Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020


TON SUR TON
Nghe tin anh lên Sài gòn ở với con tôi lật đật mua chai rượu xuống thăm anh ngay. Gặp anh vẫn nụ cười dễ mến như ngày nào nhưng khác là hàm răng đã mất đi một cái bên khóe miệng , anh cười chống chế - Mở cửa sổ cho mát mày ơi . Bộ râu quai nón nay đã bạc đi nhiều nhưng vẫn còn phảng phất Romantic lắm . Mà lạ . Tóc anh suôn , bổ luống giữa nhưng râu hai bên má thì lại hơi quăn rất điệu đàng , lãng tử.
Biết tính anh , tôi mang theo một bịch xúc xích, mấy trái ổi. Tính cách người Nam bộ không màu mè khách sáo và thích sự bình dân , chân chất đồng quê . Càng xuề xòa, khan mồi uống rượu nhâm nhi càng sướng . Chai rượu được khui ra.
-Mừng chào anh Ba ngày gặp lại - Tôi nâng ly -Ly đầu em vẫn uống trọn vẹn , từ ly sau thì tông xuyệt tông như ngày nào nhé! Huyết áp em đang có vấn đề. Mời anh uống trước.
Anh cười và vỗ tay xuống bàn:
-Chú mày hay. Nhớ nhau vậy là quý lắm, nhớ đến cả uống rượu tông xuyệt tông .
Hai mươi mấy năm trước, mỗi lần xong việc , anh Ba thường rủ tôi ngồi nhậu lai rai nói chuyện .Thường thì 3 người , có cả thằng Lâm. Khổ nỗi tôi không uống được rượu nhiều nên thật khập khiễng cho cả đôi bên. Có bữa vắng thằng Lâm, mỗi hai người chơi trò bập bênh với chai rượu mau tới tua lắm. Không lẽ anh uống rượu tôi uống trà thì ra cái ma binh gì. Anh Ba ra điều kiện :
-Như vầy. Nhậu có 2 người nên ta Tông xuyệt tông ( Ton sur ton) . Cùng là rượu trong ly , chú ít anh nhiều tránh ly trà cụng ly rượu là được.
Đúng là ngôn ngữ của dân nhậu mỹ thuật.
Trong hội họa, thuật ngữ "Ton sur ton" là chỉ sự hài hòa của màu sắc. Có thể hiểu nôm na sự hài hòa ấy là màu sắc tương đồng ,gần giống nhau hoặc giống nhau . ( Màu ly trà khác màu ly rượu nên không thể ton sur ton được). Màu sắc chỉ có 3 màu nguyên thủy nhưng người ta có thể pha ra muôn vàn màu khác nhau. Trắng và đen là 2 màu trợ giúp 3 màu cơ bản kia trở nên đậm lợt, tạo ra sắc độ hài hòa "Ton sur ton". Trong lĩnh vực thời trang người ta dùng từ này để chỉ sự hài hòa theo nhóm màu, cùng tông .Trong uống rượu hôm nay lần đầu nghe anh dùng tông xuyệt tông vào " Từ điển "nhậu .
...Cũng vì mê hội họa , lần đầu tiên một thằng miền núi như tôi đến Hà Nội cứ đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn mấy tấm poster hình diễn viên Trịnh Thịnh và Mai Châu, căng trước rạp chiếu phim mà ngẩn tò te , trầm trồ nhớ mãi tới giờ . Sau này ra trường vào Sài Gòn và xuống Cần Thơ - Long Xuyên ... chỗ nào có rạp chiếu phim là tôi tò mò đến xem Poster ( Hình ảnh quảng cáo cho phim). Một đam mê không giống ai . Trong các poster ở vùng miền Tây , thôi thích nhất ở hai rạp hát thị xã Long Xuyên . Nét vẽ đẹp mà chạy chữ cũng hết hồn luôn. Có những bộ phim nước ngoài , Poster diễn viên tuyệt trần đời với mái tóc vàng và đôi mắt xanh lơ xem không muốn rời. Bàn tay lụa là của họa sĩ thổi hồn vào nhìn mê mẩn , tha thẩn phải mất một lúc . Vừa nhìn vừa xuýt xoa cảm phục.
Hồi những năm 1988 -1990 kinh tế khó khăn , đồng lương hạn hẹp nên dù là cán bộ cũng cứ phải xoay xở tìm được việc gì là làm thêm việc đó chỉ để tồn tại. Lạm phát luôn ở mức 3 con số, đời sống của cán bộ , công chức thực sự là khó khăn. Cơ quan nhà nước thời bao cấp chỉ quản cái mông chứ đâu quản cái đầu . Các đề tài khoa học nhỏ lẻ thuộc cấp tỉnh đều đóng băng. Một anh chàng theo dõi đề tài khoa học khối văn hóa - giáo dục như tôi chỉ ngồi và ngồi. Cuối năm phải trả kinh phí các đề tài nghiên cứu về ngân sách của tỉnh vì không có đề tài. Bức tranh cuộc sống thật là ảm đạm .Một tuần tôi trốn cơ quan xuống xưởng vẽ vài ba buổi làm thêm . Tôi gặp anh Ba ở đây . Anh không làm thường xuyên , chỉ những lúc cần hình vẽ đẹp , chủ xưởng mới gọi anh . Biết được anh Ba chính là người ôm hết poster của 2 rạp hát ỡ cái thị xã này và cả mối quen bên Long Xuyên tôi ngưỡng mộ anh lắm. Thì ra bàn tay lụa là này từng thôi miên tôi qua nét vẽ của các rạp chiếu phim mà mình ngưỡng mộ. Tính anh ít nói , hơi trầm. Như bao người đàn ông Nam bộ khác ,anh không thích chuyện chính trị , cà fé ngày phải đủ bốn cữ và nếu rảnh thì lai rai nhậu không kể thời gian. Và rất đặc trưng của người Nam bộ , đó là trong túi áo luôn có vài ba tờ vé số để " nuôi hi vọng , có cái để chiều dò mầy ơi". Đã chơi với nhau , không kể bằng cấp cứ phải nhiệt tình thoải mái. Móc tiền chơi đến đồng bạc cuối cùng , bựa bựa là né xa nghỉ chơi luôn!
Cơ duyên may mắn nữa là anh chọn ngay tôi chạy phần chữ cho poster phim mới, khi vừa làm việc với nhau chừng một tuần . Anh bảo - Mày chạy chữ baton đẹp , có hồn nhất ở đây, vô nhà làm với anh. Tôi theo anh từ đó.
Nhà ông Họa sĩ nào cũng đều bừa bộn như nhau cả . Ngoài mảng quảng cáo anh vẽ cả tranh treo tường. Thời kỳ ngáp đói , ăn còn chả có bói đâu ra người đặt tranh treo tường? Phòng khách cũng là phòng vẽ. Màu lem luốc quệt cả lên tường trông như đám cỏ úa trổ bông. Khốn nỗi ,không bẩn và không luộm thuộm thì không phải là họa sĩ. Ấn tượng nhất là phòng khách treo hai bức tranh tương phản nhau quả là ngạo nghễ trong trang trí. Một bên là cô gái mặc áo dài trắng bước từ trên bậc thềm xuống cho ta cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản. Một bên là bức "Đôi giày " của danh họa Van Gogh cho cảm giác nặng nề , trầm uất.
Nghe nói bức tranh đôi giày này tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu trong số các tác phẩm nổi bật của người họa sĩ tài ba nhưng đoản mệnh Van Gogh. Nhưng đó ý kiến chuyên ngành, của các bậc học giả, của giới sưu tầm tranh... Người bình thường cảm nhận nó chỉ thấy nặng nề , u uất . Người vẽ nó đã truyền cả sự chán nản, mệt mỏi trong cuộc sống đến người xem qua màu tối bức bối đôi giày này. Nhìn đôi giày bờm xờm rách nát mà chủ nhân của nó lê bước kiếm sống trên mọi nẻo đường thấy hết cả sự mệt nhọc bế tắc trong tương lai . Tôi thích bức tranh thiếu nữ đài trang kia hơn.
Làm việc với anh thật thích . Được học hỏi thêm về họa hình và đi sâu vào thế giới màu sắc . Được tự do hoàn toàn . Khi cảm thấy không hứng khởi có thể ngưng nghỉ, về cơ quan cống hiến lý tưởng cho nhà nước. Không nên gắng gượng vẽ vời trong khi chẳng có chút cảm hứng nào, vẽ rồi thì cũng vứt . Mỹ thuật khác kỹ thuật ở chỗ đó. Có những poster diễn viên , hay những dòng chữ được vẽ vào lúc ma nhập, đẹp long lanh chỉ trong một thời gian rất ngắn. Còn nhớ hôm đó anh bận đi Long Xuyên 2 ngày, tôi nổi hứng bừa luôn bức hình diễn viên Thúy An - poster cho phim " Cánh đồng hoang" còn việc của mình tôi giao cho thằng Lâm làm. Cái cảm giác bị hút vào màu sắc bức hình sung sướng lắm . Lại thêm tâm trạng thoải mái vì lỡ có vẽ ra khuôn mặt chị hay em na ná Thúy An thì có thầy sửa. Ai dè bức hình mướt luôn ngoài mong đợi, không phải sửa . Anh về cười - Học mót mà muốn lấn luôn tao nữa ha mậy. Giờ nghỉ đi nhậu thôi, phạt mày hai ly và chơi sang luôn cho đã đời với Thúy An của mày! Món sang ở đây là dĩa cá kèo nướng ăn với rau răm, trúng mánh mới dám nhậu. Bình thường thì chỉ con cá khô, một dĩa đậu bắp luộc chấm chao hay bữa nào meo meo quá thì chỉ hai trái ổi chấm muối ớt là xong ,gặp đứa nào háu ăn nó mần vài nhát coi như dẹp nhậu luôn. Bữa nay anh vừa đi Long Xuyên về chắc còn dày túi. Mấy tay nhậu , bỏ tiền trong túi nó ưa vật vã quậy trong túi , khó chịu.
Tính cách anh Ba đầy chất thương hiệu " Ông già Nam bộ". Thoáng và hết mình. Nhiều hôm chỉ mới nhận tiền cọc trước, chưa làm gì, anh đã ngắt ra phân nửa đưa tôi và bảo:
-Mày cầm lấy đưa về cho vợ con nó mừng.
Con người anh vẫn thế. Không chỉ thân tình với người khác mà còn nói ngay làm liền không hề sân si gì cả. Gíup bạn bè là nhiệt tình, không kể thiệt hơn.
Chị Ba ít khi ở nhà vì chị làm hướng dẫn viên du lịch. Chị ít hơn tôi dăm tuổi . Chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều áo dài trong tủ như tủ áo của chị Ba. Đủ màu sắc rực rỡ. Trong lúc vợ tôi chỉ có một cái duy nhất do chị bạn giáo viên cho vì chị ấy mặc chật, chỉ dành đi đám cưới thì tủ chị luôn có 5 , 7 chiếc áo dài. Chị đẹp và nấu ăn rất ngon. Nhiều lần tôi từng xin dưa chị muối chua đem về nhà ăn cơm , hàng xóm khu tập thể nếm thử khen nức nở. Dưa chua này làm mồi nhậu bắt rượu lắm. Con gái của anh chị bấy giờ đang học lớp 5. Mấy năm sau tôi chuyển lên Sai Gòn...
Hai mươi mấy năm qua , giờ mới gặp lại anh. Tôi hỏi thăm về chị Ba. Anh bảo:
-Thế mày chưa biết à. Bả bị tai nạn xe buổi sáng sớm đi chợ , khi con bé này đang học lớp 11. 
  Đôi mắt anh trũng sâu , tự nhiên thấy thương anh quá. Tôi không dám tò mò hỏi thêm, sợ anh buồn. Dù thời gian lâu vậy nhưng tính cách của người miền Tây gặp nhau chỉ bá vai hỏi sơ qua rồi nhậu thôi. Không hề hỏi thăm nhà mấy tầng , đi xe gì có bao nhiêu mét vuông đất và bala mọi thứ như vùng miền khác. Tính cách giản đơn, hào sảng có thương hiệu riêng , khó lẫn với ai được. Cuộc đời vốn nghiệt ngã và không công bằng với nghề họa sĩ . Có nuôi con đằng đẵng một mình mới thấm thía cái ngàn trùng ,nặng nề của thời gian với gam màu trầm lắng đơn lẻ .Tháng ngày ì ạch như cái toa tàu nặng nhọc trong thơ Tế Hanh:
" Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau. "
Cuộc đời thật khó nói trước . Lòng vòng thế nào không ngờ giờ đây tôi và anh cùng" TON SUR TON "nốt. Hai cái đầu đã bạc, ngồi chơi trò bập bênh với chai rượu như ngày nào. Những ngụm rượu bình dân ngày xưa còn lẫn mùi mồ hôi, uống xong nghe anh "khà" lên cũng thấy ngon . Bây giờ chai rượu Tây Red Label mùi thơm thoang thoảng mà thấy anh uống nặng nề, không còn " khà" nữa, nhăn nhó đến là khó nuốt . Những va vấp và nghiệt ngã đã làm xơ cứng vị giác và tăng luôn nồng độ cồn trong rượu.
Hoàng Gia

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lên Trên! Xuống Dưới!