Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

 MẮC DỊCH .

Đúng là mắc dịch nên kể lại chuyện mắc dịch cho quên dịch - (Sao lắm dịch thế hả dịch).
Gần chục năm trước tôi quen bác trên trang mạng. ( không phải FB này). Bác ấy hơn tôi dăm bảy tuổi và có một đam mê không giống ai là đọc Từ Điển say mê hơn cả đọc truyện. Chúng tôi xem bác như một " AN CHI" phiên bản mạng để học hỏi, trao đổi . ( Học giả An Chi - Tức Huệ Thiên) .Bác ấy là dân Sài Gòn chính hiệu.
Tôi chỉ là dân tỉnh lẻ nhưng về ngôn ngữ cũng tự cho mình là giỏi vì có thể nói và viết trôi chảy cả tiếng Nghệ lẫn tiếng phổ thông lưu loát từ lúc còn rất nhỏ đến mãi giờ luôn(!). hơ hơ .Tiếng Nghệ là thứ tiếng khó bậc nhất thế giới, mấy thằng Tây thằng Mỹ giỏi thế nhưng chỉ vài từ là...ngáp ngay . Thế mà tôi chơi liên thanh " song ngữ" tiếng Nghệ và tiếng phổ thông bình thường. Là người Việt ,cho là hàm giáo sư tiến sĩ ,giỏi Hán Nôm giỏi tiếng Việt đi mà gặp tiếng Nghệ cũng ra bã trong ba nốt nhạc.
Một lần lang thang trên mạng , đọc được bài thơ rặt tiếng Nghệ thấy lạ và hay hốt về. Ngoài tiếng Nghệ xuyên suốt thì câu thơ hay nhất bài là câu " Thứ chè gay rành tài" . Nó liên quan đến gốc gác, niềm tự hào loại chè xanh danh tiếng ngon thơm của xứ Nghệ. Rồi trong lúc rảnh rỗi tôi đem đố bác người " Xì goòng" này dịch trọn vẹn bài thơ tiếng Nghệ này ra tiếng Dziệc ( Tiếng Việt ). Cũng cần nói thêm , một người Sài Gòn chính gốc chưa hề tiếp xúc và cọ xát với tiếng Nghệ thì quả là leo trèo lèn đá còn dễ chịu hơn leo trèo dịch tiếng Nghệ.
QUÊ EM MÙA VỤ
Mùa nực với mùa gắt
Kêu chắc đến rồi tề
Dừ sốt hơn bựa tê...
Khát khô mui nẻ họng.
Ung bứt toóc dới rọng
Mụ cào ló trửa cươi
Con chắt ả mô ruồi
Hắn cợi tru vô rú.
Bếp lạnh tanh mun trú
Cho ga trọi ga bươi
Nác chát ở mô ruồi
Múc cho tui một đọi .
O tê ngong rành sọi
Ả nớ chộ cũng tài
O ả có thương ngài
Nấu cho nồi nác chát.
Tui uống vô mát rọt
Thứ chè gay rành tài
Nắng ra răng mặc trời
Cũng thua nồi nác chát.
(Sưu tầm.)
Thời điểm là 8-9 năm trước , khi điện thoại thông minh để lướt mạng còn hạn chế , FB chưa bùng nổ như bây giờ. Các thông tin còn ít ỏi . Mặc dù trong tay bác ấy có khá nhiều Từ Điển tiếng Việt xuất bản trước và sau giải phóng ở hai miền Nam - Bắc nhưng đều ngoài vùng phủ sóng vì không có tiếng Nghệ, phải tham khảo nhiều sách vở tùm la tùm lum .
Chỉ là cuộc thi đố cho vui trong nhóm bạn trên mạng , nhưng tôi cũng xăng xái trải chiếu rót nước mời ban giám khảo. Chánh chủ khảo là bác Bu người Quảng Bình khả kính ,từng viết nhiều tiểu luận , khảo cứu văn học trên báo và tạp chí. Quan trọng là bác ấy có hẳn pho TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ sống cân nặng 52 Kg trong nhà. Hai giám khảo còn lại là một nhà thơ và một nhà văn xứ Nghệ đã thành danh.
Sau một ngày làm việc thì bài dịch thơ được đăng lên để BGK xem xét. Sau đây là nguyên bài làm của dịch giả.
...
Cả ngày hôm qua tôi đánh vật với bài thơ tiếng Nghệ này. Rất nhiều từ lần đầu được nghe thấy . Nói ngay vì cái sự thi đố này không phải vào phòng thi, không bị tịch thu hết tài liệu cùng các "thiết bị nghe nhìn" cho nên thí sinh thoải mái lục lọi hết đống sách vở, mấy quyển từ điển hiện có... kể cả "Cái gì không biết thì tra Gú gồ" để "dành quyền trợ giúp". Và nhờ tất cả những điều này mà tôi đã biết thêm được khá nhiều từ ngữ xứ Nghệ, thật thú vị và bổ ích. Có nhiều từ phải tra ngược tham khảo cả Từ điển tiếng Mường , tiếng Huế...Nếu không thì chắc chắn không thể dịch nổi vài câu, vì tiếng Nghệ còn khó nhằn hơn cả tiếng Tây, tiếng Tàu , tiếng Huế...
Đây là kết quả trình BGK":
QUÊ EM MÙA VỤ
Mùa nóng với mùa gặt
Nghe đã đến rồi kìa
Giờ nóng hơn bữa kia
Khát khô môi nứt họng.
Ông cắt rạ dưới ruộng
Bà cào lúa giữa sân
Con chị hai* đâu rồi
Nó cỡi trâu vào núi.
Bếp lạnh tanh tro trấu
Cho gà trũi gà bươi
Nước chè ở đâu rồi
Múc cho tui một bát.
Cô kia nhìn cũng đẹp
Chị nọ thấy cũng tài
Cô, chị có thương người
Nấu cho nồi nước chát
Tui uống vô mát ruột
Thứ chè Gay** thật ngon
Nắng ra sao mặc giời
Cũng thua nồi nước chát
* Chị hai là tiếng miền nam tức là chị cả ngoài bắc.
**.Trước khi chọn viết "chè gay" hay "chè Gay", tôi đã tra trong sách vở mình đang có, cụ thể là "Đại Nam Nhất Thống Chí "mục tỉnh Nghệ An, tôi không thấy địa danh nào tên là "Gay" trong này cả. Tiếp tục tra thêm trên mạng, cũng không thấy thông tin chính thống nào nói về vùng đất chè Gay ngày xưa cả.. Sau khi gạt ra ngoài chừng dăm cuốn sách không tìm thấy gì ,thời may , tôi tìm thấy thông tin tron quyển "Sổ tay Địa danh Việt Nam" của tác giả Đinh Xuân Vịnh, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội-2002, có ghi tên một ngôi chợ là CHỢ GẠY (GẠY có dấu nặng, có lẽ sách in sai dấu), ở làng Yên Lĩnh, vùng Lương Sơn, phủ Anh Sơn, nay thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ đây tôi vào gú gồ tìm thông tin chè Gay.
Chắp nối những thông tin trên mạng và trong sách với nhau lại , tôi có thể hiểu giống chè xanh chỉ trồng ở vùng Gay ( Cao Sơn - Anh Sơn bây giờ) nổi tiếng ngon do tính chất thổ nhưỡng và khí hậu riêng mà thành thương hiệu ngon , nay thì được nhân rộng ra trồng nhiều nơi . Ban đầu là chè Gay ( viết hoa) chỉ định loại chè này trồng ở vùng Gay, nay thì là chè gay( viết thường) vì nó đã được nhân rộng ra nhiều nơi trong tỉnh vì lí do thương mại. Tuy nhiên tên loại chè này là danh từ riêng nên phải viết hoa mới đúng. (Trong bài thơ chữ gay viết thường). Dù cho loại chè này có nhân rộng trồng vùng nào khác vùng Gay ( Cao Sơn - Anh Sơn ) thì nó vẫn là thứ chè Gay có thương hiệu , có tên riêng. Rất thú vị! Tra cứu tìm hiểu vấn đề này mất khá nhiều thời gian nhưng bù lại biết thêm được xứ Nghệ có chè Gay ngon thơm thành thương hiệu.
Dịch xong bài thơ từ tiếng Nghệ sang tiếng Việt phổ thông, tôi cũng choáng váng hết cả đầu óc, lúc cắm cúi giở sách vở, tra trên mạng, nếu có ai hỏi tôi tên là gì , chắc cũng nỏ có nhớ tên luôn. Vợ có nhờ việc gì chắc cũng ngại vì đang bò càng trong đống sách ...MẮC DỊCH.
****
Với bài thơ đã dịch trên và cả những trần tình của dịch giả người xì goòng về ma trận Nghệ ngữ , thật đáng kính nể. Cái khó nhất là từ " Gay' trong bài thơ này. Bài thơ nguyên bản viết thường chữ gay. Từ điển tiếng Việt chỉ ghi nhận nó là tính từ ( gay trong gay go) mà trong bài thơ này nó lại là danh từ . Và nếu là danh từ riêng thì phải viết hoa như nhận xét của dịch giả người Xì goòng... Chính một số người Nghệ cũng chưa biết rõ gốc gác của từ chè Gay này nói chi đến người ngoài. Tuy bài thơ dịch chưa sát nghĩa một vài từ nhưng cơ bản là giữ được âm điệu, bản chất khi chuyển ngữ thơ . Cụ thể một số như sau. ( trong ngoặc là đáp án).
Nghe đã đến rồi kìa > (Gọi nhau đến rồi kìa)
Con chị hai đâu rồi > (Con chị cả đâu rồi?)
Cho ga trũi ga bươi > (Cho gà chọi, gà bươi)
......
Không có sự đam mê chữ nghĩa thì khó lòng mà mày mò chuyển ngữ được như bác xì goòng này. Cả ba giám khảo và người trải chiếu điếu đóm cuộc thi đố này rất cảm phục bác . Một người Xì goòng chưa từng bước qua đèo Ngang , chưa từng tiếp xúc nhiều với người Nghệ mà đã ngụp lặn bơi qua được dòng sông ma trận của Nghệ ngữ để dịch một bài thơ thoát ý nhưng vẫn giữ được âm điệu rất hay, rất đáng trân trọng .
***
Sau khi kết thúc cuộc thi , Nhận thấy giá trị của bài thơ , BGK họp phiên toàn thể , chỉnh sửa một số câu từ cho hoàn thiện và thống nhất làm hồ sơ gửi Viện Hàn lâm Khoa học Thủy Điển ứng tuyển giải Nobel văn chương năm 2014. Hồ sơ đã gửi và chờ. Mãi hai năm sau (2016) chúng tôi nhận được thông báo của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thủy Điển về sự chậm trễ xét duyệt này. Thông báo nêu lý do là bài thơ QUÊ EM MÙA VỤ bản tiếng Nghệ đang có tranh chấp tác quyền. Thì ra Nhật Bản đã oánh Công hàm phản đối vì bài thơ này viết bằng tiếng Nhật! Của Nhật.
Một lần nữa phải phát khùng mà rằng: Đồ MẮC DỊCH!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Lên Trên! Xuống Dưới!