Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

 

CHỊ BA


Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Lời chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn đọng lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta ...
( Lưu Quang Vũ ).
.....
Ngày ấy vừa ra trường , chúng tôi lên tàu lửa từ Hà nội đi thẳng vào Sài gòn và xuống miền Tây Nam bộ sau một khóa tập huấn 3 tuần ở Thủ Đức. Đó là cuối năm 1978 khởi đầu cho việc cải tạo nông nghiệp Miền Nam theo hướng tập đoàn, tập thể của miền Bắc. Chúng tôi ngạc nhiên và thích thú suốt dọc đừờng về miền Tây với bao la ruộng đồng thẳng cánh cò bay không hề có ngọn núi nào. Hai bên đường những con kênh hiền hòa lặng lẽ soi bóng màu xanh vườn cây trĩu trái. Đủ loại trái cây lần đầu được xem, được nêm mếm thật là thích thú. Nhờ trong đoàn có vài ba anh từng đi bộ đội rồi về học chung chỉ bày, nên chúng tôi không đến nỗi quá ngố. Vài ba tháng đầu còn nằm ở tỉnh , huyện sau đó thì chúng tôi được phân nhỏ ra xuống các xã bám dân vận động và thành lập tập đoàn máy nông nghiệp. Tôi một mình xách ba lô lộn ngược háo hức về hai xã Vĩnh Hanh và Cần Đăng thuộc huyện Châu Thành , tỉnh An Giang. Trụ sở của xã đơn giản chẳng có phòng ốc gì nên chú Ba Khánh, bí thư chi bộ xã gửi tôi vào ở nhà dân. Đó là một nhà thuộc thành phần khá giả ở ấp . Buổi đầu tiếp xúc với gia đình, thấy phòng khách khá hoành tráng lại thêm cái két sắt kênh kiệu sừng sững góc nhà ,làm tôi tò mò và hơi run. Bởi miền Bắc làm gì có nhà nào mà sắm két sắt như ngân hàng vậy?
Mấy ngày đầu còn bỡ ngỡ, lóng ngóng còn sau đó tôi chú ý quan sát để dần thích nghi. Nhà có chị Ba - lớn hơn tôi hai tuổi - là giáo viên dạy lớp 2, sáng nào cũng dậy sớm lau nhà sạch sẽ rồi mới đến trường. Nhà có mấy đứa em trai nhưng chẳng đứa nào lau nhà tiếp chị . Thanh niên miệt quê Nam bộ ,sáng ra nhảy khỏi giường súc miệng, đánh răng qua loa là lao vội ra quán cafe ngồi với đủ thứ chuyện trên đời . Việc gánh nước, lau nhà đè lên vai mình chị. Tôi mạnh dạn tham gia gánh nước rồi lân la qua lau nhà cùng chị. Buổi đầu chị phản đối và ra chiều ngượng ngập xua đuổi nhưng tôi vẫn làm một cách cần mẫn. Tôi bắt chuyện, chị ít khi trả lời và tỏ ra chẳng hề quan tâm, chẳng hề khó chịu. Chị ít khi cười, nụ cười không dễ dàng ban phát cho người khác, nhưng khi cười trông chị thật xinh và rạng ngời thanh thoát. Người dân Nam bộ chân chất, hiền lành chịu khó, khoáng đạt nhưng hầu như đều thích cafe, ăn nhậu cả ngày hơn bất cứ vùng miền nào. Họ không mấy thích " Bắc kỳ" vì ý thức hệ lâu đời để lại. Chị Ba cũng thế , có lần thím Tư khen con trai người bắc không bê tha nhậu nhẹt như người Nam , chị phán thẳng một câu : "Bắc kỳ khó ưa!"
Dần dần những công việc không nề hà trong nhà đã xóa nhòa ranh giới của một anh cán bộ trẻ rụt rè mới ra trường với gia đình. Chú Thím Tư xem tôi như con trong nhà . Mấy đứa em thấy tôi siêng năng, khi thì sửa điện nhà , khi thì ra đồng như nhà nông thực thụ thì thân thiện hẳn lên. Trước đây mọi việc nhỏ to gì đều kêu thợ. Nay tôi ôm đồm cái gì hư hỏng đều mày mò sửa hết kể cả máy may hàng xóm nhờ. Thực ra là chỉ lau dầu và hiệu chỉnh các chi tiết nên chỉ cần siêng năng làm cho quên nhớ nhà.
Hàng tuần, cứ thứ hai và thứ năm, tôi thấy chị Ba mặc áo dài đến trường . Dáng cao thanh thoát , chị mặc áo dài thật đẹp. Những đường cong ấy nhiều lúc cứ uốn lượn mãi trong lòng chàng trai miền núi như tôi. Những món ăn ngon và lạ đặc trưng của vùng nam bộ quả là phong phú và hấp dẫn. Lâu lâu chú Tư lại nhắc làm món bánh xèo , bánh khoọc cho thằng hai ăn bây. Tôi trở thành tay xay bột nhiệt tình nhứt miền Tây Nam bộ.Thím Tư thì bảo - "Tao thấy món gì mầy cũng khen, nhìn nước ăn mà thèm, chưa thấy chê món gì." Tháng lương đầu cùng nhu yếu phẩm khiêm tốn thời đó tôi mang về với ý phụ giúp cùng gia đình. Chú thím nhất quyết không nhận ,bắt tôi tiết kiệm để dành mà về phép thăm quê hương bố mẹ. Mà có tiết kiệm được đâu, lương ba cọc ba đồng cho tụi nhỏ đi học ăn vặt còn thiếu.
Thấm thoát cũng đã hơn nửa năm , nhân ngày 20/11 chị Ba kéo thêm một cô giáo nữa về nhà nhờ tôi trang trí cho trường tờ báo tường . Có lẽ do rảnh, do cảm hứng nhất thời và trúng ngay đam mê nên tôi đã hoàn thành một tờ báo khá hoàn hảo. Chữ viết được tôi chăm chút bằng mực tàu ,viết rông bằng ngòi bút lá tre, nhiều người trầm trồ khen viết bằng tay mà đều đặn như máy in, quá đẹp . Màu sắc hài hòa và thêm những họa tiết khá là sinh động. Để không bị lộ tung tích là tờ báo được" mướn thợ", tôi phải trang bị cho chị Ba và cô giáo phụ trách chút ít kiến thức về hội họa nếu bị hỏi về trang trí làm báo tường. Đó là nét mảng ,hình khối , là luật xa gần , sáng tối - màu đậm vẽ trước , màu nhạt vẽ sau... Tờ báo ấy đã bắc cầu cho tôi biết thêm nhiều thầy cô ở ngành giáo dục khi chấm điểm được giải cao của huyện. tỉnh và có thêm nghề mới là viết giấy khen cho ngành giáo dục.
Tháng 3 năm đó tôi bất ngờ ngã bệnh .Bệnh thương hàn , người nóng như hòn than, co giật mê sảng. Khốn nỗi mấy tháng nay tôi cũng chưa về tỉnh để lĩnh lương do ngại đường xa nên chỉ còn mấy đồng bui bui trong túi. Chị Ba không ngại ngùng mua thuốc, chăm chút từng chén cháo cho tôi. Hai ngày liền không thấy giảm sốt ,nằm li bì gia đình đưa tôi lên bệnh viện huyện. Từ huyện lại chuyển luôn lên tỉnh. Vậy là ngoài thím Tư lo việc nội trợ ở nhà , còn cả gia đình thay nhau chăm tôi nằm bệnh viện. Hôm người này mai người nọ xoay tua. Những lúc tỉnh ,nghĩ tủi thân ,nghĩ đến lòng bao dung, đùm bọc của cả nhà ,tôi nằm nước mắt tự ứa ra nóng hổi.
Sau gần 10 ngày nằm viện , tôi lại trở về gia đình thân quen như ruột thịt của mình với sức khỏe yếu. Tai bị ù và nặng hẳn một bên.Thím Tư và chị Ba lại vất vả nấu cháo cho tôi ăn kiêng. Bởi theo lời khuyên của bác sĩ và kinh nghiệm dân gian, bệnh thương hàn phải tuyệt đối kiêng khem và chỉ ăn cháo lỏng . Cháo thịt bằm hoặc cháo cá có thêm rau xanh cho đủ chất. Thời những năm 80 , kinh tế khó khăn cả nước , nhiều gia đình đứt bữa . Nhìn bữa ăn tôi biết gia đình đã phải nhường phần cho tôi mau lành bệnh. Ăn cháo miết chừng hơn chục ngày đến nỗi mấy đứa em kêu luôn là anh Hai Cháo. Không có tấm lòng nhân hậu tận tụy của gia đình chắc tôi khó qua khỏi trận bệnh nhớ đời ấy. Bạn bè công tác tứ xứ mỗi đứa một nơi đâu dễ liên lạc báo tin.
Ngày qua ngày tôi cũng dần dần hồi phục. Cuộc sống rồi cũng trở lại bình thường .Những chiều buông xuống ,nhìn dòng kênh nước lớn nước ròng, khi trong khi đục mà nhớ nhà vô chừng. Những lúc ấy tôi ra cái ghế đá góc sân, lấy lấy thanh củi tre ngồi gõ lọc cọc vô hàng rào nghêu ngao hát cho khuây khỏa "...dầm mưa giải nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm. Em gái miền quê ..." thấy nhẹ lòng mà tản đi rất nhiều. Lúc nào có ghe tàu chạy ầm ì ngoài kênh thì hát to hơn chút mới đã. Vì ca sĩ " Hát khi xay lúa , múa khi tắt đèn " với giọng khê khàn chả muốn phiền đến ai. Một hôm ngồi ở phòng khách , tôi cũng nghêu ngao bài tủ ấy , chị Ba đến ngồi kề bên. Dạo này nét mặt chị rạng ngời nhiều hơn và cũng dễ cười hơn trước - nụ cười tươi xinh dễ mến. Chị cũng khe khẽ hát theo "... mặt trời trên đầu , ruộng vườn một màu ...". Hát xong chị bảo- " Hai Cháo lắm tài này chắc cũng nhiều tật, có đủ 10 hoa tay hông ta, đưa ra coi nào! Cái thì họa sĩ , cái thì ca sĩ , ai chịu đời cho thấu" " Tôi xòe tay cho chị xem . Chị nắm lấy dò xét, rồi nhẹ nhàng đặt bàn tay mềm mịn vội vàng vào bàn tay tôi . Một cảm giác ấm nồng và có cả sự run rẩy từ chị lan truyền sang. Hai má chị ửng đỏ, thoảng một mùi hương thơm quyến rũ .Chị ngước nhìn tôi bằng ánh mắt vụt sáng, vừa long lanh mạnh mẽ vừa nồng nàn ấm áp. Có những lớp sóng từ ánh mắt ấy dội vào người tôi lăn tăn, gai gai như hâm hấp sốt. Bất giác theo phản xạ, tôi úp bàn tay còn lại lên tay chị và nắm chặt, nghe rạo rực trống ngực lan ra cả mang tai ...Ngoài sân nắng quái chiều hôm bừng lên hắt vàng cả bờ kênh. Những hoa nắng chiều lung linh lọt qua khung cửa sổ nhảy múa lên tường như đang ngả nghiêng reo cười cho sự lóng ngóng của hai người ...
Hơi ấm bàn tay và cái nhìn nồng nàn lạ lẫm ấy khiến tôi hồi hộp xen lẫn lo âu . Tôi cảm nhận thấy từng đợt sóng dội vào mình qua ánh mắt của chị cứ lâu lâu lại quấn quýt trỗi dậy . Bàn tay nồng ấm, trơn mịn va chạm đầu đời của gã con trai chưa một lần làm tôi rạo rực khó quên . Lý trí mách bảo tôi rằng có cái gì đó thật gần, thật khó cưỡng. Tôi hoàn toàn chưa muốn lập gia đình khi cả đoàn công tác 14 người rút về Sai Gòn nay mai bỏ lại mình tôi bơ vơ nơi này. Tôi còn quá trẻ, còn phải học thêm với niềm mơ ước là Đại học mỹ thuật ở Sài Gòn...Công cuộc cải tạo cơ khí Nông nghiệp sau hai năm cho thấy không có sự khả quan như mong muốn cho cả vùng nam bộ mà trung ương đang đánh giá, xem xét lại...
Tôi đành gặp anh Khanh trưởng đoàn công tác tâm sự và xin chuyển đi một nơi khác xa hơn . Một quyết định nhiều trăn trở và đầy tiếng thở dài. Chỉ có tình yêu thương quá lớn mới dằn vặt, vắt nước mắt của đàn ông ra thành giọt. Mấy đêm liền tôi trăn trở như kẻ có lỗi như đánh mất thứ gì đó quý giá vô cùng..
Nửa tháng sau tôi chuyển về huyện Chợ Mới - cách khá xa gia đình thân quen đã gắn bó gần hai năm qua. Ngày chia tay không khí nặng nề , lặng buồn cả nhà. Nhìn ánh mắt chị buồn trông thật tội. Tôi không dám nhìn lâu vào gương mặt thẫn thờ của chị .Chị ép tôi nhận một kỷ niệm là chiếc nhẫn bằng vàng tây ( vàng 18k) . Nó nhỏ như cọng cỏ vì chỉ gần hai phân vàng, bảo rằng - "Nay mai anh Hai cưới vợ, tặng vợ". Tôi xua tay từ chối. Chị buồn . Mãi sau mới nói " Tui gom góp tiền viết giấy khen và bù thêm vô mua ..." Viết giấy khen mà mua được cả vàng nhưng cũng đành nghe theo cho chị vui lòng...Chiếc nhẫn nhỏ nhoi xinh xắn ấy là lần đầu trong đời tôi biết đến vàng, tôi đeo không vừa nhưng còn giữ mãi đến sau này.
Rồi công tác thuyên chuyển nhiều nơi , hơi ấm bàn tay ngày nào lâu lâu lại đánh thức tôi nhớ về chị. Tôi ân hận vì đã dối lừa chị, rằng do phân công công tác nên phải chuyển đi trong nuối tiếc , rằng về nơi công tác mới tôi vẫn luôn quay về thăm chị, thăm gia đình . Chẳng biết sự trốn chạy ấy là anh hùng hay hèn nhát , để rồi cứ ấm ức như người có lỗi. Ranh giới của đúng sai mãi mãi day dứt vẫn không tài nào trả lời được. Nhưng tính cách thật thà chất phác , đầy lòng nhân ái đùm bọc của người miền Tây thì như một tượng đài thì thật khó quên. Nó âm ỉ và thức dậy mọi lúc , mọi nơi . Tính cách đó đậm đà như thứ nước mắm nguyên chất chưa hề pha trộn , mặn mà và thấm bền ....Hai năm sau chị lấy chồng cũng là nhà giáo .Bốn năm tám tháng sau ngày cưới chẳng hiểu sao một ngày nọ, sau giờ đọc báo cơ quan buổi sáng , tôi cứ thấy lòng nôn nao, thấp thỏm đầy lo âu .Nóng ruột. Ghi vội lá thư về quê hỏi thăm cha mẹ , chiều đó, tôi nhảy xe từ Đồng Tháp qua An Giang như một phản xạ tự nhiên phải về thăm chú thím Tư .Vả lại cũng 2 năm qua lu bu chuyện cưới vợ tôi chưa về nên lòng khấp khởi nhiều buồn vui lẫn lộn.
Sau những thăm hỏi ban đầu, thím Tư sụt sùi cho biết chị Ba đang sắp chết . Chú Tư và thằng Lập đang bên đó để bàn chuyện khi chị mất sẽ đưa về bên đây nằm cạnh mộ ông ngoại.... Chị bị ung thư bệnh viện trả về, 5 ngày nay không còn dung nạp được gì kể cả nước uống. Không khí phòng khách như đặc quánh, khó thở. Vội vàng lôi mấy thứ quà vặt trong túi xách ra nhét cho thím , tôi tất tả đón xe đến nhà chị ở bên chồng.
Chị nằm trên giường nhịp thở ngắn, mệt nhọc. Tôi đứng lặng hồi lâu ngắm chị mà nước mắt trào ra. Ngay dưới hàm và cổ có một cái hạch nổi rất to. Không nỡ xa chị , tôi ngồi xuống mép giường cầm tay chờ chị tỉnh giấc. Bàn tay gầy khô, một thời trắng tròn mịn màng ngồi gỡ xương cá rô đồng nấu cháo và cũng bàn tay này nuôi dưỡng chiếc nhẫn của chị vàng óng hơn khi tặng cho tôi ngày chia xa... Phải gần nửa tiếng sau , chị ngọ nguậy và mở mắt. Chao ôi, đôi mắt trong trẻo ngày nào giờ đờ đẫn lòa nhòa. Chị khó nhọc nhìn, chẳng biết có nhận ra không nhưng môi mấp máy cười vô hồn. Lâu sau một giọt nước từ khóe mắt chị hịn ra .
Buổi gần trưa ngày hôm sau ,một đám mây xám bay qua nhà rước linh hồn chị về trời . Mây lang thang trời cao, bé Trang- con gái chị gần hai tuổi bi bô nói cười vì thấy nhà mình đông vui nhiều người...
Sài Gòn mùa mưa . Chiều nay ngồi hiên nhà chợt nghe bài "Duyên Quê "của Hoàng Thi Thơ ngày nào hát về em gái miền Tây từ nhà bên vọng qua , tuổi 60 ngây ngô gõ nhịp hát nhép theo, nhịp buồn nhịp nhớ...
"Gió lay cành đa
anh thương
anh thương em thật thà
mưa lay hoa cà
da em quá mặn mà
và thương bao giọt mồ hôi
đẹp má mặn môi. "...
**********
HOÀNG GIA.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lên Trên! Xuống Dưới!