Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

KHÚC HÁT SÔNG QUÊ VÀ NỖI LÒNG NGƯỜI XA XỨ



Nguyễn Trọng Tạo và Khúc hát sông quê

    Tôi được đọc bài thơ "Khúc hát sông quê" của Lê Huy Mậu trước khi được nghe bài hát "Khúc hát sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc từ bài thơ này. Bài thơ được in trên báo Văn Nghệ năm 2002, tôi đọc thấy hay hay nhưng không nhớ lắm.
Vì bài thơ khá dài, những hơn 80 câu, lại chỉ được một số câu hay, một số câu khác thuộc dạng thường thường, không có gì đặc biệt. Sau đó vài năm, khi tôi quen Thanh Loan, cô ca sỹ người Lăng Thành (Yên Thành), được cô này hát cho nghe bài "Khúc hát sông quê" và nói là của anh Tạo mới sáng tác từ bài thơ của Lê Huy Mậu. Tôi thực sự ngỡ ngàng, cố nhớ lại bài thơ của Lê Huy Mậu mà tôi đã đọc năm nào... 
    Cách đây vài tuần, bỗng dưng anh Tạo gọi điện, nói là mới lĩnh nhuận bút nên mời mấy anh em đi uống bia. Ra đến quán bia hơi Ngà Vinh gần Khách sạn Kim Liên đã thấy anh ngồi đó rồi. Cùng với anh còn có nhà báo Nguyễn Sỹ Cứ, Tổng biên tập tờ VietNam Business Forum, Luật sư Huỳnh, vụ trưởng Pháp chế VCCI... Ngồi với anh một lúc đã thấy dăm ba ông mang ly đến chúc sức khỏe anh Tạo. Cứ theo họ giới thiệu thì chỉ vì mê nhạc anh Tạo và chỉ được nhìn thấy anh trên ti vi, nay được gặp ngoài đời nên mới bày tỏ lòng ngưỡng mộ. 
Sau những câu chuyện hàn huyên, tôi hỏi thêm anh về bài hát này. Anh nói rằng, năm 2002 anh vào Vũng Tàu sáng tác, Lê Huy Mậu nhờ anh đọc một số bài thơ và anh đã rất xúc động trước bài "Khúc hát sông quê". Anh nói bài thơ làm cho anh nhớ dòng sông Bùng uốn lượn qua làng anh, nhớ tuổi thơ anh, và tự nhiên trào dâng cảm xúc âm nhạc khi đọc bài thơ đó. Chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ đầu buổi sáng ngày 2 tháng 9 năm ấy, anh đã viết xong ngay bài hát mà không phải sửa lại gì. Tuy có viết lại một số đoạn thơ của Lê Huy Mậu, nhưng anh vẫn tiếc nuối một số đoạn thơ hay mà không làm sao đưa vào bài hát đươc, ví dụ như những câu thơ này: "quê hương ta nghèo lắm/ ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn/ ta mổ lợn/ con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt/ cá dưới sông cũng có tết như người". Tính anh khiêm tốn, không dài lời, nên không hay khoe khoang, nhưng tôi biết anh đã rất dụng công khi đưa thơ Lê Huy Mậu vào âm nhạc. Có thể nói, từ khi bài hát "Khúc hát sông quê" ra đời thì tên tuổi của Lê Huy Mậu mới được công chúng biết đến với tư cách là người khởi nguồn cho nhạc của Nguyễn Trọng Tạo. 
Và sau đây là nguyên bản bài thơ của Lê Huy Mậu: 
    Khúc hát sông quê
   (Lê Huy Mậu) 
Ngỡ như người đã hát thay tôi
ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi!
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê

như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che...

Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng chạp
Ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành...

Em ơi!
quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thuở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi
lại nghe nói
thưở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng, ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước...

Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta lở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bồi rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta...
 

Này dòng sông!
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam ?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng...
  Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng ba...tháng năm...tháng chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng...Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đến trọn đời ta sống
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người  

trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm

trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh...

Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm

phía trên ta tắm...
trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng !...

Còn đây là bài thơ đã được anh Tạo chắt lọc ra đưa vào bản nhạc:Quá nửa đời phiêu dạt
Con lại  về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn
Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy,
Từng vị heo may trên má em hồng.

Ơi con sông quê con sông quê,
Ơi con sông quê con sông quê.
Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng.

Ơi con sông quê con sông quê,
Ơi con sông quê con sông quê.
Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm
Cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng...

Mảnh đất Yên Thành của tôi không có sông lớn, nhưng hồi trẻ con, đi chăn trâu ở Đồng Tro thường ra sông Dinh tắm. Đó là một con sông nhỏ, không đổ ra biển nhưng với bọn trẻ con hồi đó thì thú vị vô cùng. Rất tiếc là nay về quê thì dòng sông Dinh đã trở nên khô cạn và đang chết dần. Quê cha ở Phú Xuyên có dòng sông Hồng hùng vĩ nhưng với tôi không nhiều kỷ niệm. Dẫu vậy, mỗi lần nghe "Khúc hát sông quê" của anh Tạo vẫn như bị nôn nao cả ruột gan nhớ về dòng sông tuổi thơ tôi.

Bài hát đưa ta trở về với quê hương nguồn cội, trở về với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hòa cùng thiên nhiên và để được thấy lại mình trong đó. Quê hương luôn luôn là động lực tiếp thêm cho ta sức mạnh để ta vững bước vượt qua những bão giông của cuộc đời (Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn). Sự trở về như một điều tất yếu và hành động "úp mặt vào sông quê" chẳng khác chi đứa trẻ thơ được sà vào lòng mẹ để được bú mớm, dỗ dành và cưng nựng.

Con sông quê hương, con sông tuổi thơ đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho quê hương nguồn cội, để ta được trở về gột rửa và gội mát tâm hồn... Con sông quê hương "dạt dào như lòng mẹ" mà lòng mẹ thì bao la lắm, ta luôn tìm được nơi trú ngụ, chở che và dù cho có phiêu bạt đến nơi đâu thì lòng mẹ vẫn dõi theo.

  Hơn thế với thế hệ tôi, con sông quê hương thường gắn với một thời khốn khó của đất nước. Cái khốn khó ấy đã được Nguyễn Trọng Tạo diễn đạt một cách xuất chúng:
"Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng" 

Với những người thuộc thế hệ 5x, 6x của thế kỷ trước, hình ảnh dễ bắt gặp của tuổi thơ, rất đỗi thân quen, trong tim ai cũng có và luôn hằng lưu giữ: Đứa trẻ thơ ngồi bậc thềm vắng ngóng ra đầu ngõ mong mẹ đi chợ phiên về mua cho đồng quà tấm bánh. Chao ôi! Đó là hình ảnh thân thương quá đỗi!

"Cùng một bến sông
Con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng" 

    Hình ảnh thơ như một bức tranh sống động về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, cảnh vật. Ở nơi đó cuộc sống nảy nở sinh sôi; sông mang phù sa bồi đắp cho đồng bãi, sông mang nước cho cánh đồng lúa bao la, sông là nơi tắm mát những trưa hè, sông mang lại cá tôm cho cuộc sống... Một dòng chảy bất tận muôn đời và sự sống hai bên bờ mãi mãi nảy nở sinh sôi từ chốn ấy!

"Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng", vâng, hình ảnh kết bài không còn là "một dòng sông xanh" nữa mà là "một dòng xanh trong" như một biểu tượng của quê hương và tình mẹ, cũng như tâm hồn và nỗi nhớ quê của người xa xứ không bao giờ vơi cạn, không thể nào có thể đo đếm hết được, để "người đi" mãi luôn đau đáu và hoài niệm về nó, nơi đã cho ta  được sống, được tự do, dưỡng nuôi tâm hồn ta và giữ lưu giùm ta bao kỷ niệm.

    "Khúc hát sông quê" đã đưa ta trở về với dòng sông  kỷ niệm, gặp lại mình và để thức tỉnh những ai đã rời xa quê hương bản xứ. Lắng nghe trong sự mượt mà của ca từ trên chất liệu của ngôn ngữ âm nhạc dân tộc cùng chất liệu dân ca đằm thắm để thấy tâm hồn đồng điệu và lòng trào dâng tình quê da diết. Với "Khúc hát sông quê" mỗi người đều tự tìm thấy tuổi thơ mình trong đó, vì thế nó đã là bài ca của mọi người "Ngỡ như người đã hát thay tôi/ ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát/ tuổi thơ ơi" (Lê Huy Mậu).
    Trong lần đi xuyên Việt hồi năm ngoái, không ít lần vô tình tấp xe vào một quán nào đó, tôi đều bắt gặp bài ca "Khúc hát sông quê". Thậm chí có lần sang Lào cũng được nghe bài hát đó. Người ta hát bài này ở mọi lúc mọi nơi, hội họp, tổng kết, động thổ, cắt băng khánh thành, giỗ tổ... Thậm chí trong một cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" trên VTV, có hàng chục thí sinh đăng ký bài hát này. Không còn nghi ngờ gì nữa, "Khúc hát sông quê" đã trở thành một ca khúc của công chúng. Nó vượt qua mọi không gian, thời gian để đến với mỗi con người, không kể đó là Nam hay Bắc, già hay trẻ.
    Đời người nghệ sỹ có được tác phẩm như thế nghĩ cũng sướng! Riêng tôi, cũng hơi ghen với anh Tạo nhưng thấy vẫn được vui lây! đơn giản, anh là đồng hương của tôi. Chúc cho anh sức khỏe và tình yêu để tiếp tục cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị như "Làng Quan Họ quê tôi", như "Khúc hát sông quê".
    Phan Thế Hải
   ********************************************************
 Từ Tây Nguyên, Chèxanh điện thoại bảo với tôi rằng - Bài Khúc hát sông quê của Lê huy Mậu rất dài , khác với bài của Nguyễn Trọng Tạo. Có lẽ Chè xanh muốn chia sẻ và mong lão viết mấy lời cảm nhận .
 Bài Khúc hát sông quê, giờ nhiều người thuộc , nhiều người chọn nhac chuông cho mình - cũng đủ thấy nó đi vào công chúng thích nhạc như thế nào.
 Lần đầu nghe bài hát này, tôi xúc động đến chảy nước mắt. Những giọt nước mắt nóng hổi nhớ quê nhà. Bài hát hiện lên hình dáng mẹ già, và một thời tuổi thơ khó phai mờ. Lớp tuổi của" quá nửa đời phiêu dạt" làm se sắt những người xa xứ...
 Có lẽ ai cũng từng nghe Anh Thơ hát rất thành công  bài này. Ngoài ra, còn có cả tá ca sĩ trình bày hay không kém. Đó là giọng của lớp người " quá nửa đời phiêu dạt/ con lại về úp mặt vào sông quê..."
 Bài thơ của Lê Huy Mậu, một lần nữa lại khoét sâu vào kỷ niệm của những người xa quê .Buồn vui lẫn lộn giữa nhớ và thương. Lời thơ như quay quắt , vắt ra từ nỗi nhớ. Những sông Lam - sông Cả , những chợ Lường - sông Bùng...làm sóng dậy trong lòng những người con xứ Nghệ...Và với sự chắt lọc, gửi gắm thật tài ba của Nhạc sĩ Nguyễn Trọng tạo, bài hát làm thăng hoa cho rất nhiều người khi nghe và khi hát. Sự sáng tạo và gửi gắm của người Nhạc sĩ yêu quê hương này, với những " Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm..." thật lay động lòng người.  Ngoài hai bài mà cụ Phan vừa kể - tôi còn thích cả bài " Khúc hát quê hương " của anh. Khúc hát về quê hương xứ nghệ của anh.
 Xin gửi đến các bạn gần xa, tiếng lòng của người con xứ Nghệ qua bài thơ, bài hát về mảnh đất quê hương vạn nẻo yêu thương này. Bài hát thật se sắt lòng cho những người con xa xứ - mỗi chiều về lại nhớ nhớ, thương thương...
 Lời giới thiệu và lời bình của...cụ Phan -Hoa thành,( Yên thành - Nghệ an ) thiết nghĩ đã quá hay và quá đủ để mọi người hiểu thêm về lời thơ ma lực trong bài hát - "TIẾNG HÁT SÔNG QUÊ" làm say mê lòng người.

2 nhận xét :

  1. Thăm Lão XS biết thêm được một "khúc sông quê" vẫn nghe mà chưa hiểu ạ! chúc lão vui nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão không ngờ em mò vào tận đây.
      Bài viết trên đây là của Phan Thế Hải , một cây bút ít khi viết bình thơ , nhưng đọc thì thấy dâng tràn cảm xúc. Hải vốn học chuyên ngành tài chính ngân hàng , ra công tác tại một ngân hàng ở vùng cao Tây bắc. Vì thích viết báo , nó nghỉ ngang về Hà nội làm nhà báo không qua trường lớp nào . Thỏa chí tang bồng với nghề viết báo. Những bài báo của Hải viết về kinh tế rất đa dạng và sâu sát , có bài Hải từng bị thu thẻ chỉ vì nói thẳng quá. Hải là tác giả cuốn sách viết về Đặng tiểu Bình với nền kinh tế Trung Quốc...
      Cả hai ông Lê Huy Mậu - Nguyễn Trọng Tạo đều là người con xứ Nghệ , nên viết về quê hương với dòng sông tuổi thơ xứ Nghệ thật lay động lòng người.
      Xin nói thêm để XS hiểu biết thêm ngoài lề bài viết .

      Xóa

:) :( :)) :(( =))

Lên Trên! Xuống Dưới!