:
- Em FO ra trại tập trung cách ly hơn một tháng nay. Goa chời. Vô đó ăn ngủ, về nhà cũng ăn ngủ lên mấy ký. Giờ covi co véo vô tư. Miễn dịch hơn cả chích 2 mũi rồi anh.
Hai vợ chồng nó còn trẻ ( sinh năm 80) con cái thì gửi ngoài quê cho ông bà ,quấn nhau cả ngày lẫn đêm do phong tỏa không đi làm được vậy mà chồng bị vợ không sao cả. Tài thật.
Ngày thứ 5.
Đêm qua nằm nghĩ thiệt hơn chuyện có nên test hay không và quyết đinh là không. Nếu test ra âm tính thì vẫn không thể an lòng vì triệu chứng đặc trưng của nhiễm covi mình có đủ hết. Chắc chắn dính rồi, nhất là từ hôm qua ngửi chai mắm tôm chả nghe mùi mè gì . Đây là test thực tế rất đặc trưng của nhiễm covid, test y tế hay không cũng không mấy cần thiết. Bụng chềnh ềnh lên là mang bầu rồi còn phải khám coi có thai không mần chi?. Nếu test ra mà dương tính thì cũng cách ly điều trị tại nhà như người ta thôi. Chỉ khác là mình không nhận được túi thuốc điều trị và sự giám sát của y tế . Dù trong bệnh viện F0 hay cách ly tại nhà thì phác đồ điều trị covid của bác sĩ chắc vẫn giống nhau : sốt thì uống hạ sốt , ho thì uống thuốc ho , nhức đầu thì uống thuốc nhức đầu ( điều trị triệu chứng) . Thêm mấy vỉ VitaminC nữa. Ngoài ra có thêm 2 loại thuốc đặc trị là thuốc chống đông và kháng virut ( Molnupiravir) - Chống đông đây là chống đông máu, có thể uống Aspirin81 thay thế . Thuốc kháng virut là thuốc mới phải có chỉ định của bác sĩ. Thôi thì ta dùng tỏi ăn hàng ngày thay thế thuốc Molnupiravir kháng khuẩn, cam vắt thay cho VitC. Nhức đầu hay sốt thì cứ nã Panadol ... Thêm kiêng nước lạnh và ra gió vì có thể gây cảm lạnh làm bệnh này trầm trọng hơn lên thôi.
Với lại mình là trụ cột, là chỗ dựa niềm tin cho đứa em gái. Thử hỏi là dương tính , chăng dây cách ly thì nó lo lắng có khi hoảng loạn nữa là khác. Yếu tố tinh thần lạc quan ,vui vẻ trong điều trị bệnh và hồi phục sức khỏe quan trong lắm. Khi ta vui cười thăng hoa thì não tiết ra một số Enzim có lợi tốt cho sức khỏe. Bởi thế mới có câu " Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ" . Coi như tự giác cách ly với bên ngoài.. Từ nay việc chợ búa để em gái tự đi .Sống ngoan trong nhà cho..." cô thương" !
Tự xem mình là FO để có những rào cản về tiếp xúc với bên ngoài, để nghe ngóng cơ thể ra sao trong biến chuyển của bệnh. Nếu có những bất thường như khó thở, trở bệnh thì phải báo ngay cho y tế can thiệp . Với 2 mũi vaxin đã tiêm, củi gộc hơn 60 niên này tuy có bệnh lý nền là huyết áp mình vẫn tự tin là sẽ vượt qua. Củi nhánh củi cành cháy trước mới tới củi gộc mà ! Dân miền núi choa đây trâu bò to thế mà còn cưỡi lên lưng , đứng lên sừng, xỏ mũi nạt nó một câu là nghe lời răm rắp huống chi mấy con bui bui này!..
Chiều . Nhà đối diện chếch về phía phải mà cánh cổng nhà đó cách cánh cổng nhà mình chỉ có 2.8m ( bằng đúng chiều rộng con hẻm - có hình chụp cuối bài) cũng căng dây cách ly nốt. Chu choa. Tứ bề thọ dịch, phải trái gì chăng dây hết. Bác sỹ đang trao túi thuốc cho chủ nhà và dặn dò sử dụng thuốc nghe rõ ràng như đang nói với chính nhà mình vậy.. Cũng lại thuốc ho ,hạ sốt và nhức đầu.. Nếu thấy khó thở nhiều thì gọi ngay theo số điện thoại có trong túi thuốc ...
Một màu u ám bao quanh. Vừa mới gỡ phong tỏa với nhiều dè dặt 2 tuần nay, căng thẳng quay ngoắt trở lại rồi trời ạ. " Ngày vui ngắn chẳng tày gang..." 6 tháng nay hết đợt này đến đợt khác bừa đi bừa lại , thể xác và tinh thần bị dồn vào chân tường ! Khổ sở không để đâu cho hết." Dẫu là đá cũng nát gan lọ người ". Ngán hơn bốc Shit!
Ngày thứ 6.
Đây là ngày bước vào vùng đỏ nguy hiểm của chu trình covid hoạt động. Nói cách khác nhiều bệnh nhân ngã gục ngày này do bệnh trở nặng và không qua khỏi. Phải chú tâm nghe tiếng nói của cơ thể xem có gì bất thường để biết mà tính . Mắt đã bớt đỏ hơn nhưng vẫn mờ , nhất là lên mạng đọc báo chừng 15 là nhòe luôn.
Nhiều lúc cũng choang choáng ,mệt mỏi muốn nằm nhưng phải gượng thôi.
Bây giờ trong nhà này cựu FO quay qua chăm sóc cho tân FO. Vật đổi sao dời trên đời này nhanh quá.
Em gái thì lo lắng, mua cam, chuối bưởi giục ăn liên tục. Lâu lâu lại hỏi - Anh thấy thế nào? Chả sao cả, vẫn bình thường. Mình phải trấn an nó:
- Như em đó. Sức khỏe đâu tốt bằng người ta, lại chưa tiêm vacxin mũi nào mà vẫn qua khỏi covid . Em biết vì sao không? Mấy anh em nhà ta đứa nào cũng chịu ảnh hưởng di truyền từ mẹ truyền sang là rất dễ bị cảm cúm. Trong làng chưa ai bị cảm cúm ( hay còn gọi là cúm mùa) thì mẹ đã bị trước rồi đến chúng ta. Có năm cả nhà nằm la liệt còn mỗi mình cha thì không. Hết đợt này đến đợt khác . Lâu dần kháng thể chống lại virut cảm cúm trong mỗi chúng ta trở thành thiện chiến hơn của người khác. Kháng thể chống virut cũng giống như lực lượng quân đội công an bảo vệ đất nước mỗi khi có giặc xâm lăng thì xông ra tuyến đầu . Khi có virut xâm nhập cơ thể, tuy cơ thể ta không khỏe mạnh như người khác nhưng nhờ đội quân kháng thể như quân đội công an kia quá thiện chiến, đã trải qua nhiều kinh nghiệm trận mạc nên " Kẻ thù nào cũng đánh thắng" . Virut cúm mùa hay virut corona banh xác tơi bời liền. Còn những người to khỏe ít ốm đau lặt vặt , nhất là không bị cảm cúm thì lực lượng quân đội công an trong cơ thể họ toàn lính kiểng, lính cảnh nên chả biết đánh đấm gì dễ bị thua . Covid này cũng là một dang cúm mùa thôi, có nơi gọi nó là cúm Tàu.
Nó cười ha ha, khen anh giải thích dễ hiểu. Mình khuyên nó đang rảnh, lấy mấy tập sách " Sức khỏe của bạn" tập hợp những câu hỏi của bệnh nhân và trả lời của bác sĩ Dương Minh Hoàng mua từ hơn 20 năm trước ra đọc rất bổ ích...
Ngày thứ bảy.
Chào một ngày mới sau một đêm ngon giấc không có gì bất thường. Các chỉ số huyết áp, nhịp tim thậm chí là đẹp. "Cô thương"!
Ngày thứ tám.
Hôm qua ngày thứ bảy "vùng đỏ"qua mau bình an vô sự .Trườn qua được ngày thứ tám này nữa là an tâm cập bến "vùng xanh" an toàn rồi. Để phân tán suy nghĩ, đưa mấy tập cuối "Tam Quốc Diễn Nghĩa" ra nghiền ngẫm, bày mưu tính kế cho Khổng Minh, Khương Duy đánh chiếm trung nguyên chơi. Hơ hơ, (Ốc chả lo thân ốc lo cộc mọc rêu!). Hai anh em chỉ chúi mũi vào sách. Em bây giờ sức khỏe khá lên nhiều rồi. Da dẻ có thần thái hơn do ngủ được bình thường. Tự đi chợ nấu ăn và làm mọi việc vặt trong nhà chăm sóc ông anh FO. Tâm lý ai cũng thế, nhớ nhà, nhớ quê nên nhiều lúc trông em thẫn thờ quên trước quên sau...Tuổi này không nhớ con mà nhớ cháu. Đứa cháu ngoại 4 tuổi gắn kết với bà từ khi lọt lòng nên nỗi nhớ sâu đằm thổn thức cả trong giấc ngủ.
Ngày thứ chín.
Mới sáng ra, nghe tiếng bà Tư bên kia chửi qua điện thoại:
- Có về ngay không? Ba bề bốn bên toàn co vít mà sáng là đi hít. Hít đi cho lắm. Cà phê uống nhà không chịu , muốn rước bệnh về nhà à. Tui còn yêu đời lắm chưa muốn chết đâu. Ông về ngay đây cho tui.
" Hít đi cho lắm". Hụ hụ, bà Tư ơi, mũi tôi ngày thứ 9 rồi này, vẫn chưa phân biệt được mùi gì, thân mình lo hít mắm tôm chưa xong lấy đâu đi hít của thiên hạ bên ngoài làm gì?!. Khi phải đối diện với bệnh tật hay bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, cách tốt nhất là giữ sự bình thản và tự tin, nếu hài hước được thì càng tốt. Nhiều người họ than vãn rằng dịch buồn quá, chẳng làm được gì, chẳng được đi đâu. Họ quan tâm đến những việc phù phiếm như tán chuyện quanh ly ca fe, tụ tập bạn bè mà quên đi sự cần thiết của bài học bảo vệ cộng đồng...
Buổi tối . Sau khi xem bóng đá Việt Nam - Nhật Bản, mình bất ngờ nói với em:
- Thấy em cũng khoe khỏe rồi , anh cũng đã ổn, 5 ngày nữa anh cho em về. Ngày 16 này về nha.
Nó dạ rõ to mà mình biết chắc nó đang hân hoan hạnh phúc. Cách nay nửa tháng , mình từng bảo - Em phải cố gắng uống thuốc đều cho khỏe để còn về quê. Nếu hơn tháng nữa tình trạng bệnh tật , sức khỏe của em vẫn như bây giờ anh sẽ đưa em về và quay vào, không sao cả. Có lẽ nó thương anh phải đưa về nên uống thuốc đều , không bỏ cữ nào.
Một ngày tốt đẹp trôi vào giấc ngủ thật ngon.
Ngày thứ 14.
Trước khi lên xe phải có chứng chỉ test nhanh. Không phải hồi hộp như em, mình tin là em âm tính. Và đúng rứa thôi.
Chọn đi xe giường nằm là vì còn ôm cả gần...30kg quà trái cây miền nam. Người quê vẫn tham xưa nay , đi xa về phải có chút quà không thì...lóng ngóng với anh em , hàng xóm lắm. Thứ nữa là đi xe này về xuống xe chỉ cách nhà đúng 1km , rất tiện nên tham.
Nỗi lo và niềm thương gửi theo vết xe lăn, cầu mong mọi việc đều ổn.
Em về ta lại đóng vai điều dưỡng chăm sóc hậu FO là mình.
Ngày xưa đi học, cho dù học dốt vẫn được cô cho lên lớp đấy là nhờ " Cô thương"!
Trên đường đời gập ghềnh sáng tối , trườn qua được những khúc quanh nghiệt ngã cũng nhờ " Cô thương"!
*****
Ngày 23/11-2021.
Đến nay thì em đã tự cách ly tại nhà ở quê được 7 ngày theo quy định của địa phương là 14 ngày. Hôm nay trưởng xóm phát loa cả sáng lẫn chiều thông báo huyện ta có 1 ca nhiễm covid đến khu vực này. Mọi người chú ý tránh tiếp xúc những địa điểm người này từng vào ăn uống với các đia chỉ cụ thể dài ơi là dài hôm qua và mấy ngày trước...
Em kể - Cũng gian nan trầy vi tróc vảy lắm anh. Em xuống xe thì điện cho đứa em ra đón nhưng nó không dám đi. Kêu taxi thì cũng lắc đầu luôn. Ngoắc mấy ông xe ôm, ông nào cũng ngó lơ đi nơi khác. Họ sợ dân từ Sài Gòn ra còn hơn sợ cọp. Muốn khóc với hai cái valy nặng đầy trái cây này quá. Người thì mệt rã rời ,mãi rồi cũng có một ông xe ôm liều mình chở về .
Số trái cây làm quà không một ai dám nhận. hu hu. Gồng mình ăn dần thay cơm. Cách ly tại nhà ,chị và em tiếp tế khá chu đáo ,treo đồ ở cổng chứ hôm về đến giờ chưa nhìn thấy mặt ai cả, chỉ thấy lưng. hu hu - Bao nhiêu quần áo trong này về cho vào ninh nước sôi trước khi giặt...
Dịch dã, giãn cách xã hội làm đảo lộn cuộc sống bình thường và gây nên nhiều hệ lụy. Cuộc sống chậm lại với dịch dã này cũng là lúc cho ta suy ngẫm thêm thái độ sống vị tha, ứng xử thương yêu nhau, luôn tin tưởng ngày mai trời sẽ sáng. Cùng cẩn thận với 5K và đưa tay ra dắt nhau đi qua hoạn nạn mà đừng ai trách cứ, hằn học vì covid, bởi lẽ ai trong chúng ta cũng có thể bị nhiễm khi còn phải sống, phải hít thở khí trời. Đau thương mất mát nhiều rồi. Đừng kỳ thị đẩy xa thêm khoảng cách giữa người với người. Cuộc sống này vốn dĩ vô thường và luôn tồn tại một cách tất yếu - kể cả covid.
Nói gì nói. " Cô thương " là lên lớp !

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lên Trên! Xuống Dưới!