Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

 NGƯỜI MIỀN NÚI.
 Lần đầu tiên được đi tàu lửa từ Vinh ra Hà Nội nhập học . Có hai chú bộ đội từ miền Nam ra ngồi ghế đối diện móc thuốc Ruby mời hút. Một chú bảo:
 -  Em là dân miền núi à?
Ậm ừ không nói nhưng trong bụng thầm gật. Thế quái nào mình cũng tươm tất với dép guốc,  áo bộ đội tuy hơi cũ chút mà sao người ta nhận ra ta? Phải chăng sự " xuất chúng" của người miền núi dễ phát lộ vậy sao ?
 Bài này kể về những cái lạ , độc đáo mang tính xuất chúng ấy của người miền núi. NGƯỜI MIỀN NÚI gồm 3 phần . Phần 1 mở đầu hôm nay với tựa đề.
  Phần 1 -  ĐÁNH BẮT CÁ.
Tuổi thơ của bất cứ ai lớn lên ở thôn quê kể cả trai hay gái ai mà không trải qua và mê man một thời với tát cá , mò cua . Đánh bắt cá dù hình thức nào cũng mê hồn trận  như ma nhập bất kể tuồi nào. Sự đam mê lấn lướt hết mọi lý do. Nói như dân quê tôi - Cha chết cũng xin đắp chiếu nằm đấy chờ con tát xong bắt nốt mớ cá này rồi tính!
 Người miền núi ngoài những cách bắt cá thông thường bằng dụng cụ vó , đó, nơm , chài , lưới...như mọi miền thì có cách bắt cá khác hơn, xuất chúng hơn .
 Là miền núi ruộng lúa ít nhưng khe hói thì nhiều. Có những khe nhỏ hẹp nhưng cũng có  những khe lớn như dòng kênh đổ ra sông lớn. Dòng chảy luồn lách hầu hết qua những nơi rậm rạp , địa hình hiểm trở nên không thể tát cạn hay dùng vó , lưới cào được. Mùa mưa lụt cá ngoài sông lớn hàng năm chạy vào đây trú ẩn , sinh sôi. Mùa hè cạn khe là lúc bắt cá bằng mọi dụng cụ kể cả tát cạn. Có những vụng (vũng ) lớn như cái ao, cái đìa quanh năm cá quẫy mà chỉ dùng câu chứ không làm gì khác được.
  Tuổi thơ dân miền núi đi thả trâu là thời hoàng kim của cuộc đời. Lùa trâu vào rừng là coi như xong việc, chiều tối cỡi về mà không phải chăn dắt. (Người miền núi gọi là thả trâu chứ không phải chăn trâu). Trâu theo đàn , theo lộ trình quen thuộc với những trảng cỏ , đồi sim trải dài ăn no thì tự xuống khe mẹp( ngâm mình dưới nước). Lũ trẻ chúng tôi mặc sức tung hoành trèo hái trái cây măm hoặc xuống khe bắt cá. Cũng mang theo dụng cụ đánh bắt nhưng đó chỉ là bắt cá nhỏ lẻ không đáng nói. Nếu có " Biên niên sử  của làng" thì trận đánh cả lớn nhất  phải ghi là vụng Choại ( Vũng Choại)
 Vụng Choại  nằm cuối một con khe cách sông không còn mấy xa thì phình ra như cái dạ dày trong đường ruột. Cái vụng này sâu lại hiểm trở . Mùa mưa lũ cuốn về lòng nó cây gỗ, tre rừng lung bung trong đó.Nó trở thành cái chuôm , cái chà cho cá trú ngụ . Không thể tát mà cũng không thể đánh bắt bằng lưới hay vó được. Những người trong làng quyết định đánh nó bằng lá rừng.
 Không hề có họp làng chỉ trao đổi thống nhất miệng với nhau. Sáng ấy vẫn đi làm ruộng nương nhưng đều nghỉ sớm và hình thành những nhóm vài ba người vào rừng đốn hạ cây để lấy lá. Đó là cây lá Cơi. Triệt hạ cây ngã xuống chặt lá  bó bó vác về. Một nhóm khác trai tráng hơn thì tự giác vác cuốc vào đào rễ cây Khay. Rễ Khay cũng chặt khúc bó lại mang về. Những cây này cho dù hiếm nằm rải rác trong rừng nhưng bộ nhớ của người miền núi thì không quên.
 Đầu giờ chiều đàn ông trong làng tiến quân ra vụng Choại. Hai bên bờ được phát quang , dọn cho dễ đi. Họ đào những cái hố dọc theo bờ gần mé nước làm thành những cái cối. Đoạn chặt nhỏ lá Cơi , hốt một ít bùn non cho vào dùng cây giã như giã gạo.Gĩa càng nhừ càng tốt. Lớp trai tráng khác lấy rễ Khay đập dập cho te tua ( nó có mùi hơi hăng hắc.). Khi đã giã hết lá Cơi , đập dập rễ khay xong bắt đầu vãi đều  hết xuống nước. Vụng Choai có chiều dài chừng 70m , nơi rộng nhất cũng khoảng  6m tầm 400m2 nước lút sào 3m có nghĩa là rất sâu. Xung quanh bờ những hang hốc gốc cây rất bí hiểm , tối om.
 Chừng mươi lăm phút sau thì tiếng reo có cá nổi  . Những con cá đầu tiên ấy thường nhỏ và ăn ngay dỉa chờ sẵn. Tiếng reo hò cười nói to dần và quên cả trái đất này ngừng quay . Người miền núi nhà nào cũng có một bộ kéo vó và cài dỉa ba ngạnh cán dài gác sẵn trong nhà Welcome cá mùa mưa lũ.
 Một lúc sau thì cá càng ngày nhiều. Những cái đầu đen sì nổi lên hớp hớp, bơi lừ đừ. Gần bờ thì dùng vợt , xa bờ thì dùng dỉa đâm lao. Cá càng to thì reo hò càng lớn. Nhiều nhất là cá gáy ( cá chép), cá mè và cá leo . Lũ cá trúng độc nên ít giãy dụa , rất ngoan nằm thoi thóp thở. Dân làng không lường hết trữ lượng cá quá lớn nên bối rối . Khi đi chỉ mang đồ đựng loại nhỏ , những cái chộng nằm lăn lóc vì cá muốn to hơn cả chộng . Những đứa trẻ bắt đầu tiếp sức bằng cách chạy đi bứt chạc rừng ( dây rừng) để xỏ cá. Xong lại mang cá chạy về nhà  chừng hơn 1km báo tin thắng trận.
 Trời bắt đầu về chiều rồi sẩm tối , làng bên nghe tin nhiều cá cũng bắt đầu gia nhập quân số. Các cô các bà ở nhà bắt đầu đem đuốc lên tiếp ứng. Người miền núi luôn có dự trữ những bó đuốc bằng cây sây hay lu cù dễ cháy để trong nhà phòng hữu sự ban đêm. Cả vùng vụng Choại sáng rực cả góc trời như " Đêm hội Long Trì"..
 Trận đánh cá ấy mãi mấy chục năm sau vẫn nhắc tới với nụ cười chiến thắng của người làng . Các bà bảo là hết chỗ đựng,  lớp thì muối , lớp thì phơi khô ăn dần và nhà nào cũng món cá kho nghệ . Tuy nhiên trong đầu những đứa trẻ hình thành thắc mắc là trong lá Cơi , rễ Khay có chất gì mà làm cá  chỉ nổi không chết? Hỏi người lớn luôn nhận được câu trả lời : - Lá đó làm cay mắt cá nên nó phải nổi thôi. Rõ ràng là chưa thuyết phục.
 Mấy chục năm sau với bao khúc mắc , trăn trở đứa bé năm nào nhờ có mạng Internet mới tìm được câu trả lời. Thổ dân vùng Amazon cũng dùng loại cây gì đó , đập nát ta vãi xuống nước săn bắt cá chình điện. Loại cá chình điện không thể bắt được bằng cách thông thường vì chúng có thể phóng ra luồng điện 600v - tức là gấp ba lần mang lưới điện chúng ta đang dùng. Ngay cá cá sấu cũng phải phơi bụng chứ đừng nói đến con người. Thì ra loại cây gì đó ở Amazon , lá Cơi , rễ Khay của người miền núi có một chất khử oxy mạnh trong nước. Loài cá thiếu oxy , ngộp thở suy hô hấp nên nổi đầu lên hớp hớp để hít thêm oxy trong không khí. Thảo nào chúng lờ đờ hết sự nhanh nhẹn.
Người miền núi xa xưa đã biết sử dụng vũ khí sinh học!

***************************************
Phần 2 - LỘC MƯNG  - TRỨNG KIẾN.
 Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống thì ta tra vừng.
ca dao.
 Hoa gạo rụng vào tháng ba , rải đỏ đường quê và ngoài đồng. Khung cảnh này đã đi vào thơ ca và  quen thuộc với nhiều vùng miền Bắc . Với người miền núi ngoài việc gieo vừng nó còn là tín hiệu mùa của trứng kiến.
 Sau 35 năm biền biệt tôi mới có dịp trở lại Hà Nội. Từ bệnh viện Việt Đức nhảy 2 lần xe buýt mới tới Đông Ngạc nằm gần chân cầu Thăng Long . Gặp anh nước mắt cứ ứa ra khi hai thằng đàn ông tóc đã bạc ôm nhau vì kẻ nam người bắc hơn nửa thế kỷ mới tìm thấy nhau. Anh lớn hơn tôi 7-8 tuổi . Quảng đời thả trâu , bắt cá chúng tôi từng gắn kết với nhau. Bạn vong niên tiếng cười và niềm vui gửi trọn với nhau, hòa quyện vào máu không phai được. Đêm đó hai anh em trò chuyện khi cười , khi khóc. Anh thú nhận:
 - Quãng đời đẹp nhất của con người là thời kỳ đó , nhiều khi nhớ nôn nao ngồi cười một mình cũng thấy sướng.  Mày biết không , tao thèm một bữa lộc mưng trứng kiến , không dùng đũa , chỉ dùng tay bốc và xúc ăn mới đã.
 Anh tên là Nam, ở quê  gọi là Nam Luân theo cách gọi thêm tên cha vào. Anh nhắc tôi cũng thấy nôn nao về món này. Nghe nói Hà Nội cũng có nơi bán trứng kiến do người miền núi mang về bán nhưng đắt lắm. Nửa triệu bạc một ký trứng kiến , nếu là ngày xưa cha tôi và anh đã trở thành triệu phú.
 Hàng năm vào giữa tháng ba đã có thể đi thổ trứng kiến. ( Thổ là động từ với nghĩa tương đồng như trút ra , đổ ra...) . Mùa trứng kiến chỉ kéo dài từ giữa tháng ba đến đầu tháng năm thì hết . Sau đó thì trứng nở thành con và tổ tự tàn đi.Muốn lấy nữa thì phải chờ mùa năm sau.
 Kiến ở đây là loại kiến gai đen , làm tổ trên cây tầm thấp. Loại kiến này có khắp nơi. Tổ chúng hình cầu như quả bóng chuyền màu đen . Đầu mùa trứng còn non nhỏ li ti và ít, giữa mùa thì trứng chín (già) to dần lên lại nhiều. Để nhận biết nó còn non hay già thì phải quan sát từ bên ngoài. Những tổ kiến còn non chưa lấy được thường màu đen và xung quanh nó nhiều lỗ nhỏ để kiến chui vào. Tổ kiến già hơi hơi ngả màu từ đen sang bàng bạc. Tinh mắt nhìn những lỗ nhỏ kia bị bịt lại phần nhiều đó là lúc trứng chín. Trứng chín có kích thước to bằng thân con kiến , trắng sữa như hạt gạo , nhìn ngon mắt lắm.
 Người đi lấy trứng kiến chỉ mang theo dao và cái rá . Nhiều tổ ở cao phải leo cây. Chặt cành cây có tổ kiến khoảng vừa tầm tay và bắt đầu thổ. Dùng dao vạt  một đường vào tổ thì thấy ngay cấu trúc bên trong của nó nhiều hang hóc như tổ ong lấm tấm đầy trứng. Lật tổ kiến úp chỗ vừa vạc ấy xuống rá và dùng sống dao hay cái dùi gõ gõ cho trứng ra. Trứng kiến không tròn mà có hình bầu dục màu trắng sữa. Một tổ thường cho ta khoảng gần một bát sứ trứng. Khi thổ hết phía này xong thì vạt tiếp phía sau thổ tiếp chừng nào hết trứng trong tổ thì thôi.
 Cách làm xem chừng thật dễ, ngon ăn nhưng thực tế thì gian nan vô cùng. Lũ kiến bị phá tổ bu vào người không sót chỗ nào ra sức cắn hòng ngăn cản nguy cơ mất tổ quốc. Cho nên vừa thổ vừa chạy. Nghĩa là  thổ cấp tốc trong chừng nửa phút thì buông tổ kiến xuống cỏ , bẻ nhánh cây nhiều lá tấp lên rá và tổ kiến chủ đích cho kiến bu vào. Thời gian đó thì phủi kiến bu trên người rồi kéo rá di dời chỗ khác cách chừng dăm ba mét , quân số kiến giảm đi nhiều sau mỗi lần thực hiện. Viết đến đây thì người gõ bài này phải bỏ bàn phím tìm nước uống cho cảm xúc lắng xuống . Hình ảnh đôi bàn tay sần lên chi chít vằn vện nhựa kiến màu nâu của cha tôi hiện lên . Ngày xưa cái áo còn phong phanh không lành lấy đâu ra đồ bảo hộ  như bây giờ, hoàn toàn bằng tay chân trần. Trong làng cũng chỉ có dăm ba người có can đảm lấy trứng kiến về ăn. Chỉ cần có đôi ủng , đôi găng tay, cái túi nilon trùm đầu thì đỡ cơ cực biết nhường nào...
 Trứng kiến đem về làm sach bằng cách cho vào thau nước. Trứng chìm , bụi bặm nổi lên . Hái vài nắm lộc mưng ( Lá non cây lộc vừng) rửa sạch để cho ráo nước. Trứng nhúng qua nước sôi rồi tiến hành xào nhỏ lửa với lá lốt thài chỉ , nêm nếm và thêm rau mùi ( ngò rí) vào. Cuối cùng là xoa hai  tay vào nhau dùng lá mưng xúc trứng kiến tém lại như gói chả và oánh thôi ! Trứng kiến vỡ lụp bụp trong miệng nghe mát mùi sữa và vị ngọt của trứng...Lá mưng ăn kèm là một đặc ân của ông trời khi sinh ra trứng kiến.
 Ngày nay với chất lượng cuộc sống , trứng kiến như một đặc sản mà muốn có bữa ngon  như ngày xưa chắc chắn tầm nửa triệu bạc đập lên bàn ! Bao giờ cho đến ngày xưa?

   Phần 3 - MẬT ONG RỪNG.
Một hôm đang xớ rớ đứng trước cửa nhà , một người đàn ông cũ người tầm ngoài năm mươi sà lại mời mua mật ong rừng. Giọng nhát gừng đặc trưng của dân miền núi. Khi được hỏi mật thật hay giả , anh ta lôi từ cái làn ra một bọc nilon đựng mấy tầng ( tổ) ong còn dính mật. Lại lôi thêm mấy chai mật đựng trong chai nước suối bằng nhựa dung tích nửa lít bảo giá 250 ngàn chai này. Cầm chai mật ong óng vàng giơ lên tôi hỏi:
 - Ong rừng hay ong mật nuôi ở rừng?
Hắn đập đập vào bịch tổ ong khẳng định :
 - Bác xem vắt mật còn tổ đây , ong rừng.
Xưa mình xuống núi mong là gội bỏ chất rừng để được như dân thành thị . Giờ dân thị thành lại muốn làm dân miền núi. Thật lắt léo tréo ngoe cuộc đời này.
 Người miền núi bước ra khỏi nhà là gặp kiến và ong. Ai lớn lên chẳng một vài lần bị ong đốt. Đứa em gái kế tôi  chỉ cách nay chừng bảy tám năm lên động sau nhà hái lá lộc lằng về xào đụng tổ ong vò vẽ , nó túa ra đốt lăn từ trên đó xuống đường với hơn hai chục vết . May mà nó "sức tru" ( sức khỏe như trâu) nên qua khỏi.
  Mua mật ong rừng là mua người - tức là mua niềm tin vào người bán. Có 3 loài ong làm mật. Đó là ong ruồi , ong nuôi và ong rừng. Ong rừng và ong ruồi không nuôi được nên mật hiếm. Mật ong rừng có màu sẫm hơn so với 2 loại kia với mùi và vị ngang ngang nhau. .Thang màu mật ong nuôi theo các tháng rất dễ phân biệt. Mật tháng giêng hai có màu vàng nhạt , tháng ba tư màu vàng hơi sậm và  tháng năm sáu mật luôn sậm màu . Hiện nay sản lượng mật ong nuôi hàng năm từ vùng tây nguyên bạt ngàn hoa cà phê cung cấp ra thị trường là rất lớn với giá cả rất dễ chịu . Tầm 120 - 140 ngàn một lít  mật ong nuôi. Có thể từ nguồn này "người miền núi " bán dạo xào xáo thành mật ong rừng.
 Ong rừng (ong dèo) là loại ong hung dữ nhất trong các loài ong. Tổ của chúng thường làm ở cây cao hay nơi hang hốc đầy hiểm trở .Tổ nó cỡ nửa chiếc chiếu một có thể cho dăm bảy lít mật lấy đúng thời điểm. Ngày xưa dân miền núi không dám đụng loại này một cách cẩu thả. Loại này  túa ra rượt thì có chạy rồi  nhảy xuống nước lặn chúng vẫn bay là là bên trên chờ ngoi lên là độp. Cũng có người gan dạ lấy được nhưng phải gặp được tổ nào thấp, nơi dễ thao tác , hun khói khi trời đã tối vài ba người thắp đuốc phối hợp nhau. Bây giờ người ta trang bị bảo hộ toàn thân , có dụng cụ chuyên dụng tìm nó như tìm trầm và chính ong dèo mới là kẻ phải sợ con người dù hang hốc hiểm trở cở nào cũng không thoát.
 Bây giờ nuôi ong theo công nghiệp, ngày xưa dân quê nuôi nhỏ lẻ trong vườn. Ngoài nuôi lấy mật tại nhà thì vẫn vào rừng tìm loài ong mật này để lấy. Năm ấy tôi chừng 7-8 tuổi theo cha vào rừng lấy ong mật . Khi đi chỉ mang theo cái thau rửa mặt bằng đồng để đựng . Sau khi luồn lách dọc khe thì rẽ vào lối nhỏ có tổ ong .Ong làm tổ trong gốc cây khá to sâu ăn rỗng ruột . Cha tôi vừa dùng dao phát quang lối đi vừa tiến lại gốc cây có ong. Bất chợt ông quay ngoặt ra với vẻ hoảng hốt. Cha tôi giục - Đội cái thau lên đầu ghì lại , quay ra quay ra. Hai cha con tháo lui . Tôi thấy cha cầm dao lăm lăm vừa đi vừa quay đầu nhìn lai . Rồi lại quay cả người đi thụt lùi thủ thế...
 Trưa hôm đó cùng hàng xóm ngồi uống nước chè xanh cha tôi mới kể rằng gốc cây vừa có dấu cào cấu của gụ( gấu) mới tươi , lại còn ngửi thất mùi khét đặc trưng của nó. Loài gụ rất thích ăn mật ong. Gụ là loại hung dữ lại bị con người tranh giành tổ ong ắt là khó mà tha. Thế cho nên cha tôi hoảng hốt sợ như cố M và o Th trong làng. ( Cố là tiếng gọi tôn kính những người đáng tuổi ông trong tiếng nghệ . Để tỏ lòng kính trọng người đã khuất , từ đây chỉ gọi cố và o mà không có tên riêng).
 Cố và o không phải đi lấy mật ong rừng mà đi râm sa nhân . ( Đi râm nghĩa là tìm kiếm ở môi trường rập rạp trong rừng mà vừa đi vừa phải mở lối do cây và dây chằng chịt). Sa nhân ( Đậu khấu) có thân và lá giống cây riềng. Trái mọc ở gốc và rễ có vị ngọt hơi cay . Trái thu hoạch về phơi khô bán cho thương lái làm thuốc bắc. Trong lúc râm sa nhân gần khe một con gụ rất to nhảy ra tấn công o và cố. Ngay cái nhảy nhào đầu tiên nó đã tát trúng đầu o và dùng móng cứng như sắt móc mất một mảng thịt sau tai. Cố vung dao chém trong tâm trang bất ngờ và sợ hãi nên không trúng đích. Nên nhớ gụ có lớp lông dày nên dao chỉ chém như chém gối. Sau đó cố lấy lại tinh thần cứ nhắm mặt nó để chém. Những vết chém trúng ngay mũi và miệng của gụ làm nó phải quay đầu  bỏ chạy. Cố xốc o lên máu đầm đìa và cõng chạy về làng chừng hơn hai cây số. Lớp trẻ trâu chúng tôi tò mò thường hỏi cố về những chi tiết cuộc chiến này. Thậm chí tôi và Quang tịt còn đóng vai diễn tả cảnh này cho bọn thả trâu và cố xem để....duyệt. Chứng tích hai vết sẹo nằm chếch về bên trái đỉnh đầu của cố chúng tôi tái hiện bằng hai vệt bùn cho giống.. Hôm đó cõng o về làng thì cố cũng kiệt sức vì mất máu phải nằm mấy tháng mới qua khỏi. Riêng o , do vết cào quá nặng o qua đời vào ngày hôm sau ở tuổi 28.
 Người miền núi có cuộc sống nghiêng về bản năng gốc hơn người miền xuôi. Để sinh tồn còn có cả cuộc chiến với thú dữ tranh giành chủ quyên khai thác rừng. Nghĩa là họ rất giỏi về săn, bắt, hái, lượm...trong môi trường tự nhiên.Tính cách người miền núi hình thành trên nền cuộc sống đặc trưng ấy nên thật thà , quyết đoán và mạnh mẽ.
  Bây giờ đi đâu cũng thường gặp những người miền núi dễ thương. Không chỉ trong buôn bán đặc sản rừng mà từ anh xe ôm đến các cô trong nhà hàng Karaoke cầm mic không biết bật  contac làm sao chỉ vì em là người miền núi!? Chính họ đang tự săn bắt nhau theo tính cách của người miền núi.!
  ............
15/4/2002- Viết cho quê hương.
   


   







 
 

1 nhận xét :

  1. Tôi mới đọc "Người miền núi", bài viết cuốn hút tôi đọc hết bài. Văn anh viết bình dị mô tả hay, lạ, chi tiết,.. cách bắt cá của người miền núi. Vui nhất là cả làng bắt cá ban đêm như một ngày hội.Cùng chia sẻ lộc trời thật vô tư. Quí.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))

Lên Trên! Xuống Dưới!