Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

 Ả HOE RA PHỐ.
( hoàn thiện)
Xin bạn đọc một tẹo thời gian để nói thêm về cái tiêu đề với những người không phải người Nghệ.
Xứ Nghệ nhiều vùng có cách gọi rạch ròi ấn tượng về những người đã có gia đình. Chưa có gia đình vẫn gọi anh và ả , có gia đình rồi, vợ chồng sinh con gái đầu lòng nghiễm nhiên được kết thêm chữ" Hoe" vào trước danh từ riêng. Ví dụ vợ chồng nhà Thanh có con gái đầu lòng thì chết danh ngay là Ả hoe Thanh, anh hoe Thanh. Nếu đầu lòng là con trai thì dĩ nhiên gọi là anh cu - anh cu Thanh, ả cu Thanh. Cũng như vùng Nam bộ gọi theo thứ. Anh Ba , anh Tư kèm theo tên. Nhưng khi giao tiếp gọi nhau , người ta quen gọi không cần thêm tên để tỏ sự tôn trọng. Về Nam bộ , gặp bác Ba Phi chẳng hạn , ta cứ chào gọi Bác Ba là đủ , không cần gọi tên. Về xứ Nghệ , gặp ả hoe Thanh , ta cũng chỉ cần gọi Ả Hoe là đủ , là đã tỏ sự tôn trọng , không cần thêm tên. Tiếng Nghệ không gọi chị mà gọi Ả. Vâng , Ả Hoe. Bài ký sự về Ả HOE RA PHỐ.
....................
Năm nay mùa hè nắng nóng kỷ lục , nhiệt độ ngoài trời là 41 độ. Nên nhớ nhiệt độ công bố cho thiên hạ là nhiệt độ đo trong cái lều khí tượng , ngoài trời thì dĩ nhiên hơn. Qùy hợp là một trong những chảo lửa nóng nhất miền Trung. Ấy vậy mà trong gia đình Ả Hoe còn nóng thêm vài độ. Số là Ả Hoe sắp đi du lịch Sài Gòn - Vũng Tàu theo tour. Ả tất bật mấy ngày liền cho chuyến đi , vất vả lắm. Cứ xếp đồ vào lại phải lôi ra , kiểm đếm rồi lại xếp vào. Gọn gàng ưng ý với mấy bộ đồ , có những bộ chỉ dành cho đi ăn cưới. Mấy khi được diện ? Anh chồng nhiều khi lắc đầu " Ngá cả mắt "!
Lại nghe nói Sài gòn dạo này cứ 3m2 đường phố có tới 2 thằng cướp , nên cũng hãi , vãi cả tè. Có đôi hoa tai làm đẹp, đành tháo ra để nhà cho an toàn. Đẹp chả bằng đau . Điện thoại thì dĩ nhiên phải mang theo rồi . Ngoài liên lạc ,chụp ảnh làm lưu niệm còn có chức năng...kêu cứu công an khi cần chứ. Dân choa luôn có tinh thần cảnh giác cao độ . Hỏi thăm những người từng đi du lịch thì cũng chỉ chừng mực , nên ả tự lo được gì cứ lo. Không lẽ chút gì cũng hỏi. Quê lắm .
Đêm trước khi đi , Ả Hoe trăn trở xoay vần không ngủ được vì lần đầu tiên được ngồi tàu bay. Ả cứ hình dung cái bụng máy bay nó tròn như cái ống cống, cứ phải khom lưng chui vào bụng nó , người nằm xếp lớp như cá hấp ở chợ. Đề phòng mấy ông nằm cạnh ngọ nguậy , các ả tính trước phải nằm gần nhau. Rồi còn lo cái máy bay mấy ông phi công có nhớ đổ đầy xăng hay quên mà hết xăng giữa chừng thì tai họa ; rồi trên bầu trời bao la ấy có nhớ đường mà lái vào Sài Gòn không hay lại lạc mãi đâu sang Ma Lai... Nhiều cái lo lắm , cộng thêm cái chộn rộn nên không ngủ được. Ả nhỏm dậy ngắm cái túi, lôi đồ ra đếm lần nữa coi có gọn gàng như nhắc nhở của trưởng đoàn không. Nghe nói túi cồng kềnh nó bắt mua thêm cước .Tiền bạc thì khỏi lo , vì ả phân chia ra nhiều chỗ. Các ả thống nhất may hẳn cái túi vào mặt trong quần lót. May bằng hai đường chỉ đè lên nhau, cho tiền vào đó thì quá ư chắc chắn. Còn vài nơi cất dấu tiền nữa , cũng chắc cú 2 đường chỉ . Trộm đừng mơ của các ả nhà quê nhé, nghỉ cho khỏe ! Trong túi áo chỉ có tiền lẻ dành tiêu vặt thôi ...
Rồi cái giờ rục rịch lên xe khởi hành xuống Vinh cũng đến. Ôi ,sao thấy thương Anh Hoe đứng giơ tay vẫy vẫy chào quá. Tự dưng ả cảm động muốn khóc. Giờ phút tiễn đưa hiếm hoi trong đời tự nhiên thức tỉnh tình yêu lẹp xẹp ngủ quên bấy lâu nay trong lòng. Ả hối hận là đã không dám nắm tay chồng trước đông người khi bước lên xe.
Chiếc xe khách ôm trọn cả đoàn đi du lịch hơn hai chục người , phóng ào ào trong đêm vắng thẳng tiến sân bay cho kịp giờ cất cánh.
Sân bay Vinh.
Trong lúc chờ tới giờ lên máy bay , chẳng biết chộn rộn làm sao mà Ả Hoe chạy vào WC liên tục .Nghe kể , mấy chú bộ đội tân binh , lần đầu xung trận, bóp cò súng cũng mót đái nữa là Ả Hoe. Mấy cô giáo khác không khỏi hồi hộp,nét lo lắng in hằn lên sắc mặt. Lóng ngóng mong sao được lên máy bay mà không vi phạm gì là tốt rồi . Hầu hết đều là lần đầu đi máy bay nên được dặn dò cả trên sự chu đáo . Nào là vật nhọn , chất lỏng đều phải để lại , mang đi theo người là vi phạm ...
Khi bước qua cổng kiểm tra vào phía trong phòng chờ , mọi người thở phào . Ả Hoe khoe ngay chiến tích với Ả hoe Thanh:
- Nì mi , cái máy soi chi đó cũng mù. Tau dấu được cả cái ni.
Ả Hoe cười hì hì và đưa ra chai dầu gió được quấn mấy lớp giấy vệ sinh vừa lôi trong cạp quần ra.
- Chai ni có chất lỏng nè . Tau đâu dại mà móc ra khay , vô phòng vệ sinh quấn mấy lớp giấy cho máy mù luôn . Thu chi được của tau mà thu . hì hì
Ả Hoe lại cười , tiếng cười của người vừa chiến thắng cả máy móc hiện đại. Nói cho công bằng , nụ cười Ả Hoe thuộc diện đẹp nhất phòng chờ sân bay hôm nay. Nó sáng lên sự vui tươi và thánh thiện đến vô cùng. Ở trường , Ả Hoe được mệnh danh là chân dài vì dáng đẹp. Cái đẹp mặn mà của gái một con . Là gọi chân dài thôi , đừng bắt vén lên xem vì chân Ả Hoe lắm sẹo.
Nghe ồn ào chuyện Ả Hoe khoe chai dầu gió , Ả cu Long xấn lại xòe tay :
- Mi còn phải quấn giấy, tau nỏ phải bọc bạch chi hắn cũng nỏ phát hiện ra.
- Mô ?
Ả cu vén áo , lật cái lưng quần ra:
- Đây nì .
Thì ra cái kim băng dùng để găm cái túi đựng tiền vào quần. Không phải một mà có tới hai cái. Mọi người vừa cười , vừa đấm lưng nhau thùm thụp. Ả Hoe bất chợt đưa tay vuốt vào háng , xem chừng cái túi tiền còn nằm yên đấy không. Ừ , cứ nằm yên đó , thách chúng mày mò vào của bà. ! Ả Cu Long cúi xuống trịnh trọng :
- Ta đi lần đầu mà son. Vật nhọn chất lỏng gì cũng qua tuốt luốt.
Trong phòng bỗng vang lên tiếng loa mời hành khách ra máy bay để khời hành . Mọi người rục rịch ra sân. Ngoài sân vắng, nắng vàng của buổi sáng đổ bóng dài theo dòng người.
Bước hết cầu thang , Ả Hoe hoàn toàn bất ngờ vì cái bụng máy bay nó không tròn như ống cống mà rộng ơi là rộng. Ả cứ thắc mắc là bên ngoài bụng nó tròn mà bước vô trong như toa tàu hỏa. Phía sau ai đó ủi tới , nhắc:
- Bước mau mồ . ( Bước nhanh nào )
Nhốn nháo í ời rồi cũng đâu vào đấy. Mấy đứa nhỏ theo đoàn hết ngó cái này lại sờ cái kia ra chiều thích thú lắm.
Đang lúc chờ, ả Hoe quay ra sau nói với ả cu Long:
- Tau thấy nhiều người mặc váy đó, can chi? Rứa mà cứ dọa nhau...
Hôm trước ở trường , chuyên đề mặc gì khi đi máy bay được các ả đưa ra thảo luận. Một thầy giáo đi ngang qua nghe thấy khuyên :
- Mặc váy khi bay trên cao , gió tốc bay cả váy xuống đất đấy. Mặc đồ dày vào. Các ả hãi.
8h10 phút , chuyến bay mang số hiệu BL 521 của hãng Jestar chính thức rời sân bay Vinh đi Sài Gòn cất cánh . Trong bụng nó , ít nhất có hơn hai mươi trái tim hồ hởi , háo hức đang đập loạn xạ vì chuyến đi máy bay đầu tiên trong đời.
Cái cảm giác mất thăng bằng ban đầu hơi sờ sợ , sau đó thì Ả Hoe quen dần và hết sợ. Ả bắt đầu lo mà đông người thế này máy bay có nặng lắm không ta? Máy bay rung lắc các ốc vít có chắc chắn không đây trời? Ơn tổ tiên , mấy ông phi công đừng say sỉn như mấy lão lái xe ben ở quê đàng sá rộng mênh mông không chạy cứ ủi xuống khe nằm chỏng vó. Ả thích thú ngắm nhìn những đám mây trắng như bông dưới cánh máy bay, chợt mỉm cười khi nghĩ đến mình đang được bay trên bầu trời mà bấy lâu mong ước. Đất nước Việt nam trải dài theo bờ biển , có núi non điệp trùng , bao mất mát hy sinh mới liền một dải. Phía dưới kia ắt hẳn là dòng sông Bến Hải , cầu Hiền Lương. Phía dưới kia là dãy Trường Sơn , nơi Nguyễn Minh Châu viết " Dấu chân người lính" và bên nắng rát , bên mưa rào cùa " Trường Sơn đông , Trường Sơn tây"".Tiếng đều đều dập dềnh của động cơ máy bay đưa Ả Hoe vào giấc ngủ lúc nào không hay suốt chặng đường còn lại
Theo lịch trình , đoàn tham quan sẽ đi Vũng Tàu trong ngày sau khi vào thành phố Hồ chí Minh. .Vì vậy vừa ra khỏi sân bay , đoàn ăn trưa vội vàng tại một nhà hàng rồi lên đường đi ngay. Bỗng dưng xe dừng chờ gì đó ngay cạnh một cơ sở có tấm bảng đề : "LÀM ỐM CẤP TỐC" thuộc quận Phú nhuận. Nó nằm ngay tầm nhìn , gây tò mò cho các cô giáo dạy chữ. Đầu tiên là Ả cu Long.
- Không làm gì lại làm ốm là...răng ?
Một vài tiếng nhao nhao :
- Lạ hầy. Không làm khỏe lại đi làm ốm ? Điên.
Ả Hoe nhoài người ra cửa ngó rồi lắc đầu , bất lực.
- Vô lý. Nỏ hiểu.
Một cuộc cãi nhau về chữ nghĩa nổ ra mà không một ai hiểu . Ả Cu Lan đành lên phía trước hỏi Hướng dẫn viên của đoàn. Anh hướng dẫn viên đứng lên vừa cười vừa giải thích:
- Tiếng miền Nam, ốm nghĩa là gầy . Tấm bảng đó phải đọc là : " LÀM GẦY CẤP TỐC".
Mọi người òa lên cười. Dịch ra tiếng Nghệ , thì lại thành : LÀM CHO BỆNH CẤP TỐC . Ả Hoe quay lại than:
- Tóm thì nói tóm , lại còn ốm . Mần cho tóm có phải dễ nghe không. Chỉ có tiếng Nghệ ta là dễ hiểu hầy !
Mọi người cười rần rần.
Gần bốn giờ chiều , đoàn cán đích thành phố biển Vũng Tàu. Sau một ngày tàu xe đã thấm mệt , trời lại âm u , mọi người chỉ mong được nghỉ ngơi.
Ả Hoe nhận phòng chung với Hoe Thanh và Ả cu. Chẳng ai bảo ai , quẳng túi đồ vào tủ , cả ba đều nằm vắt ngang giường. " Khỏe nằm dọc , nhọc nằm ngang " chẳng sai tẹo nào. Ả cu bảo vậy .
Khi trưởng đoàn gọi cửa , bước vào nhắc nhở tắm rửa để đi ăn cơm, mấy ả em mới chịu dậy lục sục soạn đồ tắm rửa. Ả Hoe Thanh giơ cái kim băng lên :
- Mấy cha phòng giáo dục hù dọa , làm tau dấu gần chết !
Cái kim băng với người phụ nữ xứ Nghệ như một vật bất ly thân . Khi" xuất giá tòng phu" thì nó luôn được ghim vào cạp quần , theo người phụ nữ mọi lúc mọi nơi. Nó dùng vào việc khi quần áo bị bung chỉ , đứt cúc(nút) bất ngờ đã đành mà nó còn là cái vật cứu người. Xa xưa phụ nữ cài trâm, hữu sự thì dùng cái trâm ấy. Bây giờ phụ nữ không dùng trâm cài tóc nữa thì dùng kim băng.Rất ít khi phải dùng nhưng phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Đó là bệnh Phạm phòng (Thượng mã phong). Khi quan hệ vợ chồng , người đàn ông có thể đột tử vì lý do gì đó ngay trên bụng vợ , thì người phụ nữ bình tĩnh dùng cái kim băng ấy đâm vào vùng xương cụt của chồng ( huyệt Trường cường) . Đây là việc cứu người mà chỉ có duy nhất người phụ nữ lúc này mới cứu sống mạng người được . Vì thế bạn đọc đừng thắc mắc là ả nào cũng dấu kim băng mặc dù là đi du lịch. Với lại nó còn là nét đặc trưng văn hóa của phụ nữ xứ Nghệ , khi phụ nữ vùng miền khác đã bỏ kim băng từ lâu , hiện đại hóa dùng ...dao găm, dao phớ lâu rồi .
Nhà hàng với những món ăn tự chọn , những món ăn lênh láng dầu mỡ. Ả Hoe nhìn khắp lượt và lắc đầu :
- Chộ mà ngầy ( Nhìn mà ngán ).
Món ăn ở Vũng Tàu không hợp với các ả. Người miền nam nấu gì cũng ngọt , thật khó ăn. Quê choa rau khoai lang chấm nước tương còn ngon hơn đặc sản ở đây nhiều. Mà cũng là hải sản , nhưng ở biển Cửa Lò nấu ngon hơn. Bữa cơm chiều chỉ béo mấy đứa con nít vì lạ, vì được ăn nhà hàng đông vui có người phục vụ . Các ả đều lều khều như mèo cho qua bữa.
Vì lều khều như mèo ăn cho nên đến khuya các ả thấm đói. Đầu tiên là Ả Cu khởi nguồn.
- Đói quá bây ơi , dừ còn ai bán không.?
Ả Hoe hưởng ứng ngay:
- Ừ đói. Ta xuống phố kiếm đi. Kháp mô bụp đó . Dừ đi kiếm món chi hảo hạng một chút ăn cho biết, mấy khi vô miền Nam ở thành phố biển.
- Nhưng ăn món chi?
- Dọc đường thấy quán ăn đề HỦ TÍU, chắc là món ăn Tàu, Hồng Công chi đó. Chỉ có quân nớ mới dủng từ ngữ ni, phải ngon mới gọi là Hủ tíu chứ.
Phố xá về khuya vẫn ồn ào không như ở quê giờ này vắng ngắt. Hai bên đường vẫn nhiều quán phục vụ nhưng hầu như chỉ đồ nhậu. Chỗ nào cũng Cua , Ghẹ , Sò... với các ông ngồi uống rượu . Ba ả với ba cái váy khác màu phấp phới bay , bám vào nhau đi bên lề đường . Đi cũng khá xa mà không thấy quán hủ tíu nào ,ả Hoe vừa vuốt háng vừa than:
- Mả cha hấn chớ , cái choa cần thì nỏ có , cái có thì choa nỏ cần .
Đi một thôi đường nữa thì thấy một cái quán đèn sáng trưng. Ba ả mừng húm. Hủ tíu đây rồi! Ả Hoe níu hai ả lại, thì thầm:
- Khoan, để lấy tiền ra đã, vào đó moi ra người ta chộ .
Ả cu Long ngờ ngợ:
- Răng quán mà người ngồi im rứa hề? các ả chững lại.
Hú vía - Thì ra cái mà các ả tưởng bàn ăn kia là cái quan tài, lô nhô mấy người khách kia chính là con cháu, anh em người ta đang ngồi chờ giờ phát tang ! Mặc dù biển hiệu hủ tiếu thì còn nhưng chưa treo cờ tang.
Vẫn không bỏ cuộc . Ả cu nói - Gặp sinh thì dữ , gặp tử thì lành , đi nữa bây. Tinh thần "Xô viết vẫn là Nghệ An " luôn nằm trong huyết quản choa mà. Và...
HỦ TÍU
Đi mãi rồi cũng gặp. Một cái quán ăn đêm thật sự vì nhiều người đang xì xụp. Xe dựng tràn cả ra mép đường .Bên ngoài cũng lại có bảng " HỦ TÍU" rõ to.
- Hủ tíu giống cơm hay như phở ha? Ả Cu lên tiếng hỏi chẳng ăn nhập vào đâu.
Ả Hoe vừa ngó vô quán vừa chắc nịch :
- Vô bây. Nhiều người ăn thì an tâm.
Ba ả ngồi xuống bàn gọi 3 tô hủ tíu . Hồi hộp chờ xem hủ tiếu là món gì .Không cần chờ đợi lâu , một anh chàng ở trần , quần lửng, bụng to như cái thúng bưng từng tô Hủ tíu ra đặt lên bàn kèm theo nụ cười chào mời.
- Thấy răng bây? Hoe Thanh hỏi.
- Tưởng chi, hóa ra là miến nấu hổ lốn bây ơi! Nước trong vắt như mắt mèo- Ả cu Long nhận xét.
- Ờ thì nói là miến cho rồi, còn bày đặt hủ tíu, nửa ta nửa tàu . Ả Hoe ra chiều khó chịu, lấy đũa chọc chọc vào tô. Đoạn ả gắp một nhúm lòng thòng hủ tíu giơ lên ngó nghiêng cho vào miệng .
- Dai ngoách. Nấu chưa chín. Dân thành phố toàn dân lừa! Hủ tíu khỉ mốc. Choa cũng nấu được !
Thôi thì không ngon cũng có cái mà nuốt cho đỡ đói. Cho là khỉ mốc , nó vẫn là món ăn xa vời so với xó quê. Ả Cu lên tiếng :
- Hủ tíu như ri không cần trừ nước hì bây.
Cả 3 ả đều cười. Ấy là Ả Cu muốn nhắc đến câu chuyện thầy Cường kể vui để răn đe các cô trong chuyến tham quan. Thầy kể :
Có cô vợ nọ từ quê ra Hà nội thăm chồng . Anh chồng dặn dò vợ là đã ra thành phố thì phải đi đứng nhẹ nhàng , nói năng nhã nhặn , ăn uống phải tỏ ra lịch sự. Khi ăn uống gì cũng đừng vét hết nhẵn như ở quê mà phải trừ lại một tý cho nó lịch sự.
Sáng hôm sau anh chồng dẫn vợ đi ăn phở. Cô vợ vừa xì xụp vừa khen - Nước nấu cách chi mà ngon hầy, cô đưa tô lên húp và liếc sang chồng :
- Chừa lại vừa vừa thôi anh hầy? Trước đông người anh chồng ngượng không dám trả lời. Cô vợ nhìn chồng , nhìn tô phở rồi rón rén húp thêm nghỉn nữa , nước mắt nước mũi chảy ra cô nghiêng cái tô qua chồng :
- Anh coi trừa lại từng ni được chưa anh ?
Lịch sự như choa đến dân gộc thành phố cũng cúi chào cả nón ! .
Bấy giờ Ả Cu rút điện thoại xem giờ và hốt hoảng :
-Mười một giờ bốn mươi rồi , về, về nhanh kẻo nó đóng cửa bây ơi.
Ra về các ả khen quán lấy đúng giá 35 ngàn một tô , không hề lừa!
Dọc đường , các ả không còn nhớ là ngã nào rẽ về khách sạn vì chỗ nào cũng hao hao giống chỗ nào. May thay có chiếc Taxi trờ tới . Tay tài xế cà vạt đỏ chót nhảy xuống . Ả Hoe lên tiếng:
- Về khách sạn gưn đây năng nấy ? ( Bao nhiêu )
- Gì ạ? Gã tài xế hỏi lại.
Ả hoe Thanh đỡ lời :
- Đây về khách sạn hết bao nhiêu tiền ? Mi hỏi năng nấy ai mà biết .
- Khách sạn tên gì nằm đường nào dzậy ạ?
Ả Hoe đưa tay gãi cổ :
- Cái khách sạn nhiều tầng, cao cao nằm kế bên mấy cái nhà thâm thấp, đây đến đó gưn mà.
Ả Cu chen thêm vào.
- Khách sạn có dãy đèn nhấp nháy hai bên cổng, chếch về phía bên tê đường là bãi đất trống. Tên bằng tiếng Anh dài nỏ nhớ.
Gã tài xế lắc đầu , ngao ngán nhảy lên xe đóng cửa ngoái đầu ra:
- Má ơi , con xin các má! Và nhấn ga chạy ù đi luôn.
Ả Cu nhìn theo chiếc đèn nhấp nháy ở đuôi xe lầu bầu.
- Chắc lái xe dân quê lên phố cũng nỏ thuộc đàng !
Khuya . Sương lạnh lăn tăn. Ba ả đành bám nhau lò dò đi về. Phố xá về khuya vẫn sáng đèn , gió từ biển thổi mạnh hơn. Có những tiếng ầm ì từ đâu xa vọng về làm đường phố như chưa hề biết khuya. Phía ngoài đường lớn dòng người vẫn đông , nối nhau ánh đèn chạy dài như vô tận. Thành phố hình như không có đêm .Vừa bước đi , Ả Hoe nghe bụng kêu lóc bóc vì húp nước hủ tíu. May mắn là các ả không " đậu phộng đường" và về đến nơi sau tiếng reo như thợ rừng túm được trầm - Đây rồi bây ơi!
Đêm ấy tưởng rằng sau một ngày di chuyển , mọi người sẽ chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng không , hầu hết lạ nhà không ngủ được. Các ả gọi điện và rủ nhau về một phòng kể chuyện, cười rúc rích mãi gần sáng.
84 NGÀN VÀ MỪNG HỤT.
Sau 1 ngày 2 đêm tham quan và tắm biển Vũng tàu ,sáng nay đoàn rời Vũng tàu về Khu du lịch Đại Nam và vòng đi địa đạo Củ Chi . Việc bắt buộc ấy là trả phòng. Ba ả đều lưu luyến với căn phòng mình đã từng ở dù là ngắn ngủi. Nhìn khắp lượt , Ả Cu bảo:
- Mấy cái đồ ăn trên bàn chắc người ta cho tính vô tiền phòng rồi , lấy thôi. Những đồ trong tủ lạnh chắc tính tiền nên để lại. Còn nguyên , kệ nó.
Nghe vậy , Ả Hoe liền gom hết cho vào túi xách, một hộp bánh ngọt loại nhỏ chừng hơn chục cái , một thỏi kẹo the như viên thuốc tây và một bịch đậu phộng rang .
Ai dè trước khi lên xe , có tới vài ba phòng phải thanh toán thêm đồ ăn thức uống. Ả Hoe bấm bụng , vừa vuốt háng vừa cười như mếu khi nghe tiếp tân xướng 84 ngàn cho 3 bịch trên . Trả lại thì quê quá , mà ôm thì đắng ngắt. Tròng trành đành đứt ruột móc hầu bao cho xong chuyện.
Lên xe , ả hoe Thanh mặt nặng như chì phân bua :
- 3 cái bịch này giỏi lắm bốn chục bạc, mua lộ mô cũng rứa. Cắt cổ người ta tới 84 ngàn!
Nét mặt các ả tức lắm. Ánh mắt thấm đẫm nỗi buồn và bực bội.
Ả Cu cười gượng :
-Coi như bù qua sớt lại. Chúng nó thua thiệt hơn ta .
Ả cu cẩn thận chờ xe chạy một khúc xa xa , ngoái đầu ra cửa kính xem chừng không ai rượt theo mới lên tiếng kể.
- Chúng nó chém ta thì tao làm cháy cái máy sấy mấy trăm ngàn ,chúng nỏ biết. Cho đáng. Coi như hòa cả làng .
-Thật à. Cháy máy sấy khi mô?
Ả Cu kể.
-Tau lấy cái máy sấy tóc, sấy cho khô đồ. Cái quần Jin vải dày , khò lâu quá cháy luôn máy. Máy đó chắc mấy trăm ngàn , chúng nó không phát hiện ra.
Cứ nhìn sự hồ hởi trên nét mặt ả cu , mấy ả tin rằng coi như tự an ủi cái ấm ức, không lỗ lãi gì.
Thầy Tâm quay lại hỏi:
- Thế ả bật lại máy sấy , nó không chạy nữa à?
Ả Cu dứt khoát ;
- Chứ sao. Cháy đẻn cháy đen luôn còn mô mà chạy. Bật công tắc mấy lần im thin thít. Tui để lại đúng chỗ cũ luôn như chưa hề cháy.
Thầy Tâm hươ tay cười:
- Ả ơi , khi máy nóng quá trong đó có cái rơle nhiệt nó tự ngắt điện. Để máy nguội lại thì công tắc tự động nối mạch, nó lại chạy vo vo bình thường . Ngồi đó mà... cháy cho chúng nó biết tay ! Há ha...
Tiếng cười lẫn tiếng thở dài lan ra cả xe. Các ả mừng hụt vì tưởng gỡ hòa trong trận này nhưng kết cục trọng tài không công nhận bàn thắng...rùa.Thầy Tâm tiếp:
- Dân thành phố thấy vậy chớ vẫn dở hơn ta các cô hầy. Rồi thầy thủng thẳng kể chuyện cho không khí bớt căng thẳng.
Có hai cô giáo giống như hoe Thanh và ả cu vậy , nhưng không phải trường ta mô nha . Lần đầu đến thành phố Vũng Tàu chộ mấy dãy nhà cao tầng thì khen - Nhà chi mà cao đạ khiếp. Rồi hai ả đố nhau: Tau đố mi mấy tầng? Hai ả đang ngả cổ lên trời đếm coi mấy tầng thì bỗng nhiên có thằng con nít chừng hơn mười tuổi, tóc cháy nắng đến dọa: - Các cô cứ đếm thoải mái đi , cứ một tầng trả cho cháu 5 ngàn . Tối về phòng hai ả khoe chiến tích : Tổ cha hấn chớ bọn thành phố nghe nói khun lắm mà tau lừa kì một . Mình đếm 2 lần nhà đó đúng 26 tầng, phía trên còn cái tum nữa mà trả tiền cho hắn có 9 tầng, nó có phát hiện ra mô mồ.
Không ngờ câu chuyện làm các ả ngả ngiêng cười quên ....chết , chiếc xe khách cũng phải lắc lư cười theo.
MƯỢN CHO TAU CÁI LIỀM.
Hôm nay là ngày cuối cùng mọi người mua sắm tùy thích không theo đoàn. Các túi tiền từ chỗ sâu kín nhất được lôi ra. Ả nào cũng lắm tiền . Toàn tiền chẵn .Ả thì đi siêu thị , ả thì ra chợ . Nét mặt ai cũng tươi vui vì nghĩ đến những món quà cho gia đình , cho người thân . Sau khi đi siêu thị mua một mớ quà cho con , cho mẹ già , Ả Hoe bâng khuâng nghĩ tới chồng. Nghĩ mãi ả chốt lại mua đôi giày cho anh Hoe. Anh Hoe có đôi giày sĩ quan quân đội nhưng đã cũ . Ả mạnh dạn ra hỏi mấy tay tài xế taxi đỗ trước khách sạn. Thật đơn giản , một tay tài xế bảo đưa tới chỗ bán ngay cổng của Công ty 32 sản xuất giày quân đội . Không sợ hàng nhái. Trọn gói đi về là 300.000 đồng.
Ả Hoe rủ thêm thầy Tâm đi cho vững bụng. Không những mua được đôi giày cấp tá đẹp long lanh mà ả còn mua thêm được cả cái chạc nịt cấp tá cho chồng !
Ả Hoe ngắm hai món đồ mà hạnh phúc tràn lên khóe mắt . Nghe nói của cấp tướng tá là quý hiếm rồi. Với lại đồ quân trang bây giờ đẹp , bền lại chính hãng .Sau khi mân mê chạc nịt ả vòng nó vào bụng mình siết lại đeo thử. Ả loay hoay tháo ra thì nó càng thít vào. Ả phải kêu Ả Cu giật ra giùm. Ả Cu thì cũng đâu hơn gì ả Hoe , cũng lại kêu thót bụng vô cầm giật ra nhưng vô tình nó càng thít vào chặt hơn như trói ếch. Vậy là thêm cả Hoe Thanh cũng nhảy vào kéo và giật thít chặt bụng ả Hoe mà không biết tháo ra cách nào. Ả Hoe ngã ra giường thở dồn, hổn hển giơ tay ra hiệu :
- Thôi , đư ..ừng kéo nữa. Khó thở lắm . H..o..e Tha...anh xuống dưới đất mượn cho ...cho tau cái ,cái ..liềm.!
Ả Cu và Hoe Thanh buông chạc nịt ngã ra cười cong cả người. Hai người cười , một người thút thít khóc.
- Liềm mô nơi thành phố này mà liềm. Haha .. xuống hỏi mượn liềm người ta lại lôi cán liềm ra cho mượn ,vui à.
Không ai bảo ai , nhưng cả ba ả đều nghĩ đến cách phải dùng liềm mà trặc bỏ cái chạc nịt này ra làm đôi.
Ả Hoe Thanh bỗng ngừng cười , tự nhiên thông minh nảy ra , tìm điện thoại bấm gọi cầu cứu thầy Tâm . Thầy Tâm vội đến và chỉ nhoáng cái là tháo ra. Thì ra loại chạc nịt này có cái lẫy ở phía dười . Ả Hoe thở hổn hà hổn hển , nằm quay vô tường giấu những giọt nước mắt còn sót lại . Trong đầu ả hiện lên niềm vui cứu được món quà mà không phải cắt ra làm đôi.
...Thấm thoắt 6 ngày trôi đi thật mau. Niềm vui và những nụ cười rồi cũng nhường cho giờ phút chia tay thành phố. Cái thành phố ồn ào luôn tấp nập, hiện đại và sang trọng , mang trong mình nó một nhịp sống hối hả cả về đêm như không bao giờ dừng lại .Khái niệm nhanh chậm thật rõ ràng. Dẫu không bịn rịn nhưng cũng đủ để nhớ mãi sau này. Đứng trên tầng cao của khách sạn Sê vần Pờ Lát ( Seventh Palace), các ả nhìn thấy dòng người tấp nập dọc đường Nguyễn Văn Trỗi mà nhớ về người anh hùng đặt bom ở cầu Công Lý mà trước đây chỉ biết trong sách. Theo dòng người ồn ào ấy chạy về phía trên kia là con đường dẫn đến nhà trưng bày tội ác chiến tranh nơi những vật chứng , những vũ khí giết người , những kỹ thuật tra tấn... trước đây của Mỹ - ngụy được trưng bày cho khách tham quan. Những địa đạo Củ Chi , Bến nhà Rồng... và những công trình mới vươn cao bây giờ của thành phố làm cho ta thấy yêu thêm đất nước mình
...Chia xa thành phố , gửi lại đây những nụ cười hồn nhiên , vô tư mà dù có tiền cũng không bao giờ mua được. Người miền núi luôn có những nụ cười rạng ngời sảng khoái , trong trẻo đến tinh khiết. Tuổi thanh xuân đẹp nhất của các ả đã dành trọn cho những lớp học giữa rừng, những bản làng hẻo lánh vùng sâu, vùng xa . Các cô cũng từng sống với sốt rét và rau rừng bám trường dạy chữ cho người miền núi, giờ đây ra thị trấn thì vẫn còn nhiều bận rộn, không có điều kiện, thời gian để đi thăm quan du lịch. Những nụ cười chân chất muộn màng dù đi sau mọi người vẫn tươi rói không hề cũ kỹ..
Các ả sẽ chia tay với những cuộc vui để về lại cuộc sống đời thường , về lại với mái trường thân yêu của mình ở phía tây xứ Nghệ , cách thành phố Vinh chừng 120km đường bộ.
LỜI KẾT
Với tình người xứ Nghệ , ký sự này như món quà người viết gửi tặng đoàn tham quan nói riêng và thầy cô giáo nói chung trường THCS Thị trấn Qùy hợp. Dẫu còn sơ sài và chưa đầy đủ, chỉ là chút kỷ yếu cho chuyến đi ghi nhớ mãi sau này làm vui. Những nụ cười vụn vặt trong chuyện kể trên , người viết dựa trên chất liệu thật để lưu dấu kỷ niệm mà các ả giữ bản quyền, dù chỉ trong phạm vy hẹp là Ả Hoe và nhóm bạn. Không hề hư cấu và là một góc của bức tranh toàn cảnh.
Người viết thành thật rất muốn sự mềm mại , bung lụa phấp phới bay trong văn phong của mình để dành tặng các thầy cô giáo. Nhưng cách viết lộc cộc ngổn ngang đầy lỗi này còn nhiều khiếm khuyết ấy là nằm ngoài tâm niệm của người viết. Dù sao tiếng cười trên dọc hành trình như những bó hoa tôn vinh nét đẹp của người miền núi.
Viết về ký sự này như một bằng chứng là tình yêu quê hương luôn có trong huyết quản những người con xứ Nghệ xa quê , tìm hơi ấm về nơi cội nguồn trên những con chữ khi được viết bài này.
.............
Khi biết tác giả ký sự này là một lão già gầy nhom trơ xương , chưa gặp bao giờ; học xong ra trường vào miền nam vừa kỷ niệm 36 năm ở đất phương nam thì thầy cô rất cảm kích vì vốn nghệ ngữ vẫn hanh thông viết như người bản xứ. BGH và Công đoàn nhà trường có lời mời tác giả về thăm trường và cử đích danh chân dài Ả Hoe lên tặng hoa và ôm hun tác giả - Tặng hoa một người chuyên ngành cơ khí tập tọe viết ký sự và ôm hun một người bí ẩn không ai biết yêu quê qua từng câu chữ...

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lên Trên! Xuống Dưới!